Vĩ mô

Sứ mệnh dẫn dắt trong 'kỷ nguyên vươn mình'

Trần Thường 18/10/2024 07:15

Cần phải coi tài năng là một tài nguyên, nhưng tài nguyên quý giá nhất của tài năng là tài dùng người tài. Đảng phải phát triển mạnh mẽ, thổi được ý chí quyết tâm vào những người tài năng trong đội ngũ lãnh đạo.

LỜI TÒA SOẠN - DIỄN ĐÀN KỶ NGUYÊN MỚI

Sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 3/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có những phát biểu chỉ đạo quan trọng trên các lĩnh vực.

Cụ thể, qua ba bài viết gần đây như “Quyết tâm xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ngày 4/8; “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới” ngày 2/9 và “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” ngày 16/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Đánh giá những thời cơ, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức về tình hình trong nước, khu vực và thế giới, Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.

Đặc biệt, đây cũng là định hướng lớn đã được Hội nghị Trung ương 10 thống nhất trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng.

Đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới, Báo VietNamNet mở diễn đàn "Kỷ nguyên mới của dân tộc", ngõ hầu mang đến các bài viết, những tiếng nói, góp ý của các nhân sĩ, trí thức, bạn đọc gần xa về con đường và cách thức vươn mình của dân tộc Việt Nam...

Trong nhiều bài phát biểu trong nước và ở quốc tế gần đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Việt Nam đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc". Đây không chỉ là một thông điệp, mà còn là quyết tâm cao của Đảng được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 10.

VietNamNet phỏng vấn GS.TS NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội), Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam về nội dung này.

ĐẢNG LĨNH NHẬN SỨ MỆNH LỊCH SỬ

Văn kiện Đại hội 13 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước?

“Vươn mình” là động thái vượt lên trên mức bình thường, khác với thong thả, tuần tự không phải gắng sức trong điều kiện bình thường. Khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần nhắc tới "Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" là hàm ý đất nước đang bước vào giai đoạn bứt phá với tốc độ cao hơn, với một cường độ lớn hơn và đồng thời cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Theo tôi, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước muốn gửi tới toàn Đảng, toàn dân một khát vọng phát triển mạnh mẽ và hiệu triệu cả nước sẵn sàng đón nhận cả những khó khăn, thách thức trên bước đường đi tới.

Một đất nước hùng cường, một xã hội phồn vinh là ước nguyện của toàn dân tộc từ bao đời nay. Ngay từ những ngày mới giành được độc lập, trong thư gửi thầy và trò nhân dịp khai giảng năm học mới 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Non sông Việt Nam có bước tới đài vinh quang được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai cùng các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ công học tập của các cháu”.

w a22cbc0e086aa934f07b 3 294.jpg
Một đất nước hùng cường, một xã hội phồn vinh là ước nguyện của toàn dân tộc từ bao đời nay. Ảnh minh họa: Chí Hiếu

Sau hơn 30 năm Đổi mới, tại Đại hội Đảng lần thứ 13, Đảng đã ra lời hiệu triệu khơi dậy khát vọng đưa đất nước trở thành quốc gia phồn vinh, trong nhân dân đã có một sự chuyển biến rất mạnh mẽ về tinh thần, tạo nên một khí thế hồ hởi, quyết tâm hướng tới một tương lai tươi sáng của dân tộc. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, chúng ta đang chuyển mình sang giai đoạn mới. Nhìn lại tiến trình lịch sử thì đây là quy luật tất yếu.

Bao giờ cũng vậy, để thực hiện một sự nghiệp lớn thì không thể tách rời vai trò của quần chúng nhân dân. Tất cả những gì là kỳ tích làm được trong lịch sử đều gắn chặt với sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Nhưng làm sao phát huy được sức mạnh đoàn kết đó và để sức mạnh đó trở thành hiện thực thì đấy chính là vai trò của lãnh đạo.

