Tại sao phụ huynh nên làm thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi ngay từ bây giờ?
Luật Căn cước đã chính thức được Quốc hội Khóa XV thông qua ngày 27/11/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Theo quy định tại Điều 19 Luật Căn cước 2023, người được cấp thẻ căn cước bao gồm:
- Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.
- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.
Như vậy, đối với công dân Việt Nam dưới 14 tuổi không bắt buộc làm thẻ căn cước, sẽ được cấp nếu có nhu cầu.
Việc mở rộng phạm vi đối tượng dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước hướng tới mục tiêu giảm thiểu giấy tờ, thủ tục hành chính phức tạp, phát huy giá trị khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước cũng như những tiện ích của thẻ căn cước đối với mỗi công dân.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 20 Luật Căn cước 2023, thẻ căn cước có giá trị sử dụng như sau:
- Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.
- Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Ngoài ra, Điều 22 Luật Căn cước 2023 cũng quy định: Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.
Ngoài ra, việc cấp thẻ căn cước không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. Tuy nhiên, giấy khai sinh có kích thước A4, dễ nhàu rách, khó bảo quản. Trong khi đó, thẻ căn cước với kích thước nhỏ gọn (chiều rộng 53,98mm, chiều dài 85,6mm, độ dày 0,76mm, bốn góc được cắt tròn với bán kính 3,18mm) và được làm bằng chất liệu nhựa. Vì vậy, thẻ căn cước dễ bảo quản hơn; đồng thời tích hợp nhiều thông tin phục vụ nhu cầu của công dân khi học tập, khám chữa bệnh,...
Bên cạnh đó, trẻ từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi khi làm thẻ căn cước phải đi cùng người đại diện hợp pháp. Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 23 Luật Căn cước 2023, người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.
Ngoài ra, Điều 38 Luật Căn cước 2023 quy định công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu.
Như vậy, lệ phí cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 lần đầu là miễn phí.