Những vị thiếu gia đình đám trên thương trường: Sinh ra ở vạch đích, nỗ lực thoát "bóng" phụ huynh
Sinh ra đã ngậm thìa vàng, những cậu ấm cô chiêu ngày nay đã sớm nối bước cha mẹ và dần xây dựng nên vị thế mới cho chính mình.
Ngày nay, những doanh nhân trẻ ngày càng xuất hiện nhiều và luôn gây được sự chú ý với nhiều người. Phần lớn các doanh nhân trẻ của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đều có "xuất phát điểm" cao, nhưng họ đều thể hiện được khả năng, trở thành những người lãnh đạo "dựa vào thực lực".
Sinh ra đã ngậm thìa vàng, những cậu ấm cô chiêu ngày nay thực sự đã trưởng thành sớm, sớm nối bước cha mẹ và dần xây dựng nên vị thế mới cho chính mình. Những vị thiếu gia này đã dần thoát khỏi cái bóng khổng lồ của cha mẹ, xưng danh trên thương trường bằng chính tên tuổi của mình.
Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy
Ông Trần Hùng Huy - hiện là Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán ACB) được biết đến là một trong những vị Chủ tịch trẻ tuổi, tài năng, chèo lái con thuyền Á Châu vượt qua sóng gió.
Xuất phát điểm cao, ông Trần Hùng Huy cũng được xem là một thiếu gia "ngậm thìa vàng" từ khi sinh ra, là con trai cả của ông Trần Mộng Hùng - một trong những sáng lập viên của ACB - và bà Đặng Thu Thủy.
Sinh năm 1978, với học vị Tiến sỹ Quản trị kinh doanh - Đại học Golden Gate Hoa Kỳ - 2011) và tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị kinh doanh - Đại học Chapman – Hoa Kỳ (2002). Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học, năm 2002 ông Trần Hùng Huy đã nối nghiệp cha, về làm tại ACB.
Tuy vậy, thay vì chọn "hái quả", ông Trần Hùng Huy chọn con đường tự lực, vào làm tại ngân hàng ACB từ vị trí thấp - chuyên viên nghiên cứu thị trường. Rèn luyện từ những vị trí thấp nhất, tích lũy kinh nghiệm, ông Trần Hùng Huy dần được tiến cử.
Sự nghiệp lẫy lừng của ông Trần Hùng Huy bắt đầu từ năm 2012 khi ACB rơi vào khủng hoảng, loạt cựu lãnh đạo bị khởi tố, bắt tạm giam, ngân hàng rơi vào thế nguy hiểm khi khó khăn kép cùng với chính sách lúc bấy giờ.
Trần Hùng Huy lên tiếp quản vị trí Chủ tịch HĐQT khi mới 34 tuổi, và đã nhanh chóng đưa ACB dần vượt qua khó khăn. ACB đã dần tăng trưởng cả về quy mô và lợi nhuận. Từ mức lãi nghìn tỷ, năm 2022 vừa qua ACB đã lãi sau thuế 17.100 tỷ đồng, vừa được vinh danh trong TOP 15 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất cả nước.
Thiếu gia nhà Novaland - Bùi Cao Nhật Quân
Nếu nói trên thương trường, thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân của nhà Novaland (NVL) khá kín tiếng dù đã đồng hành cùng Novaland từ nhiều năm nay.
Ông Bùi Cao Nhật Quân sinh năm 1982, từng nắm giữ vị trí cao tại Tập đoàn là Phó Chủ tịch HĐQT và là Phó Tổng Giám đốc của Novaland. Tuy vậy "kín tiếng" do ông Bùi Cao Nhật Quân đã rút lui mọi vị trí tại Novaland từ năm 2017. Profile của Bùi Cao Nhật Quân cũng rất khủng, đã từng kinh qua vị trí chuyên viên tài chính tại Pepsico Việt Nam trong 3 năm từ 2002-2004 trước khi về với NovaGroup.
Ngược lại, vị thiếu gia nhà ông Bùi Thành Nhơn lại thường xuyên được nhắc tới với khối tài sản khổng lồ nắm giữ. Có thời điểm khối tài sản ông Bùi Cao Nhật Quân nắm giữ là cổ phiếu NVL có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Ông Bùi Cao Nhật Quân cũng được nhắc tới thường xuyên với những lần mua/bán số lượng lớn cổ phiếu NVL.
Từ khi 2 chữ trái phiếu trở nên nóng, các doanh nghiệp bất động sản đình trệ, vòng xoay tài chính của các doanh nghiệp gặp khó, thì cái tên Bùi Cao Nhật Quân lại xuất hiện với tần suất liên tục hơn. Những nhà đầu tư, những người quan tâm dần thấy một hệ sinh thái khác đằng sau nhà Novaland - Bùi Thành Nhơn, trong đó rất nhiều doanh nghiệp có xuất phát điểm do thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân nắm giữ, lãnh đạo. Và điểm khá chung của các doanh nghiệp này, là dù sau này đã từng đổi chủ, hoặc đổi người lãnh đạo, thì hiện vẫn đang "vướng" vào vòng xoáy tài chính, nợ nần chồng chất, đặc biệt nợ trái phiếu.
