Tỉnh của Tây Nguyên sở hữu 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới nhưng đang đứng trước nhiều nỗi lo và thách thức
Việt Nam sở hữu trữ lượng boxit lớn thứ hai trên thế giới nhưng lợi ích mà loại khoáng sản này mang lại cũng đi kèm với rất nhiều thách thức.
Theo báo cáo từ Cục Khảo sát Địa chất Mỹ năm 2023, trữ lượng bô xít toàn cầu ước đạt khoảng 31 tỷ tấn. Trong đó, Việt Nam nổi bật với vị trí thứ hai về trữ lượng, sở hữu khoảng 5,8 tỷ tấn, xếp sau Guinea với 7,4 tỷ tấn.
Tại Việt Nam, Đắk Nông là tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất, đồng thời là địa phương có trữ lượng quặng bô xít lớn nhất Đông Nam Á. Tại Đắk Nông, 1/3 diện tích của tỉnh nằm trong quy hoạch bô xít. Đây là con dao hai lưỡi khi vừa mang lại những cơ hội phát triển vừa đem đến những thách thức cho tỉnh.
Diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác của Đắk Nông là 179.597ha, chiếm 27% diện tích tự nhiên của tỉnh. Với hàm lượng bô xít nhôm đạt gần 40%, chất lượng bô xít ở đây được đánh giá cao hơn những địa phương khác.
Rất nhiều ông lớn dành sự quan tâm đến loại khoáng sản này của tỉnh. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch nên việc khai thác bô xít đang gặp nhiều khó khăn, cùng với đó, kịch bản phát triển kinh tế của tỉnh cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Vì trữ lượng bô xít lớn và chiếm nhiều diện tích tự nhiên của tỉnh nên không gian phát triển của nhiều địa phương bị thu hẹp vì nếu không vướng quy hoạch cũng thuộc khu vực thăm dò bô xít.
Điển hình như huyện Đắk R’lấp có tới 40.000ha thuộc vào quy hoạch thăm dò, khai thác bô xít trên 63.000ha đất tự nhiên của toàn huyện. Nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội của huyện bị vướng quy hoạch.
Với trữ lượng bô xít lớn, huyện Đắk R’lấp trong nhiều năm qua đã phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, với vị trí địa lý thuận lợi khi là cửa ngõ của Tây Nguyên nối với các tỉnh phía Nam theo Quốc lộ 14, nơi tiếp giáp giữa Tây Nguyên và Nam Bộ, địa phương này còn nhiều tiềm năng phát triển hơn ngoài bô xít.
Huyện Đắk R’lấp đặt mục tiêu trước năm 2025 trở thành thị xã nhưng do vướng quy hoạch bô xít, mục tiêu này đang gặp không ít khó khăn.
Đắk Nông là tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất cả nước - Ảnh: Internet |
Bên cạnh đó, vấn đề giải phóng mặt bằng để khai thác và chế biến quặng bô xít cũng gặp nhiều khó khăn. Trong 2 tháng đầu năm 2024, vẫn còn tiếp diễn tình trạng người dân cản trở trong quá trình vận chuyển, khai thác quặng bô xít. Cụ thể, đầu năm nay, trong các ngày 4 và 12/1, nhà máy tuyển quặng đã phải dừng sản xuất tổng cộng 36 giờ.
Tình trạng này không còn mới đối với tỉnh Đắk Nông khi người dân đã chặn xe, cản trở khai thác bô xít tới 24 lần vào năm 2023 khiến nhà máy tuyển quặng phải dừng hoạt động hơn 311 giờ.
Những hành động này đã gây ảnh hưởng lớn đến quá trình vận hành của Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Do đó làm suy giảm chất lượng sản phẩm, chỉ tiêu công nghệ và năng suất vận hành của toàn bộ dây chuyền.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hành động này của người dân tỉnh Đắk Nông là người dân bị thu hồi đất nhưng không có nơi tái định cư, định canh. Vì vướng quy hoạch bô xít nên ngay cả những dự án trọng điểm như cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành và nhiều dự án khu tái định cư cho người dân thuộc dự án khai thác bô xít cũng bị ảnh hưởng. Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Hồ Văn Mười cho biết địa phương đang nợ người dân hơn 400 lô đất tái định cư.
Tỉnh Đắk Nông đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và bố trí khu tái định cư. Những nỗ lực này không chỉ nhằm hỗ trợ người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình khai thác bô xít của tỉnh.
>>Đất hiếm - ‘quân cờ chiến lược’ của các cường quốc nhưng đang bị lãng quên ở Việt Nam
Tiêu dùng suy yếu, bán lẻ giảm tốc: Đâu là động lực để kinh tế Việt Nam hồi phục?
Thách thức và những đánh đổi của Việt Nam khi khai thác đất hiếm