Tại sao binh sĩ Ukraine phải bỏ lại xe quân sự để đi bộ trên tiền tuyến?
Binh sĩ Ukraine thường xuyên phải đi bộ tới vị trí chiến đấu do mối đe dọa hiện hữu từ máy bay không người lái (UAV) mang theo thuốc nổ của Nga.
Chia sẻ với tờ New York Times, các binh sĩ Ukraine cho biết không có phương tiện nào là an toàn trước UAV cảm tử của Nga. Việc bảo vệ và tiếp tế cho lực lượng tiền tuyến cũng đang gặp rủi ro hơn bao giờ hết, do các cuộc tấn công bằng UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) của Nga ngày càng gia tăng.
FPV đang được cả quân đội Nga và Ukraine cùng sử dụng. Loại vũ khí này có giá thành rẻ là sự kết hợp giữa UAV trang bị chất nổ, và được điều khiển từ vị trí cách xa hàng chục km so với mục tiêu tấn công.
Theo một lính Vệ binh quốc gia Ukraine, do UAV tự sát có thể dẫn đến các vụ nổ tàn khốc, hoặc thả bom vào mục tiêu, nên “việc di chuyển bằng ô tô là cực kỳ nguy hiểm”. Ông cho biết thêm trong vài tháng qua, các đồng đội trong đơn vị đã phải bỏ lại xe bọc thép, và đi bộ gần 10km đến các vị trí ở tiền tuyến.
Binh lính Ukraine thuộc Lữ đoàn 117 ở tỉnh Zaporizhzhia cũng phải đi bộ gần 6,5km dưới mưa và bùn lầy. Bởi nếu họ đưa phương tiện chở đạn dược, hoặc lương thực ra tiền tuyến, UAV của Nga có thể nhanh chóng triển khai tấn công từ trên cao.
Nhưng điều đó không có nghĩa đi bộ đã an toàn. Các FPV của Nga vẫn dễ dàng theo dõi và nhắm mục tiêu vào binh sĩ Ukraine trên mặt đất như trong nhiều video, và hình ảnh được chia sẻ trên mạng.
FPV có thể được sản xuất với số lượng lớn, và chống lại các mục tiêu đắt tiền như xe tăng. Chúng có thể tạo ra tác động đáng kể trong vùng xung đột, đe dọa bất kỳ ai, và bất cứ thứ gì di chuyển, từ đó biến khu vực tiền tuyến thành vùng đất không xe cộ.
Vũ khí định hình xung đột
UAV trở thành vũ khí định hình trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, khi cả 2 bên đều dựa vào UAV và xuồng không người lái (USV) để tiến hành trinh sát và tấn công.
Đối với Ukraine, quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng kho dự trữ đạn dược ngày càng cạn kiệt, UAV trở thành giải pháp thay thế giá rẻ cho bắn pháo.
Trong một số hoàn cảnh, UAV còn có hiệu quả chiến đấu cao hơn pháo binh. Chúng giống như những thiết bị nổ truy đuổi mục tiêu từ binh lính cho đến xe tăng.
Tuy nhiên, Nga hiện sở hữu kho UAV khổng lồ, và đang chiếm ưu thế trước Ukraine. Mới đây, bà Maria Berlinskaya, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ trinh sát trên không Ukraine, thừa nhận Kiev đang bị tụt hậu đáng kể so với Moscow trong việc phát triển và sản xuất UAV. Theo bà, Ukraine chưa chuẩn bị tốt cho cuộc xung đột đã chuyển thành “cuộc chiến tranh công nghệ cao”. Trong khi đó, Nga đã áp dụng chiến tranh điện tử, và phát triển UAV tiên tiến.