Trong lịch sử chúng ta đã chứng kiến nhờ sức mạnh đoàn kết mà dân tộc Việt Nam làm nên những kỳ tích, nhưng lịch sử cũng để lại những bài học xương máu khi dân tộc không kết thành một khối. Vào thế kỷ 15 dưới thời nhà Hồ, quân đội đông, vũ khí hiện đại lại có thành lũy kiên cố vậy mà chỉ cầm cự được chưa đầy 6 tháng là mất nước. Nguyên nhân sâu xa chỉ là vì “lòng dân oán phản” (Bình Ngô đại cáo).

Sang đến nửa sau thế kỷ 19, một quốc gia hùng cường nhưng chỉ vì triều đình coi thường dân, “sợ dân hơn sợ giặc” như nhận định của nhà sử học Trần Huy Liệu, nên cũng không giữ được nước.

Nhìn lại lịch sử để thấy được vai trò của người lãnh đạo, của những người lĩnh nhận sứ mệnh dẫn dắt quốc gia, lãnh đạo toàn dân.

Ngày nay, người vạch đường chỉ hướng cho đất nước đi lên và gắn kết toàn dân thành khối đại đoàn kết chính là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng là lực lượng chính trị lĩnh nhận sứ mệnh lịch sử dẫn dắt cả dân tộc vươn mình hướng tới những mục đích cao đẹp.

Để hoàn thành sứ mệnh cao cả này, đáp ứng những mong mỏi của toàn dân thì điều tiên quyết là Đảng phải có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trong sạch và quyết tâm thực hiện khát vọng đó. Đảng ta đang tích cực và quyết liệt làm công việc này.

w ho guom 1 1769.jpg
Cần có những tiêu chí cụ thể cho một đất nước phồn vinh, một dân tộc hùng cường.
Ảnh: VietNamNet

Tiếp đến là cần phải nêu ra những tiêu chí cụ thể cho một đất nước phồn vinh, một dân tộc hùng cường mà chúng ta đang hướng tới. Trước đây khi đề ra mục tiêu phát triển quốc gia, Hàn Quốc từng nhắm tới tiêu chuẩn của những nước phát triển (nhóm OECD) và sau hơn 20 năm họ đã đạt được mục tiêu ấy.

Một tín hiệu rất tích cực là trong những năm gần đây, bên cạnh việc tăng cường quản lý nhà nước, Đảng chủ trương đẩy mạnh đổi mới quản trị quốc gia.

Trên tinh thần được nêu trong văn kiện Đại hội 13, phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Khuyến khích bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đồng thời phải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không làm ảnh hưởng, cản trở phát triển kinh tế, xã hội". Đó chính là tư duy quản trị quốc gia.

Trong quản lý chữ “làm đúng” được coi là thước đo của công việc nên người làm quản lý luôn lấy những quy định của pháp luật hay văn bản pháp quy làm “khuôn vàng thước ngọc”. Tuy nhiên trong thực tiễn, nếu chỉ căn cứ vào câu chữ thì những quy định trong luật hay văn bản pháp quy không bao giờ có thể phủ kín được.

Do vậy rất cần sự sáng tạo của người quản lý. Làm đúng nhưng phải hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả và phát huy tối ưu các nguồn lực. Đó chính là tư duy quản trị quốc gia mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu.

Có như vậy mới phát huy được sức mạnh của nhân dân và nêu cao vai trò dẫn dắt của người lãnh đạo, quản lý trong sự nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện thành công mục tiêu “vươn mình trong kỷ nguyên mới”.

TÌM RA NHỮNG MŨI ĐỘT PHÁ

Mục tiêu to lớn của Đảng ta cũng chính là nguyện vọng của toàn thể nhân dân. Đại hội 14 tới đây, theo ông cần đưa những quyết sách gì để thực hiện các mục tiêu này?

Đảng đang chuẩn bị rất tích cực cho Đại hội 14 - một đại hội lịch sử. Về công tác nhân sự tôi đã có may mắn được tiếp xúc với những cán bộ được quy hoạch vào đội ngũ cán bộ cao cấp. Tôi nhận thấy đây đều là những người được tuyển chọn kỹ càng, có năng lực, có quyết tâm, có hoài bão và khát vọng. Điều này làm tôi rất tin tưởng.

