Vĩ mô

Đất hiếm - ‘quân cờ chiến lược’ của các cường quốc nhưng đang bị lãng quên ở Việt Nam

Phúc Lam 12/09/2024 - 15:26

Đất hiếm sở hữu những đặc tính đặc biệt như từ tính, quang học, điện hóa và siêu dẫn. Đây cũng là thành phần thiết yếu trong sản xuất thiết bị công nghệ cao.

Đất hiếm có vô vàn ứng dụng trong thực tế, từ ứng dụng trong sản xuất các thiết bị công nghệ đến các sản phẩm quốc phòng, hay trong nông nghiệp đất hiếm giống như một lớp bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh,...

Chính vì vậy, các cường quốc coi đất hiếm là “quân bài chiến lược” quan trọng. Mặc dù không thực sự hiếm, đất hiếm lại phân tán rải rác, khiến việc khai thác chúng trở nên đầy thách thức. Điều này biến đất hiếm thành một nguồn tài nguyên quý giá và đầy sức mạnh, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và quyền lực của mỗi quốc gia.

Theo ước tính của Tổ chức nghiên cứu địa chất Geological Survey của Mỹ, toàn cầu hiện có khoảng 120 triệu tấn đất hiếm. Trung Quốc dẫn đầu với 44 triệu tấn, trong khi Việt Nam đứng thứ hai với 22 triệu tấn, chủ yếu tập trung ở vùng núi Tây Bắc. Những con số này không chỉ làm nổi bật vị thế quan trọng của Việt Nam trên bản đồ đất hiếm thế giới mà còn mở ra những cơ hội to lớn cho khai thác và phát triển.

Dù đất hiếm có giá trị cao, việc khai thác chúng không phải là điều dễ dàng. Quá trình này không chỉ tốn kém mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Do đó nhiều quốc gia, mặc dù sở hữu trữ lượng lớn, vẫn ngần ngại khai thác.

Hiện tại, Trung Quốc đang chiếm ưu thế áp đảo, nắm giữ tới 97% sản lượng toàn cầu của 17 kim loại đất hiếm và tiêu thụ 60% tổng lượng đất hiếm trên thế giới.

Cùng với đó, Trung Quốc cũng là đầu mối cung cấp lượng lớn đất hiếm cho các quốc gia trên thế giới, đứng đầu là Nhật Bản, chiếm khoảng 60% sản lượng. Một số quốc gia khác cũng là khách hàng của Trung Quốc như Mỹ, Hàn Quốc và một số các quốc gia Châu Âu.

Sự thống trị về đất hiếm đã mang đến cho Trung Quốc vị thế độc quyền chiến lược, cho phép họ gây sức ép với các quốc gia khác bằng cách hạn chế nguồn cung. Một ví dụ điển hình là vào năm 2010, khi Trung Quốc đã tuyên bố hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong nhiều tuần liên tiếp, giữa lúc một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai quốc gia đang dâng cao.

Để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhiều quốc gia đang tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế, từ việc khai thác đất hiếm ngay trong nước đến việc phát triển công nghệ nhằm giảm tác động môi trường. Đồng thời, các quốc gia cũng đang mở rộng tìm kiếm các nguồn cung đất hiếm ngoài Trung Quốc. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù vậy, việc khai thác đất hiếm tại Việt Nam vẫn chưa đạt hiệu quả tối ưu, mở ra thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho sự phát triển trong tương lai.

Đất hiếm - ‘quân cờ chiến lược’ của các cường quốc nhưng đang bị lãng quên ở Việt Nam
Đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong sản xuất thiết bị công nghệ cao - Ảnh: Internet

Hiện nay, Việt Nam có hai mỏ đất hiếm chính thức được cấp phép khai thác là Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái) nhưng 10 năm trôi qua mọi thứ dường như vẫn dậm chân tại chỗ.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Tổng cục phó Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) bày tỏ: “Càng nuối tiếc hơn khi trữ lượng đất hiếm ở nước ta thuộc nhóm lớn nhất thế giới mà những lợi ích từ nó mang lại gần như là con số 0”.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho sự chậm trễ trong khai thác này. Các doanh nghiệp có giấy phép thăm dò khai thác nhưng không có công nghệ chế biến sâu hay sự thiếu quyết tâm của các doanh nghiệp trong nước trong việc đề ra chiến lược khai thác. Bên cạnh đó, lý do liên quan đến cơ chế, chính sách cũng đóng vai trò to lớn ảnh hưởng đến sự trì trệ này.

Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị về chiến lược địa chất và khoáng sản, ban hành ngày 2/10/2021, đã đề cập đến việc duy trì khai thác đất hiếm. Tuy nhiên, hiện tại, nghị quyết vẫn chỉ dừng lại ở mức định hướng và thiếu những cơ chế, chính sách cụ thể. Đặc biệt, việc đầu tư cho nghiên cứu và hợp tác quốc tế, những yếu tố quan trọng để phát huy tối đa tiềm năng của loại khoáng sản quý giá này cũng chưa được nhận được nhiều sự quan tâm.

Vì vậy, để tối ưu hóa việc khai thác đất hiếm và không lãng phí tài nguyên quý giá này, các cơ quan quản lý cần thiết lập những chính sách và giải pháp thuận lợi, khuyến khích sự hợp tác giữa chủ mỏ và các cơ quan nghiên cứu. Điều quan trọng là tạo điều kiện cho các nghiên cứu viên tiến hành thử nghiệm trên các mẫu mỏ đất hiếm đã được khảo sát, sử dụng nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ.

Hơn nữa, việc khai thác đất hiếm phải đi kèm với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Do đó, cần đầu tư vào các thiết bị nghiên cứu tiên tiến và hiện đại, không chỉ để đáp ứng nhu cầu khai thác và chế biến hiệu quả mà còn để đảm bảo xử lý môi trường một cách tối ưu, bảo vệ tài nguyên và sức khỏe cộng đồng.

>>Thách thức và những đánh đổi của Việt Nam khi khai thác đất hiếm

Điều bất ngờ ở tỉnh có mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam

Chuyên gia: Việt Nam có cơ hội phát triển thành trung tâm công nghệ cao của khu vực, nhưng cơ hội chỉ kéo dài 1-2 năm

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/dat-hiem-quan-co-chien-luoc-cua-cac-cuong-quoc-nhung-dang-bi-lang-quen-o-viet-nam-248609.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Đất hiếm - ‘quân cờ chiến lược’ của các cường quốc nhưng đang bị lãng quên ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH