Sau chuỗi 10 phiên tăng điểm liên tiếp hồi cuối tháng 3, thị trường chứng khoán bắt đầu đi ngang trở lại và vẫn gặp khó quanh vùng 1.060 - 1.080 điểm. Tháng 5 - vùng trống thông tin đang đến. Hơn nữa, câu chuyện về hàng chục nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cũng bắt đầu được bàn tới. Kỳ vọng nào cho VN-Index? Cơ hội nào cho nhà đầu tư?
Chúng tôi có cuộc trao đổi với Chuyên gia tư vấn đầu tư Đỗ Thu Hà từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam - thông tin đến nhà đầu tư và Quý độc giả về những vấn đề trên.
Bà Đỗ Thu Hà - Chuyên gia tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) |
Với sự bùng nổ phát hành trái phiếu trong giai đoạn 2019 - 2021, sức ép đáo hạn trở thành tâm điểm chú ý của thị trường chứng khoán giai đoạn 2023 - 2024 trong đó quý 2 - 3/2023 được coi là “đỉnh đáo hạn” với giá trị lần lượt là hơn 70.900 tỷ đồng (tăng 127% so với quý 1) và 77.738 tỷ.
Thị trường trái phiếu bùng nổ năm 2021 |
Theo thống kê của một số công ty chứng khoán, bất động sản là nhóm dẫn đầu danh sách đáo hạn quý 2/2023 (chiếm gần 39,9%). Tuy nhiên kể từ năm 2022 đến nay, với việc thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, kết quả kinh doanh ảm đạm cùng khó khăn trong việc huy động vốn, dòng tiền của nhóm doanh nghiệp bị vắt cạn.
Giá trị TPDN đáo hạn theo từng quý |
Nhiều doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD bị mắc kẹt ở các siêu dự án; tồn kho tăng lên trong bối cảnh hàng bán nhỏ giọt; áp lực vay nợ khổng lồ với chi phí lãi vay cao trong khi lượng tiền mặt eo hẹp đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn tới khả năng thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn.
Trước mắt, áp lực đáo hạn sẽ tiếp tục gia tăng trong tháng 5 khi khoảng 17.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ đến hạn thanh toán - tăng 12,6% so với tháng trước.
Trong khi đó, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 24/4/2023, lượng doanh nghiệp chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp lên đến 57 đơn vị (tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này vào khoảng 152.700 tỷ đồng - chiếm khoảng 13,9% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường).
Tháng 6/2023 là đỉnh đáo hạn |
Vấn đề này sẽ tác động thế nào tới thị trường chứng khoán trong quý 2 - 3/2023?
“Tác động của câu chuyện này có chăng chỉ gây áp lực với doanh nghiệp có lượng trái phiếu đến hạn lớn trên sàn chứng khoán. Thị trường chung sẽ khó xuất hiện cú sốc - nhất là trong bối cảnh các can thiệp chính sách thượng tầng đã và đang tiếp tục được thực thi.
Việc lãi suất hạ cũng giúp cho dòng tiền (một phần nào đó) quay trở lại thị trường chứng khoán và tạo thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo tôi, thay vì phải rò dẫm những vấn đề ngay dưới chân mình, nhà đầu tư cần có góc nhìn rộng và xa hơn để không bỏ lỡ cơ hội trong tương lai đồng thời có bước đi đúng đắn hơn cho hiện tại”.
Nhằm giải quyết vấn đề thanh khoản và “gỡ nút thắt” trái phiếu doanh nghiệp, các quy định hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành (Nghị định 08/2023, Thông tư 03/2023).
Trong nhiều trường hợp, cơn mưa chưa kịp rơi xuống mặt đất đã bốc hơi hết. Vậy cần bao lâu để các quyết sách trên được thẩm thấu? Nó có kịp giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề đáo hạn trái phiếu trong thời điểm khá căng thẳng này (quý 2 - 3/2023).
Thường các chính sách để đi vào hiệu quả và đo lường được bằng con số sẽ mất từ 3 - 6 tháng. Do vậy, các chính sách này có thể sẽ đem đến hiệu quả kịp tiến độ trước khi câu chuyện đáo hạn trái phiếu tạo ra áp lực. Tuy nhiên, vẫn sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp tốt/xấu và chất lượng tài sản hay dòng tiền của các doanh nghiệp này. Vì thế, hiệu quả của chính sách đối với các DN sẽ khác nhau.
Bản thân chúng ta cũng cần nhìn vào thị trường chung và hành động của Chính phủ hiện tại, không chỉ là tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà còn gỡ khó cho toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, tôi cho rằng tới đây có thể sẽ xuất hiện thêm các giải pháp tốt hơn nữa.
