Tăng trưởng nhóm bảo hiểm nhân thọ: Khi cuộc đua ở chế độ "slow motion"

18-05-2023 11:43|Nhật Huy

Trái ngược với sự phát triển của năm 2021, kể từ năm 2022 đến nay, ngành bảo hiểm nhân thọ chứng kiến đà tăng trưởng chậm lại cùng những lùm xùm liên quan đến câu chuyện hợp đồng liên kết ngân hàng.

Trong vài năm trở lại đây, ngành bảo hiểm nhân thọ đã chứng kiến sự đi lên không ngừng với tăng trưởng về doanh thu và số lượng hợp đồng mới. Tuy nhiên, đà tăng trưởng chậm lại cùng những lùm xùm về các hợp đồng bảo hiểm liên kết với ngân hàng đã khiến ngành bảo hiểm nhân thọ đang lâm vào tình cảnh khó khăn.

Tăng trưởng mạnh về doanh thu và cạnh tranh thị phần giữa các doanh nghiệp

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 10 năm trước doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường chỉ quanh mốc 18.400 tỷ đồng, song đến năm 2021 đã tăng lên gần 160.000 tỷ đồng, gấp gần 9 lần.

Năm 2021, trải qua đại dịch Covid-19, khách hàng cũng nhận thức rõ hơn về lợi ích của bảo hiểm nhân thọ, thu nhập và nhu cầu lập kế hoạch tài chính cũng cao hơn. Tại Việt Nam, tiềm năng thị trường được đánh giá là còn rất lớn.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 12 tháng năm 2021 ước đạt 49.549 tỷ đồng tăng 18,5 % so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Manulife với 11.502 tỷ đồng, Prudential với 6.741 tỷ đồng, Bảo Việt Nhân thọ là 6.078 tỷ đồng, Dai-ichi Life là 5.987 tỷ đồng và AIA với 4.089 tỷ đồng.

Tăng trưởng nhóm bảo hiểm nhân thọ: Khi cuộc đua ở chế độ
Nguồn: Tổng hợp từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các công ty bảo hiểm cũng diễn ra khi Manulife Việt Nam đã giành lại vị trí thứ 2 từ Prudential trong năm 2021. Theo đó, thị phần của Manulife đã tăng thêm 6,9% trong 5 năm lên mức 19%, cao thứ hai thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2021, thị phần của công ty này đã tăng thêm 3,5%.

Sự tăng trưởng của Manulife đến từ việc công ty được chấp thuận tăng vốn điều lệ 22.220 tỷ đồng năm 2021, bên cạnh đó là nỗ lực trong việc chuyển đổi số với nền tảng thương mại điện tử Manulife Shop các giải pháp số hóa. Ngoài ra, một thương vụ lớn của Manulife trong năm là cái bắt tay với VietinBank, bên cạnh các đối tác khác như Techcombank hay SCB.

Các thương vụ bancassurance nở rộ

Năm 2021, khi mảng tín dụng gặp khó khăn trước dịch COVID-19, các ngân hàng đều đẩy mạnh hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) khiến nguồn thu từ hoạt động này tăng trưởng ngoạn mục và trở thành điểm sáng của ngành ngân hàng.

Theo đó, một thương vụ bancassurance điển hình trong năm 2021 có thể kể đến hợp đồng bảo hiểm độc quyền 15 năm giữa MSB và Prudential. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) ước tính hợp đồng trên với công ty bảo hiểm Prudential có thể đem về cho MSB 3.500 tỷ đồng phí trả trước.

VietinBank cũng có cái bẳt tay với Manulife với hợp đồng thời hạn 16 năm. Theo SSI Research, mức phí trả trước mà VietinBank nhận được từ thỏa thuận bancassurance độc quyền với Manulife vào khoảng 350 triệu USD. Đồng thời, chuyên gia cũng dự báo thu nhập từ bancassurance của VietinBank sẽ tăng 30% - 50% so với cùng kỳ trong 5 năm tới.

Tăng trưởng nhóm bảo hiểm nhân thọ: Khi cuộc đua ở chế độ

Ngoài ra, việc đa dạng hóa kênh bán hàng của các công ty bảo hiểm cũng mở đường cho sự hồi phục mạnh của thị trường sau Covid-19. Việc hợp tác với các công ty thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada), Fintechs (Grab, Momo), và Insurtechs đã trở nên phổ biến hơn trong năm.

