Sóng vàng dâng cao: Điều gì đang thúc đẩy giá kim loại quý?
Dù điều chỉnh nhẹ, vàng vẫn duy trì đà tăng trong tuần thứ 8 liên tiếp. Tính từ đầu năm, giá kim loại quý này đã tăng khoảng 12%.
Cuối ngày 22/2, giá vàng thế giới được giao dịch quanh mức 2.936 USD/ounce, giảm 0,64% sau khi chạm mốc cao nhất mọi thời đại 2.955 USD/ounce trước đó. Dù điều chỉnh nhẹ, vàng vẫn duy trì đà tăng trong tuần thứ 8 liên tiếp. Tính từ đầu năm, giá kim loại quý này đã tăng khoảng 12%.
Brian Lan, Giám đốc điều hành của công ty môi giới GoldSilver Central tại Singapore nhận định, bất ổn kinh tế và chính trị đang tạo động lực khiến giá vàng duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo thị trường có thể chứng kiến sự điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.
Sự biến động của vàng được thúc đẩy bởi những căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng. Đầu tuần, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ công bố các mức thuế mới trong tháng tới hoặc sớm hơn, áp dụng cho nhiều mặt hàng, bao gồm gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp, ô tô nhập khẩu, chất bán dẫn và dược phẩm.
Kể từ khi nhậm chức ngày 20/1, ông Trump đã áp dụng mức thuế bổ sung 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 25% đối với thép, nhôm.
Trong bối cảnh đó, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục theo dõi chặt chẽ nguy cơ lạm phát và tác động từ các chính sách thương mại, nhập cư và các chính sách khác của tổng thống Mỹ.
Thống đốc Fed Adriana Kugler phát biểu hôm thứ Năm rằng: “Tôi cho rằng việc duy trì lãi suất quỹ liên bang là hợp lý khi xét những rủi ro chúng ta đang đối mặt hiện nay”.
Vàng vẫn được xem là tài sản trú ẩn an toàn trước bất ổn địa chính trị và lạm phát. Tuy nhiên, lãi suất cao sẽ là yếu tố gây sức ép, làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý này trong dài hạn.
Tham khảo Reuters
Các nhà vàng tăng mạnh giá mua vào
Giá vàng hôm nay 23/2/2025: Chốt tuần bùng nổ, vàng SJC trên 91 triệu đồng/lượng