Ví dụ như Hiệp hội Bất động sản TP. HCM đề xuất các tổ chức tín dụng cho phép tổ chức phát hành vay tiền để trả nợ trái phiếu đến hạn với các tổ chức đủ điều kiện về tài sản hay về tín nhiệm. Đó cũng là những giải pháp có thể được xem xét.
Hay như việc lãi suất rất có thể sẽ được điều chỉnh giảm lần thứ 3 để kích hoạt dòng tiền trên thị trường và các kênh đầu tư như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản sẽ hấp dẫn hơn. Đây cũng là hỗ lực tương đối mạnh giúp việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trở nên thuận lợi.”
Trên thị trường, có thể thấy tỷ lệ trái phiếu có tài sản bảo đảm là tương đối lớn song chất lượng tài sản đảm bảo không cao. Nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu bảo đảm bằng cổ phiếu của chính mình (dễ thấy ở Phát Đạt (PDR)).
Thị giá PDR đã giảm đến 80% trong 1 năm qua |
Trong hoàn cảnh này, khi doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và chậm trả trái phiếu, cổ phiếu của chính doanh nghiệp đó cũng sẽ bị ảnh hưởng. Một năm qua, thị giá PDR đã giảm đến 80%. Giả định cổ phiếu PDR tiếp tục điều chỉnh, mối lo nào có thể xảy đến với Phát Đạt nói riêng và những doanh nghiệp cùng hoàn cảnh nói chung?
Mối lo trước mắt và dễ thấy kể từ tháng 11/2022 đến nay là việc doanh nghiệp/tổ chức/cá nhân (gọi chung là cổ đông) có thể bị bán giải chấp cổ phiếu; giá trị tài sản của doanh nghiệp giảm dẫn đến khó thế chấp hoặc khó huy động được dòng tiền.
Mối lo tiềm tàng và đáng quan ngại là khả năng doanh nghiệp sẽ bị thâu tóm khi lâm vào cảnh tài sản rẻ và không có dòng tiền xử lý.
Sau cùng, nếu không giải quyết được mọi vấn đề, có thể những doanh nghiệp trên sẽ phá sản. Tuy nhiên, xác suất xảy ra đối với trường hợp này rất thấp bởi hiện tại vĩ mô của Việt Nam đang chuyển biến tốt, Chính phủ có nhiều biện pháp hỗ trợ và giải quyết khó khăn cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản – xây dựng nói riêng.
Thêm vào đó, bản thân giá cổ phiếu vận động cũng chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như cung – cầu, định giá, dòng tiền; thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn sideway nên những cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản cũng sẽ vận động theo xu hướng chung.
Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ chủ động tìm biện pháp tháo gỡ chứ không nằm im chịu trận. Do vậy những giả định nêu trên không có tính khả thi cao.
Với riêng cổ phiếu PDR của Bất động sản Phát Đạt hiện đã tạo vùng nền giá quanh 13.000 đồng nên nếu diễn biến xấu hơn, rất có thể sẽ có dòng tiền bắt đáy nhập cuộc,…
Mặc dù nhóm cổ phiếu bất động sản hiện chưa có nhiều điểm sáng nhưng những lo ngại nhất đã qua; nhà đầu tư cũng không nên bi quan quá.
Trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, nhóm ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng ra sao trong bài toán thu hồi nợ xấu, nhất khi là tại ĐHCĐ thường niên 2023 của một số ngân hàng mới đây, cổ đông từng chất vấn lãnh đạo nhà băng về việc cho vay quá nhiều đối với một số gương mặt bất động sản?
Đây là điều chắc chắn ảnh hưởng nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Lúc này, ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng nhiều hơn dẫn đến lợi nhuận có thể bị bào mòn. Tuy nhiên, các khoản cho vay này đều có tài sản đảm bảo và ngân hàng cũng đã có đánh giá các dự án (bao gồm hiệu quả cũng như tiềm năng sinh lời trong tương lai) nên rủi ro lớn là rất khó xảy ra. Cần nhấn mạnh rằng tỷ lệ cho vay trong hệ thống ngân hàng thường sẽ là 70% hoặc dưới 70% so với giá trị định giá tài sản.
Một thực tế dễ nhận ra là các chủ nợ sẽ không muốn con nợ “lâm nguy” nên các chính sách gần đây của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước,... cũng chính là đang tháo gỡ khó khăn cho nhóm ngân hàng. Trong trường hợp xấu nhất khi doanh nghiệp bất động sản phá sản thì các ngân hàng có thể cơ cấu lại các khoản nợ này bằng một số giải pháp đặc biệt thậm chí là thâu tóm.
Chứng sĩ hoảng loạn vì lo sợ thắt chặt tiền tệ, cơ hội bắt đáy đã tới?
Cổ phiếu đường sau nhịp tăng mạnh: Còn kỳ vọng cho LSS, SBT, QNS?