Hệ sinh thái TTC của ông Đặng Văn Thành làm ăn thế nào năm 2023.
Tập đoàn TTC và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện (giai đoạn 2023 - 2028) nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên trên các lĩnh vực hoạt động và kinh doanh..
>> Vietnam Airlines (HVN) lỗ quý thứ 15 liên tiếp, có gần 3.900 tỷ tiền nhàn rỗi
Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ khuyến khích khách hàng, cán bộ nhân viên ưu tiên sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của TTC và các đơn vị thành viên của TTC trong các lĩnh vực: nông nghiệp; bất động sản; bất động sản công nghiệp; du lịch; sản phẩm đường cát, mật rỉ, cồn và dịch vụ logistics; điện năng lượng mặt trời; xây dựng - công nghiệp, dân dụng và hạ tầng; dịch vụ cho thuê văn phòng và trung tâm thương mại; các sản phẩm tiêu dùng; giáo dục; dịch vụ chăm sóc sức khỏe; dịch vụ chăm sóc sắc đẹp;…
Ngoài ra, hai bên hợp tác phát triển các gói sản phẩm, dịch vụ, chương trình bán kết hợp giữa các dịch vụ lưu trú/vui chơi giải trí, bán lẻ, bất động sản của TTC với các sản phẩm, dịch vụ của Vietnam Airlines.
Ngược lại, Tập đoàn TTC và các đơn vị thành viên khuyến khích khách hàng, cán bộ nhân viên ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ hàng không của Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên của Vietnam Airlines. TTC cũng sẽ kết nối chức năng bán vé của Vietnam Airlines lên nền tảng trực tuyến của TTC.
Ngoài ra, hai bên sẽ đẩy mạnh các chương trình quảng bá sản phẩm dịch, dịch vụ của nhau, đồng thời hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Các chương trình sẽ được triển khai phù hợp theo lộ trình với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.
Hệ sinh thái TTC kinh doanh ra sao năm 2023
Sau cuộc chia ly rầm rộ năm 2012 của ông Đặng Văn Thành với Sacombank, ông dồn tâm huyết tập trung phát triển Thành Thành Công – doanh nghiệp gia đình. Thành Thành Công đã chuyển từ vai trò nhà thương mại, nhà sản xuất sang nhà đầu tư chuyên nghiệp tại 5 lĩnh vực chính gồm: bất động sản, năng lượng, mía đường, giáo dục, du lịch.
Đầu tiên phải kể đến là mảng mía đườngvới CTCP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC AgriS – mã chứng khoán SBT). Lũy kế cả năm tài chính 2022-2023 TTC AgriS đạt 24.747 tỷ đồng doanh thu, tăng 35,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 610 tỷ đồng, giảm 30% so với số lãi 873 tỷ đạt được năm trước đó.
Công ty cho biết doanh thu tăng trưởng mạnh do quy mô hoạt động được mở rộng theo đúng lộ trình hướng tới chuỗi giá trị nông nghiệp toàn diện. Tuy vậy lợi nhuận giảm sút do gánh nặng lãi vay. Tổng chi phí tài chính trong năm hơn 1.768 tỷ đồng, trong đó có 1.451 tỷ đồng chi trả lãi vay.
>> TTC AgriS (STB) đặt mục tiêu lãi lớn 850 tỷ đồng niên độ mới
Trong lĩnh vực bất động sản CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land, HOSE: SCR) cho hay doanh thu quý 3 tăng trở lại nhưng lãi ròng vẫn đi lùi. Cụ thể doanh thu thuần của TTC Land trong kỳ đạt hơn 123 tỷ đồng, tăng đến 57% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là việc Công ty ghi nhận gần 35 tỷ đồng doanh thu (tăng 28%) từ việc chuyển nhượng bất động sản. Trước đó trong nửa đầu năm 2023, SCR không ghi nhận bất kỳ doanh thu nào từ hoạt động này.
Dù vậy, giá vốn ghi nhận gấp hơn 2 lần cùng kỳ đã khiến lãi gộp của công ty giảm 38%, còn 18 tỷ đồng. Không những vậy, chi phí tài chính tăng đến 98%, lên hơn 88 tỷ đồng, chủ yếu đến từ chi phí lãi vay tăng cao, càng khiến lợi nhuận bị bào mòn.
Hệ quả, TTC Land chỉ lãi ròng vỏn vẹn 1 tỷ đồng trong quý 3/2023, giảm 95% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lãi ròng của Công ty cũng chỉ xấp xỉ 4 tỷ đồng, giảm 97%.
Tuy nhiên, so với kế hoạch lãi trước thuế 20 tỷ đồng đề ra cho năm 2023, Công ty đã thực hiện được gần 80% sau 9 tháng.
Đại diện cho mảng năng lượng trong hệ sinh thái là CTCP Điện Gia Lai (GEG) với kết quả kinh doanh giảm sâu về lợi nhuận trong bối cảnh chung kém thuận lợi. Trong quý 3/2023, công ty này đạt 566 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với cùng kỳ, nhờ nhà máy Điện gió Tân Phú Đông 1 (TPĐ 1) đi vào hoạt động. Trong khi đó, giá vốn giảm 10%, còn 273 tỷ đồng. Nhờ vậy, Doanh nghiệp lãi gộp 293 tỷ đồng, tăng trưởng 34%.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Điện Gia Lai đạt gần 1.6 ngàn tỷ đồng doanh thu thuần, đi ngang so với cùng kỳ; lãi sau thuế và lãi ròng lần lượt đạt 111 tỷ đồng và 87 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ khoảng 70%. So với kế hoạch được thông qua từ ĐHĐCĐ 2023, Doanh nghiệp thực hiện được gần 55% kế hoạch doanh thu và gần 72% mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm.
Nếu xét giá trị các cổ phiếu của các doanh nghiệp trên sàn mà gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành nắm giữ, con số cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên báo cáo ghi nhận bản thân ông Đặng Văn Thành đã không còn nắm giữ cổ phần của bất cứ doanh nghiệp trên sàn nào. Chỉ những thành viên còn lại trong gia đình ông đang nắm giữ.
Hai người con, Đặng Huỳnh Ức My sở hữu khối cổ phiếu SBT, SCR và GEG tổng giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng. Và Đặng Hồng Anh đang sở hữu khoảng 40 triệu cổ phiếu SCR và hơn 9,7 triệu cổ phiếu STB tổng giá trị xấp xỉ 680 tỷ đồng.
Khối cổ phần của vợ ông Thành - bà Huỳnh Bích Ngọc bao gồm cả SBT, SCR, GEG, TID.. tổng giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng.
Chưa kể đến khối cổ phiếu trên sàn do các công ty thành viên nắm giữ, mà gia đình ông Đặng Văn Thành là những người sở hữu gián tiếp.
Vietlott tìm thấy chủ nhân trúng 96 tỷ giải Jakpot
Squid Game phiên bản gameshow thực tế: Ngỡ ngàng danh tính của người chơi gốc Việt