Để tránh phát sinh các khoản phí, người dùng nên chủ động đóng các tài khoản thanh toán, tài khoản thẻ tín dụng không sử dụng.
Sau vụ việc một chủ thẻ tín dụng có dư nợ 8,5 triệu đồng không thanh toán, gần 11 năm sau ngân hàng báo nợ lên tới 8,8 tỉ đồng, nhiều người bắt đầu kiểm tra tài khoản thanh toán, thẻ tín dụng xem có "bỗng dưng" mắc nợ hay không.
Bà T.T.Hiền (Hải Phòng) mở một tài khoản ngân hàng cách đây 12 năm. Sau khi mở khoảng 1 năm, bà không sử dụng nữa.
Bẵng đi một thời gian dài, khi bà Hiền đến ngân hàng nơi mở tài khoản trên nhưng ở địa phương khác để mở tài khoản mới thì nhân viên cho biết bà đã có tài khoản và hiện có số nợ gần 2 triệu đồng.
Bà Hiền ngơ ngác, còn nhân viên giải thích: dù bà không sử dụng tài khoản nữa nhưng ngân hàng vẫn trừ các loại chi phí do bà không đóng tài khoản.
Ảnh minh hoạ |
Việc mở/đóng tài khoản mỗi ngân hàng sẽ có các quy định khác nhau. Nhưng theo chuyên gia, tốt nhất khách hàng nên tránh phát sinh phiền toái bằng cách chủ động đóng tài khoản khi không còn nhu cầu sử dụng.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) cho biết thông tư 23 của Ngân hàng Nhà nước quy định ngân hàng sẽ thực hiện đóng tài khoản thanh toán của khách hàng khi có văn bản yêu cầu từ chủ tài khoản. Đồng thời, chủ tài khoản đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản thanh toán.
Với các khách hàng chưa phát sinh dư nợ, việc đóng tài khoản hiện nay sẽ do quy định từng ngân hàng. Cũng bởi không có bất kỳ quy định "cứng" nào tại các thông tư hướng dẫn về thời gian khách hàng không phát sinh giao dịch trong bao lâu sẽ đóng tài khoản.
Ông Huân quan sát nhiều ngân hàng với quy trình chuyên nghiệp, họ vẫn tự lọc khách hàng không giao dịch trong một thời gian nhất định để hủy thẻ, khóa tài khoản. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào và bất kỳ trường hợp khách hàng nào cũng vậy.
"Nhiều ngân hàng lo giảm chỉ tiêu, thậm chí có nơi còn muốn duy trì để tận thu phí khách hàng. Thêm nữa, các quy định ngân hàng khi xử lý các vấn đề phát sinh sẽ luôn có tối ưu cho họ. Do vậy, tốt nhất khách hàng nên tự chủ động rà soát, đóng tài khoản khi không có nhu cầu. Khó đợi ngân hàng làm thay" - ông Huân khuyến nghị.
>> Góc nhìn luật sư từ vụ nợ thẻ tín dụng 8 triệu đồng, sau 11 năm 'gánh' 8,8 tỷ đồng
Góc nhìn luật sư từ vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank 8 triệu đồng, sau 11 năm 'gánh' 8,8 tỷ đồng
Từ vụ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị đòi nợ 8,8 tỷ, giải mã 'sức mạnh' của lãi kép