Tập đoàn Novaland (NVL) vừa thoát lỗ trong quý 3/2023. Tuy nhiên khoản lãi mỏng đặt cạnh quy mô tài sản khổng lồ khiến nhà đầu tư chưa thể yên tâm.
Tập đoàn Novaland (mã NVL - HOSE) vừa báo lãi quý đầu tiên trong năm 2023. Mức lãi sau thuế dù chỉ 137 tỷ đồng - giảm 42% so với cùng kỳ năm trước song vẫn tích cực hơn khoản lỗ 410 tỷ trong quý 1 và 684 tỷ hồi quý 2. Chừng đó cũng đủ để công ty ghi danh trong Top 10 doanh nghiệp bất động sản lãi lớn nhất quý 3.
Xem thêm: KIS: KQKD nhóm bất động sản giảm mạnh trong quý 3, lợi nhuận Novaland, Đất Xanh, DIC Corp vẫn ảm đạm
Sau 9 tháng, Novaland đạt doanh thu 2.731 tỷ đồng - giảm hơn 65% YoY; lỗ sau thuế gần 960 tỷ trong khi cùng kỳ lãi 2.054 tỷ đồng. So với kế hoạch doanh thu hơn 9.500 tỷ và 214 tỷ lợi nhuận sau thuế cả năm, việc hoàn thành các chỉ tiêu được giao vẫn là dấu hỏi lớn.
Điều đang được quan tâm là chất lượng tài sản của doanh nghiệp nhà Chủ tịch Bùi Thành Nhơn hiện ra sao kể từ thời điểm thị trường bất động sản nói chung và NVL gặp biến cố trái phiếu (đầu năm 2022)?
Cuối quý 3, tổng tài sản của Novaland giảm về dưới mức 250.000 tỷ đồng - tăng 23,5% so với thời điểm cuối năm 2021.
Cùng thời điểm, giá trị danh mục tồn kho tăng 24,9% lên mức 137.600 tỷ đồng trong đó phần lớn là bất động sản xây dựng dở dang tại một số dự án trọng điểm như The Grand Manhattan, Victoria Village cùng các đại đô thị NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram hay Aqua City.
Đến cuối quý 3/2023, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn của Novaland ghi nhận mức 56.500 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần số cuối năm 2021) trong đó hơn 42.000 tỷ đồng là giá trị khoản "phải thu khác", tăng 2,7 lần sau 7 quý và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong cơ cấu "phải thu khác", giá trị khoản "hợp tác đầu tư phát triển dự án) tăng đột biến từ 403 tỷ đồng (đầu năm 2022) lên hơn 11.000 tỷ - tương ứng tăng 27,3 lần.
Theo thuyết minh, đây là khoản tiền chi hợp tác đầu tư phát triển dự án với các đối tác. Khoản tiền này sẽ được nhận lại vào cuối dự án. Phía Novaland sẽ được phân chia lợi nhuận vào cuối kỳ dự án theo tỷ lệ thỏa thuận giữa các bên. Ngoài ra, đối với một số hợp đồng, NVL sẽ thu được một khoản lãi cố định theo lịch thanh toán thỏa thuận.
Trong khi đó, khoản phải thu dài hạn của Novaland gần như đi ngang so với thời điểm đầu năm 2022, mức 34.700 tỷ đồng (phần lớn là tiền "tiền hợp tác đầu tư phát triển dự án").
So với mức 17.250 tỷ đồng thời điểm cuối năm 2021, sau 7 quý, lượng tiền mặt, tương đương tiền của Novaland đã giảm tới 80% còn 3.435 tỷ tại thời điểm cuối quý 3/2023. Con số hiện tại cũng giảm 60% so với thời điểm đầu năm.
Trong khi đó, giá trị khoản đầu tư ngắn hạn (tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn) chỉ còn chưa đến 50 tỷ - bằng 6% mức ghi nhận hồi đầu năm 2022.
Tiền mặt giảm trong bối cảnh ông lớn ngành địa ốc đang gặp khó khăn lớn về tài chính (trái phiếu) cũng như pháp lý tại một số dự án trọng điểm. Tại thời điểm 30/9, nợ phải trả của Novaland giảm hơn 7.000 tỷ so với đầu năm còn 205.500 tỷ đồng (tăng gần 40.000 tỷ so với trước đó 7 quý).
Trong cơ cấu tổng nợ, dư nợ vay tài chính giảm không đáng kể so với thời điểm đầu năm 2022, còn 59.000 tỷ đồng (bao gồm hơn 40.000 tỷ dự nợ trái phiếu trong đó 21 lô trái phiếu ngắn hạn có giá trị gốc vay hơn 19.000 tỷ đồng và 18 lô trái phiếu dài hạn có dự nợ 21.160 tỷ). Nhiều lô trong số này đã tới hoặc quá hạn thanh toán và đang được Novaland thương lượng với các trái chủ.
Đồng Nai điều chỉnh quy hoạch phân khu C4: Cơ hội cho ba ông lớn BĐS trên sàn
Novaland (NVL): Dự án trọng điểm Aqua City được khơi thông, sắp đón dòng vốn 10.000 tỷ đồng