W-Vũ Minh Giang 4673.jpg
GS.TS NGND Vũ Minh Giang. Ảnh: Phạm Hải

Nước ta đang hội nhập rất nhanh với thế giới, vì vậy phải nâng cao những giải pháp kỹ thuật trong quản lý, quản trị; cần có quá trình chuyển đổi số cho toàn bộ hệ thống từ chính trị đến xã hội, kinh tế. Đây chính là tăng cường sức mạnh thông qua công nghệ và chúng ta đang tích cực làm.

Một điều có ý nghĩa rất quan trọng là phải tìm ra những mũi đột phá. Muốn phát triển nhanh thì không thể dàn trải mà phải tìm ra những mũi nhọn. Chắc chắn Đại hội 14 của Đảng sẽ xác định những mũi nhọn cần ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.

Đại hội lần này sẽ vạch ra một kế hoạch phát triển toàn diện cho đất nước trong 5 năm tới, nhưng theo tôi then chốt vẫn là vấn đề con người mà trọng tâm phải là chiến lược nhân tài. Nhìn vào kinh nghiệm những nước xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, có thể thấy chiến lược nhân tài đã giúp họ bứt phá thành công.

Cha ông ta đã từng coi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” (Thân Nhân Trung, Bia Văn miếu).

Đại Việt sử ký có nêu khi vua Lê Thánh Tông sử dụng nhân tài thì “người tài lũ lượt ra giúp nước”, tức là khi nhìn thấy được trọng dụng thì ở đâu người ta cũng ra.

Cần phải coi tài năng là một tài nguyên, nhưng tài nguyên quý giá nhất của tài năng là tài dùng người tài. Đây chính là trách nhiệm của Đảng. Đảng phải phát triển mạnh mẽ, thổi được ý chí quyết tâm vào những người tài năng trong đội ngũ lãnh đạo.

Tổng Bí thư có nhấn mạnh đến việc phát huy cao nhất tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc". Theo ông điều này có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay?

Theo tôi người Việt Nam hiện nay cần nhất là hai chữ "tự tin". Tự hào thì chúng ta có rồi nhưng tự hào quá thì dễ thỏa mãn với những điều đã có. Tự hào của ta đang dựa trên quá khứ của cha ông.

Tự tin là dám làm, quyết tâm thực hiện những mong muốn. Tự kiêu không phải là tự tin, đấy là sự ngộ nhận khi chưa đánh giá đúng mình. Đó chỉ là mặt ngược lại của thái độ tự ti. Chỉ có tự tin mới giúp ta hiểu đúng mình, từ đó mới có thể biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế.

w 494dbc317254d30a8a45 1 293.jpg
Muốn trở thành một quốc gia hùng cường thì phải làm theo cách của mình, đi trên đôi chân của mình, bay trên đôi cánh của mình. Ảnh: VietNamNet

Sẽ không bao giờ trở thành một quốc gia hùng cường nếu chỉ bắt chước rập khuôn người khác. Dù học khắp thiên hạ nhưng cuối cùng phải làm theo cách của mình, đi trên đôi chân của mình, bay trên đôi cánh của mình.

Khi chuẩn bị vươn mình, yêu cầu cao hơn nhiều, đòi hỏi mọi công đoạn phải được chuẩn bị rất tỉ mỉ, cẩn thận và không được phép sơ suất. Đây chính là lúc chúng ta hướng tới một mục tiêu cao hơn, lớn hơn là đất nước mình phải trở thành quốc gia hùng cường, phải sánh vai với các nước phát triển trên thế giới. Cố kết lòng dân, siết chặt đội ngũ chính là chuẩn bị cho việc thực hiện mục tiêu đó.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hưng Yên

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Chỉ có đoàn kết mới có thắng lợi

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/su-menh-dan-dat-trong-ky-nguyen-vuon-minh-2328961.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sứ mệnh dẫn dắt trong 'kỷ nguyên vươn mình'
    POWERED BY ONECMS & INTECH