Hiện tại ông Bùi Cao Nhật Quân đang sở hữu trực tiếp hơn 78,2 triệu cổ phiếu NVL (số liệu cập nhật đến 30/6/2023) - có giá trị xấp xỉ 1.100 tỷ đồng.
Thiếu gia nhà mía đường – ông Đặng Hồng Anh
Nhà mía đường không chỉ có “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My nổi danh thương trường, mà vị thiếu gia nhà họ Đặng, ông Đặng Hồng Anh đã nổi tiếng trên thương trường nhiều năm, từng một thời “chinh chiến” cùng ông Đặng Văn Thành tại Sacombank.
Khi biến cố tại Sacombank diễn ra, gia đình ông Đặng Văn Thành rút lui, thiếu gia Đặng Hồng Anh cũng rời đi, về gắn bó sự nghiệp tại “hệ sinh thái” TTC, kiêm nhiệm và kinh qua nhiều chức vụ quan trọng tại Tập đoàn TTC, như DHC Corp hay Sacomreal...
Vị thiếu gia nhà mía đường này còn được nhắc đến nhiều như một “cá mập” trong chuỗi chương trình Shark Tank. Ông Đặng Hồng Anh tham gia Shark Tank từ mùa thứ 2 và để lại nhiều dấu ấn trong các thương vụ đầu tư.
Về tài sản tạm tính trên sàn chứng khoán, ông Đặng Hồng Anh đang sở hữu khoảng 40 triệu cổ phiếu SCR và hơn 9,7 triệu cổ phiếu STB tổng giá trị xấp xỉ 550 tỷ đồng.
Thiếu gia nhà Xây dựng Hòa Bình - ông Lê Viết Hiếu
Cuộc chiến vương quyền tại Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) đã kết thúc, ông Lê Viết Hải quay trở lại là Chủ tịch HĐQT công ty. Tuy vậy cuộc nội chiến xảy ra, chân dụng vị thiếu gia Lê Viết Hiếu nhà ông chủ tịch Xây dựng Hòa Bình lại một lần nữa khiến giới thương nhân quan tâm sâu hơn.
Lê Viết Hiếu, thiếu gia nhà ông Lê Viết Hải sinh năm 1992, là Cử nhân khoa Quản trị kinh doanh của Đại học California Polytechnic Hoa Kỳ. Xuất phát điểm trong công việc khá cao, ông Lê Viết Hiếu tham gia các công việc tại Xây dựng Hoà Bình từ năm 2016 bắt đầu từ vị trí Phó giám đốc phát triển thị trường nước ngoài của HBC khi mới 24 tuổi. Tuy vậy suốt những năm tại hệ sinh thái Hòa Bình, ông Lê Viết Hiếu cũng đã kinh qua nhiều vị trí để rèn luyện bản thân, từ thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc đối ngoại khu vực Miền Bắc của HBC.
Trong công cuộc chuyển giao quyền lực, xây dựng thế hệ kế thừa, năm 2020 ông Lê Viết Hiếu kế nhiệm cha ở cương vị Tổng Giám đốc Xây dựng Hòa Bình, đến tháng 7/2022 ông Hiếu là Phó Tổng Giám đốc thường trực của HBC.
Theo kế hoạch, khi ông Lê Viết Hải rút lui, ông Lê Viết Hiếu lên kế nhiệm. Tuy vậy nội chiến xảy ra, chuyển giao bất thành. Mọi thứ đã được lập lại trật tự, ông Lê Viết Hiếu giữ nguyên vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Hòa Bình, cùng ông Lê Viết Hải điều hành HBC.
Hai vị thiếu gia nhà họ Trầm: Ông Trầm Trọng Ngân và Trầm Khải Hòa
Hai vị thiếu gia nhà họ Trầm – ông Trầm Trọng Ngân và Trầm Khải Hòa thời gian gần đây được nhắc tới nhiều liên quan đến việc ông Trầm Bê vừa được ra tù sau 7 năm thụ án. Gia tộc họ Trầm nổi danh từ hơn chục năm trước khi vụ thâu tóm rúng động ngành ngân hàng hé lộ. tên tuổi của 2 vị thiếu gia nhà họ Trầm cũng được nhắc tới từ đây.
Cậu út Trầm Khải Hòa, lúc đó 24 tuổi được bầu làm Thành viên HĐQT tại Sacombank, còn cậu cả Trầm Trọng Ngân thay cha điều hành Ngân hàng Phương Nam.
Chinh chiến cùng cha nhiều năm trên thương trường, sau vụ đại án rúng động ngành ngân hàng năm 2017 liên quan Phạm Công Danh, cả 2 vị thiếu gia này đều đã thầm lặng rút lui khỏi thương trường. Thông tin ông Trầm Bê ra tù, giới thương nhân một lần nữa chờ đợi thông tin tái xuất của gia tộc họ Trầm.