Tăng 5.000 tỷ ngân sách, 2.000 căn nhà xã hội: Vĩnh Phúc dồn lực cho mục tiêu tăng trưởng 10-11%
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 10-11% trong năm 2025 – vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, Vĩnh Phúc đang triển khai loạt giải pháp mạnh tay: tăng thu ngân sách thêm 5.000 tỷ đồng, giải ngân đầu tư công đạt 35% ngay quý I, đặt mục tiêu hút 800 triệu USD vốn FDI và đẩy nhanh hàng chục dự án hạ tầng trọng điểm, giữ vững vai trò đầu tàu công nghiệp miền Bắc.
Giữa những thách thức của kinh tế toàn cầu, áp lực thuế quan từ Mỹ và xu hướng dịch chuyển đầu tư phức tạp, Vĩnh Phúc đang nổi lên như một điểm sáng tăng trưởng ở miền Bắc.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP 10-11% trong năm 2025, tỉnh đang triển khai loạt giải pháp đồng bộ, từ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh đầu tư công đến mở rộng thị trường xuất khẩu và cải cách hành chính. Trong cuộc trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Duy Đông, đã chia sẻ những quyết sách trọng tâm, tinh thần phản ứng nhanh, cũng như tầm nhìn chiến lược để đưa địa phương bứt phá mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều biến động.
![]() |
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Trần Duy Đông đã vạch chiến lược phản ứng tốc độ, quyết tâm bứt phá giữa bão kinh tế. |
'Kim chỉ nam' hành động và những mũi nhọn phát triển
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, năm 2025, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 10-11%, cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao là 9%. Tỉnh cũng đề ra kế hoạch thu ngân sách đạt 32.100 tỷ đồng, tăng 5.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu HĐND tỉnh giao. Về thu hút đầu tư, mục tiêu đạt 800 triệu USD vốn FDI và 5.000 tỷ đồng vốn DDI, vượt chỉ tiêu ban đầu lần lượt 200 triệu USD và 2.000 tỷ đồng.
Ngay từ tháng 1, khi chỉ số sản xuất công nghiệp có dấu hiệu giảm sút, tỉnh đã tổ chức họp khẩn, rà soát toàn bộ nguồn lực và xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể cho từng ngành. Nhờ đó, trong quý I, tỉnh đã trực tiếp tháo gỡ vướng mắc cho 32 dự án FDI và DDI, trong đó có nhiều dự án công nghệ cao, quy mô lớn của Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng thời, tập trung đẩy nhanh tiến độ 30 dự án đầu tư công trọng điểm và 16 dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, trong đó có tuyến đường kết nối khu công nghiệp Bá Thiện 2 mở rộng và khu công nghiệp Sông Lô 2.
Đặc biệt, với mục tiêu vừa thúc đẩy tăng trưởng, vừa đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh đã khởi công 2 dự án nhà ở xã hội trong quý I, và sẽ tiếp tục 4 dự án khác trong quý II và III. Tổng cộng, Vĩnh Phúc sẽ triển khai hơn 2.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025.
"Đây không chỉ là các dự án xây dựng nhà ở, mà còn là cú hích cho thị trường bất động sản, tạo việc làm, lan tỏa sức mua và nâng chất lượng sống cho người lao động, góp phần giữ chân và thu hút lao động kỹ thuật cao. Chúng tôi tin rằng Vĩnh Phúc hoàn toàn có thể biến khó khăn thành cơ hội, giữ vững đà tăng trưởng và tiếp tục khẳng định vai trò là cực phát triển công nghiệp trọng điểm của miền Bắc", ông Đông nhận định.
Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là áp lực từ sắc lệnh thuế của Mỹ, tỉnh xác định rõ: muốn phát triển bền vững thì phải bắt đầu từ nội lực. Việc nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính là yêu cầu cấp thiết. Tỉnh đã khẩn trương rà soát, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn liền với hiệu quả công việc, không để bất kỳ sự xáo trộn nào làm ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp. Việc chuẩn bị mô hình đơn vị hành chính hai cấp cũng đang được phối hợp chặt chẽ với Phú Thọ, Hòa Bình, bảo đảm ổn định và thông suốt toàn bộ hoạt động hành chính trên địa bàn.
“Về đầu tư công, chúng tôi kiên quyết không để vốn chậm giải ngân. Đến hết quý I/2025, tỉnh đã giải ngân đạt trên 35% kế hoạch năm, một con số tích cực trong bối cảnh nhiều nơi còn đang loay hoay tháo gỡ vướng mắc thủ tục. Chúng tôi đã xử lý, thậm chí thay thế lãnh đạo một số dự án chậm tiến độ, nhất là các dự án hạ tầng giao thông liên vùng như tuyến vành đai phía Nam, đường nối khu công nghiệp Thăng Long – Vĩnh Phúc với cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Đồng thời ưu tiên mạnh cho hạ tầng phục vụ công nghiệp công nghệ cao, nhất là các dự án về bán dẫn mà Vĩnh Phúc đang đặt nhiều kỳ vọng để đón sóng dịch chuyển đầu tư FDI mới", Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay.
![]() |
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 73 doanh nghiệp trên địa bàn đang xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hoa Kỳ với tổng kim ngạch vượt 500 triệu USD. |
Phản ứng nhanh, cứu doanh nghiệp khỏi 'bão' thuế Mỹ
Ngay trong ngày 02/4 - thời điểm Mỹ chính thức áp thuế đối ứng, tỉnh Vĩnh Phúc đã lập tức chỉ đạo các sở, ngành rà soát khẩn cấp mức độ ảnh hưởng. Kết quả cho thấy có 73 doanh nghiệp trên địa bàn đang xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hoa Kỳ với tổng kim ngạch vượt 500 triệu USD. Bên cạnh đó, hàng trăm doanh nghiệp khác chịu tác động gián tiếp thông qua chuỗi cung ứng và đơn hàng bị sụt giảm.