Đà tăng trưởng chững lại kể từ năm 2022

Sang đến năm 2022, đà tăng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam có phần chững lại. Theo SSI Research, tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ vào cuối năm với tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 251.000 tỷ đồng tính đến ngày 12/12/2022, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2013.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam rất khả quan trong một năm 2022 nhiều khó khăn, bối cảnh toàn cầu đã gây ra những lo ngại nhất định trong tâm lý người tiêu dùng. Chiến tranh Nga-Ukraine, cuộc chiến chống lạm phát ở các nền kinh tế phát triển và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập là những yếu tố tác động đến niềm tin của người tiêu dùng tại Việt Nam.

4 tháng đầu năm 2022, toàn thị trường khai thác mới được khoảng 926.000 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới trong 4 tháng đầu năm cũng giảm 8%, đạt khoảng 15.000 tỷ đồng.

Lý giải về sự chững lại của thị trường bảo hiểm nhân thọ, đại diện Hiệp hội bảo hiểm cho rằng xu hướng này dễ dự đoán vì từ năm 2011 - 2019 thị trường có mức tăng trưởng ổn định ở mức khá cao, từ 25-30%, có năm trên 30%. Đến 2019, thị trường giảm xuống 21-22%, 2020 mức giảm còn thấp hơn, xuống dưới 20%.

Tăng trưởng nhóm bảo hiểm nhân thọ: Khi cuộc đua ở chế độ

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết: “Có nhiều yếu tố dẫn đến việc này, trong đó, Covid-19 là một yếu tố quan trọng. Dù đại dịch cũng mang lại điểm tích cực là giúp cộng đồng nhận thức tốt hơn về vai trò của ngành bảo hiểm, các biện pháp xã hội cũng ảnh hưởng đến quá trình tương tác, tư vấn bảo hiểm, dịch vụ chăm sóc khách hàng. Nhưng dù có Covid-19 hay không thì xu hướng mức tăng trưởng giảm là chuyện có thể nhìn thấy trước”.

Tuy nhiên, ông Phùng Bá Khang, Giám đốc Khối Sản phẩm & Khách hàng của Manulife vẫn có cái nhìn lạc quan về tương lai của thị trường.

“Những khó khăn về kinh tế, lạm phát cao chỉ là khó khăn ngắn hạn; nhưng về lâu dài thì tiềm năng thị trường vẫn còn rất lớn”, ông Khang chia sẻ.

Sang đến năm 2023, kết thúc quý 1, các doanh nghiệp khối nhân thọ đang phải đối mặt với những thông tin không tích cực, điều này có thể ảnh hưởng đến niềm tin của khách hàng vào bảo hiểm.

Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới quý 1/2023 của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chỉ tăng trưởng được khoảng 3%. Đây được cho là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

"Kể từ khi có mặt ở thị trường Việt Nam năm 1996 đến nay, đây là lúc ngành bảo hiểm nhân thọ đối mặt với khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử. Các doanh nghiệp bảo hiểm đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề, nếu không tự điều chỉnh, nâng cấp hơn nữa về quy trình, nghiệp vụ thì sẽ rất khó tồn tại và phát triển", ông Dũng cho hay.

Đứng trước những sự việc gần đây của ngành bảo hiểm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, làm rõ phản ánh về các bất cập liên quan đến đại lý bảo hiểm độc quyền tại ngân hàng, tình trạng ép buộc, lôi kéo khách hàng tham gia bảo hiểm của ngân hàng.

Chi hơn 200 triệu đồng mua gói bảo hiểm nhận lãi hàng tháng, người phụ nữ nhận ‘trái đắng’

10 nhóm đối tượng đặc biệt được chi trả BHYT từ ngân sách Nhà nước, nắm rõ để bảo vệ quyền lợi

Bài thuộc chủ đề "Nóng" vấn đề Bảo hiểm
Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tang-truong-nhom-bao-hiem-nhan-tho-khi-cuoc-dua-o-che-do-slow-motion-183630.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tăng trưởng nhóm bảo hiểm nhân thọ: Khi cuộc đua ở chế độ "slow motion"
    POWERED BY ONECMS & INTECH