Sợi Thế Kỷ (STK) lãi kỷ lục năm 2021

13-01-2022 21:00|Linh San

Năm 2021, Sợi Thế Kỷ (STK) ghi nhận lãi kỷ lục 260 tỷ đồng. Dự báo, ngành sợi sẽ tiếp tục được hưởng lợi trong năm 2022.

Sợi Thế Lỷ lãi kỷ lục 260 tỷ đồng

2021 tiếp tục là năm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng lại là năm khá thành công đối với ngành dệt may, đặc biệt là ngành sợi. Theo SSI Research, giá sợi toàn cầu bắt đầu cao hơn năm 2019 kể từ cuối tháng 2 và đạt đỉnh vào quý III/2021, giá sợi polyester và bông tăng khoảng 30% -50% so với cùng kỳ, do giá bông và dầu tăng vọt. Điều này là do nhu cầu về sợi tăng nhanh trong khi nguồn cung sợi của Trung Quốc dần cạn kiệt.

Mặt khác, lệnh cấm của Mỹ đối với bông có xuất xứ từ vùng Tân Cương cũng gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và đẩy giá bông lên cao hơn.

Ông Đặng Triệu Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) cho biết, ngành sợi polyester filament trong nửa đầu năm 2021 tương đối thuận lợi khi nhu cầu tăng cao và giá bán tăng. Tuy nhiên, quý III/2021, doanh số bán của các doanh nghiệp sợi bị ảnh hưởng do dịch COVID bùng phát ở các tỉnh phía Nam làm cho nhiều đơn vị dệt may phải đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất để phòng chống dịch, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và mạng lưới vận chuyển bị chậm trễ. Mặc dù vậy, đến quý IV, các doanh nghiệp và nhà cung ứng nội địa đã dần khôi phục sản xuất và chuỗi cung ứng.

Với diễn biến đó, doanh thu Sợi Thế Kỷ năm 2021 ước đạt 2.040 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2020 và thực hiện 87% kế hoạch năm. Song, lợi nhuận sau thuế đạt 260 tỷ, tăng 81% và vượt kế hoạch 5% (đây là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay – PV). So với trước dịch (2019), doanh thu còn thấp hơn nhưng lợi nhuận đã vượt xa.

Theo ông Hòa, một trong những thành công của công ty trong năm 2021 là tỷ trọng sợi tái chế và các loại sợi có tính năng đặc biệt như sợi màu (dope dyed), sợi CD trong tổng doanh thu tiếp tục tăng lên. Nhờ đóng góp của các loại sợi có giá trị gia tăng cao nên Sợi Thế Kỷ đạt tốc độ tăng lợi nhuận mạnh hơn doanh thu.

Mặt khác, trong quý III/2021, doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn chung như các đơn vị khác là phải vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất 3 tại chỗ (phát sinh thêm khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, đảm bảo nhu yếu phẩm cho cán bộ công nhân viên thực hiện 3 tại chỗ). Nhờ nhà máy có tỷ lệ tự động hóa tương đối cao nên nhân sự không quá nhiều và chi phí 3 tại chỗ không phải là gánh nặng lớn.

Qua đó, công ty đã đảm bảo được an toàn cho người lao động (không có trường hợp bị nhiễm COVID trong giai đoạn 3 tại chỗ), duy trì sản xuất để đảm bảo thu nhập cho người lao động trong mùa dịch và nhanh chóng khôi phục quy mô hoạt động trong quý IV. Theo vị CEO, đây mới là thành công lớn nhất của Sợi Thế Kỷ trong năm 2021.

soi-the-ky.png
Đơn vị: Tỷ đồng

Nhiều yếu tố tích cực cho ngành dệt may

Đánh giá về 2022, ông Hòa nhận định, ngành dệt may Việt Nam nói chung và ngành sợi nói riêng sẽ được hưởng lợi từ nhiều yếu tố tích cực.

Đó là nhu cầu tiêu dùng ở thị trường Mỹ tiếp tục cao trong khi thị trường EU và Nhật Bản sẽ phục hồi tốt hơn. Năng lực sản xuất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được phục hồi so với trước khi bùng phát dịch bệnh vì tăng độ phủ vaccine và Chính phủ đã áp dụng chiến lược sống chung với COVID.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn áp dụng Zero COVID sẽ dẫn đến nguy cơ đình trệ sản xuất khi có ca dương tính. Đây cũng là rủi ro cho các nhà mua hàng từ châu Âu, châu Mỹ khi đặt hàng từ Trung Quốc. Mặt khác, chi phí của đối thủ cạnh tranh (chủ yếu là Trung Quốc) đã và tiếp tục tăng lên do nhân công và môi trường.

ceo.jpg
Doanh nhân Đặng Triệu Hoà - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK)

Ngoài ra, ngành sợi polyester filament còn sẽ được bảo vệ tốt hơn do Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sợi nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

Cuối cùng, một xu hướng nổi bật hiện nay là thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đang đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc chống biến đổi khí hậu. Để đạt được mục tiêu giảm 50% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và đạt được zero net carbon vào năm 2050, một trong các biện pháp mà các thương hiệu sẽ tích cực áp dụng là tăng tỷ trọng sợi polyester tái chế trong tổng lượng sợi polyster sử dụng. Vào tháng 4/2021 các thương hiệu thời trang hàng đầu đã cam kết nâng tỷ trọng sợi polyester tái chế từ mức 14% (năm 2020) lên 45% (năm 2025).

Như vậy, nếu các thương hiệu đạt được cam kết này thì khối lượng sợi polyester tái chế có thể tăng từ 7.56 triệu tấn (2020) lên 17,1 triệu tấn (2025), tạo ra tiềm năng tăng trưởng cho các doanh nghiệp sản xuất sợi polyster tái chế.

Với Sợi Thế Kỷ, doanh nghiệp tiếp tục định hướng chiến lược là duy trì tỷ trọng sợi tái chế trong tổng doanh thu trên mức 50% và tiếp tục phát triển các mặt hàng có giá trị gia tăng cao như sợi recycled có thêm các tính năng đặc biệt như co dãn cao, hút ẩm, chống tia cực tím, sợi màu, ...

Mặt khác, trong năm 2022, doanh nghiệp triển khai xây dựng nhà máy Sợi Unitex (công ty con 100% sở hữu) nhằm tăng công suất toàn công ty thêm 34.000 tấn vào năm 2023 và thêm 24.000 tấn vào năm 2025. Ngoài ra, công ty cũng tích cực triển khai các dự án công nghệ thông tin cho quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh (như dự án nhà máy thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích số liệu sản xuất) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Với kỳ vọng nhu cầu của thị trường tiếp tục phục hồi, các đơn hàng dệt may sẽ tiếp tục đổ về Việt Nam và nhu cầu các sản phẩm sợi thân thiện môi trường tiếp tục tăng. Công ty dự kiến đặt mục tiêu doanh thu hơn 2.500 tỷ đồng (trong đó sợi tái chế sẽ chiếm trên 50%) và lợi nhuận sau thuế hơn 280 tỷ đồng.

Sợi Thế Kỷ (STK) báo lãi quý III/2024 gần gấp 5 lần cùng kỳ

Đại gia ngành sợi 'trắng' đơn hàng đúng thời điểm nhà máy nghìn tỷ xây bằng nợ vay đi vào hoạt động

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/soi-the-ky-stk-lai-ky-luc-nam-2021-121556.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sợi Thế Kỷ (STK) lãi kỷ lục năm 2021
    POWERED BY ONECMS & INTECH