Trước tình hình cấp bách, tỉnh đã thành lập Tổ phản ứng nhanh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hoạt động liên tục và linh hoạt. Chỉ trong thời gian ngắn, tổ đã tổ chức 3 cuộc họp, trong đó có 1 cuộc đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhằm lắng nghe và xử lý ngay các vướng mắc về thủ tục, thị trường và chính sách trên tinh thần “giải quyết việc doanh nghiệp như việc của chính quyền”.
"Đây không chỉ là hành động ứng phó tình huống, mà còn là nỗ lực duy trì niềm tin và đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn", ông Đông nhấn mạnh.
Song song với các giải pháp ứng phó trước biến động thuế quan, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa và mở rộng thị trường quốc tế. Hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai với tốc độ cao, hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, để giảm lệ thuộc vào Mỹ.
Tỉnh cũng tăng tốc phát triển thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh hiện đại, hiệu quả, nhằm tạo kênh phân phối linh hoạt, thích ứng nhanh với xu hướng tiêu dùng và giao thương toàn cầu. Đồng thời, chất lượng sản phẩm xuất khẩu được đặt lên hàng đầu, coi đây là chìa khóa để doanh nghiệp Vĩnh Phúc thâm nhập sâu hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
"Tỉnh đặc biệt chú trọng tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa thị trường từ các FTA như CPTPP, RCEP, EVFTA..., từ đó đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chủ lực và tích cực khai phá các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Đông Âu, Nam Á, Ai Cập, Nam Mỹ... Đây được xem là bước đi chiến lược để tạo thế cân bằng và đảm bảo sự phát triển bền vững cho hoạt động xuất khẩu của tỉnh", ông Trần Duy Đông cho hay.
Không chỉ tập trung vào công nghiệp và thương mại, Vĩnh Phúc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch, tăng cường kết nối các điểm, khu du lịch hiện có để mở rộng không gian và tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn. Mục tiêu là xây dựng những dịch vụ độc đáo, chất lượng cao, thu hút du khách và đưa du lịch trở thành một trụ cột kinh tế vững chắc của tỉnh.
Với chiến lược "đa chân kiềng" này, Vĩnh Phúc đang cho thấy sự chủ động và tầm nhìn dài hạn trong việc ứng phó với những biến động của kinh tế toàn cầu, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng sẵn có để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
![]() |
Tỉnh đề xuất Chính phủ nghiên cứu, ban hành các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề. |
>>> Cơn sốt vận tải do lo ngại thuế quan tại Mỹ: Lợi nhuận trước mắt, suy thoái đang tới gần
Kiến nghị gỡ "nút thắt" chính sách, tiếp sức bứt phá kinh tế
Ông Đông cho hay, trước bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, tỉnh Vĩnh Phúc xác định rõ vai trò then chốt của sự hỗ trợ từ Trung ương nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững theo định hướng Nghị quyết 25/NQ-CP của Chính phủ.
Tỉnh đề nghị Chính phủ quan tâm, đẩy nhanh tiến độ triển khai các kiến nghị, đề xuất đã được trình bày với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc ngày 02/4/2025. Sự chấp thuận và triển khai nhanh chóng này sẽ tạo điều kiện tiên quyết để Vĩnh Phúc hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra.
Đặc biệt, trước ảnh hưởng trực tiếp từ các biện pháp thuế quan của Mỹ, Vĩnh Phúc kiến nghị Chính phủ tăng cường đối thoại, đàm phán với phía Hoa Kỳ nhằm tìm giải pháp có lợi cho cả hai bên, nhất là xem xét giảm mức thuế đối ứng, thiết lập lộ trình giảm dần hợp lý để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và thích ứng, tránh đứt gãy chuỗi xuất khẩu.
Đồng thời tỉnh cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu, ban hành các chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt để hỗ trợ các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Các biện pháp cụ thể bao gồm hoãn, giãn, hoặc miễn giảm thuế GTGT, tiền thuê đất, thuế TNDN, hoàn thuế GTGT nhanh chóng cho các đơn hàng bị ảnh hưởng. Cấp tín dụng ưu đãi, bảo lãnh vay, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường mới hoặc bị tác động trực tiếp từ thuế đối ứng.
Vĩnh Phúc kêu gọi Chính phủ chỉ đạo triển khai mạnh mẽ các FTA như CPTPP, RCEP, EVFTA, mở ra cơ hội xuất khẩu vào các thị trường lớn: ASEAN, EU, châu Á, qua đó tăng cường kết nối thương mại nội khối và giảm sự phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.
Tỉnh kiến nghị Bộ Công thương sớm hình thành kênh cung cấp thông tin chính thống, nhanh chóng cho các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành hướng dẫn doanh nghiệp về các biện pháp ứng phó với thuế đối ứng, hỗ trợ pháp lý trong các vụ điều tra, tư vấn pháp lý và thương mại cho các đơn hàng chưa giao để bảo vệ quyền lợi và giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, cần có nguồn lực và chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng thời tăng hỗ trợ tài chính cho đào tạo và tuyển dụng lao động chất lượng cao, đặc biệt trong ngành sản xuất xuất khẩu.
Cuối cùng, đề nghị Chính phủ tạm dừng tăng giá điện, giá xăng dầu và tăng lương tối thiểu vùng trong những tháng cuối năm 2025. Đây được xem là biện pháp thiết thực để giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và cắt giảm các thủ tục hành chính.
Sáp nhập Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình: Tỷ lệ đồng thuận của người dân thế nào?
Thông qua chủ trương hợp nhất tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hoà Bình