Thế giới

‘Sóng gió’ chưa qua với Toyota: Phải đình chỉ 6 dây chuyền, tỷ lệ ủng hộ Chủ tịch giảm mạnh

Đăng Đức 21/06/2024 05:15

Toyota liên tiếp phải nhận những tin tiêu cực sau khi Giám đốc điều hành lên tiếng xin lỗi vì vụ bê bối gian lận vừa qua.

Tạm ngừng 6 dây chuyền sản xuất vì… thiếu linh kiện ô tô

Hôm 20/6, hãng thông tấn Reuters đưa tin, Tập đoàn ô tô Toyota cho biết họ sẽ tạm dừng 6 dây chuyền sản xuất tại 5 nhà máy ở Nhật Bản từ thứ Năm (19/6) do thiếu phụ tùng lắp ráp. Đây là một lý do khá sốc và bất ngờ với giới chuyên môn cũng như dư luận.

Người phát ngôn của Toyota cho biết nhà sản xuất ô tô nổi tiếng này sẽ quyết định xem có tiếp tục sản xuất trên các dây chuyền này vào thứ Sáu (20/6) hay không.

Toyota đình chỉ 6 dây chuyền sản xuất ở 5 nhà máy, tỷ lệ ủng hộ Chủ tịch giảm 13%
Toyota bất ngờ tạm ngừng 6 dây chuyền sản xuất ở 5 nhà máy vì... thiếu phụ tùng lắp ráp

Tập đoàn ô tô Toyota (thường được gọi đơn giản là Toyota) là một nhà sản xuất ô tô đa quốc gia của Nhật Bản có trụ sở chính tại Aichi, Nhật Bản. Doanh nghiệp được thành lập bởi ông Kiichiro Toyoda vào ngày 28/8/1937. Toyota cũng là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới khi "xuất xưởng" khoảng 10 triệu xe mỗi năm.

>> Sếp Toyota: 10-15 năm tới là thời của xe hybrid, xe điện vẫn là xu hướng 'của tương lai'

Cũng theo Reuters, mức độ ủng hộ của các cổ đông với Chủ tịch Toyota Akio Toyoda đã giảm rõ rệt tại cuộc họp chung thường niên của hãng sản xuất ô tô lừng danh trong tuần này, do bị ảnh hưởng bởi các vụ bê bối liên quan đến kiểm tra chứng nhận và các lo ngại về quản trị khác.

Chủ tịch Akio Toyoda, cháu trai của người sáng lập công ty (Kiichiro Toyoda), đã được bổ nhiệm lại chức vụ người đứng đầu Tập đoàn Toyota, mặc dù hai cố vấn ủy quyền hàng đầu đã đề nghị phản đối việc tái tranh cử của ông. Nhưng tỷ lệ ủng hộ của các cổ đông dành cho ông Akio Toyoda đã giảm đến 13%, xuống chỉ còn 72%, từ mức 85% năm ngoái và 96% vào năm 2022.

Nhiều người đã bày tỏ sự không hài lòng với cách công ty xử lý các vi phạm liên quan đến vấn đề an toàn liên quan đến thử nghiệm xe, bao gồm cả ở nhà sản xuất ô tô nhỏ gọn Daihatsu.

Một số nhà đầu tư nước ngoài lớn như quỹ hưu trí công cộng CalPERS của Hoa Kỳ và nhà đầu tư hưu trí CPP Investments của Canada phản đối việc tái đắc cử chức Chủ tịch Toyota của ông Akio Toyoda.

Toyota đình chỉ 6 dây chuyền sản xuất ở 5 nhà máy, tỷ lệ ủng hộ Chủ tịch giảm 13%
Dù ông Akio Toyoda mới tái đắc cử chức Chủ tịch Toyota nhưng niềm tin của các cổ đông với ông đã sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh: Franck Robichon/EPA, via Shutterstock

Ngày 18/6, tại cuộc họp cổ đông tại trụ sở chính của Toyota ở thành phố Toyota, tỉnh Aichi, miền Trung Nhật Bản, Giám đốc điều hành Koji Sato đã phải lên tiếng xin lỗi về vấn đề chứng nhận xe: “Tôi chân thành xin lỗi vì đã gây ra sự bất tiện này. Tôi cùng với Chủ tịch sẽ làm việc kỹ lưỡng tại đây để ngăn chặn mọi chuyện tái diễn”.

Chủ tịch Toyota Akio Toyoda cho biết tại cuộc họp rằng hãng sản xuất ô tô này sẽ nỗ lực hết sức để xây dựng lại hình ảnh chính mình sau những vụ bê bối: “Là người chịu trách nhiệm, tôi sẽ thiết lập mọi thứ đúng cách và lãnh đạo việc định hướng của tập đoàn Toyota theo đúng phương hướng đã đề ra”.

>> Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản rung chuyển: Sau Toyota đến Honda bị thanh tra trụ sở vì gian lận kiểm định an toàn, hàng loạt xe bị thu hồi

Hàn Quốc cũng quay lưng với hai “đại gia” ô tô – xe máy Nhật Bản

Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc hôm 20/6 cho biết đã tiến hành điều tra một số xe nhập khẩu do các hãng sản xuất ô tô – xe máy lớn của Nhật Bản là Toyota và Yamaha sản xuất liên quan đến các bài kiểm tra chứng nhận không phù hợp tại Nhật Bản.

Thông báo của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết Bộ này đã xem xét liệu 38 mẫu xe của các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản đang bị điều tra vì gian lận bài kiểm tra chứng nhận tại Tokyo có được bán ở Hàn Quốc hay không.

Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc, hiện không có mẫu xe nào được đề cập đã được nhập khẩu vào Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cơ quan này phát hiện ra rằng một số mẫu xe thuộc dòng Lexus RX của Toyota và các mẫu xe máy Tmax và YZF-R3 của Yamaha được bán tại Hàn Quốc được trang bị động cơ và còi giống như những mẫu xe có vấn đề. Theo đó, Bộ đã xem xét 3 mẫu xe này để tìm lỗi sản xuất kể từ ngày 14/6.

Tính đến tháng Sáu này, có 6.749 chiếc Lexus RX, 1.910 chiếc Yamaha Tmax và 1.318 chiếc YZF-R3 được đăng ký tại Hàn Quốc.

Hàn Quốc có kế hoạch giám sát các biện pháp của chính quyền Nhật Bản và có hành động thích hợp nếu phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn.

>> Bê bối gian lận của Toyota lộ tẩy khiến 18,5 tỷ USD vốn hóa bị ‘cuốn phăng’: Soán ngôi Tesla chỉ còn là giấc mơ?

Vinasun hợp tác cùng Toyota đầu tư 2.000 chiếc xe, trở thành hãng Taxi Hybrid đầu tiên tại Việt Nam

'Biến' mới ở Toyota sau bê bối gian lận an toàn: 2 ngân hàng lớn rút vốn 8,5 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/song-gio-van-chua-qua-voi-phai-dinh-chi-6-day-chuyen-ty-le-ung-ho-chu-tich-giam-manh-239454.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
‘Sóng gió’ chưa qua với Toyota: Phải đình chỉ 6 dây chuyền, tỷ lệ ủng hộ Chủ tịch giảm mạnh
POWERED BY ONECMS & INTECH