Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa điều động ông Nguyễn Xuân Hòa, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP PVI - PVI Holdings (PVI) về Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (DPM).
Tại Đạm Phú Mỹ, ông Nguyễn Xuân Hòa tham gia Ban chấp hành đảng bộ, Ban thường vụ Đảng ủy và giữ chức Bí thư Đảng ủy. Đồng thời, ông Hòa cũng được ủy quyền quản lý phần vốn góp của PVN tại Đạm Phú Mỹ.
Với động thái này, nhiều khả năng ông Hòa sẽ đảm nhiệm chức vụ cao nhất của Đạm Phú Mỹ.
Đồng thời, tại PVI Holdings, HĐQT thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PVI Holdings đối với ông Nguyễn Xuân Hòa. Thời điểm nghị quyết có hiệu lực sau khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của PVI thông qua công tác nhân sự theo thẩm quyền.
Ông Nguyễn Xuân Hòa vẫn tiếp tục đảm nhận vị trí Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Giám đốc PVI cho đến khi được ĐHĐCĐ phê chuẩn vào ngày 21/3.
Ông Nguyễn Xuân Hòa sinh năm 1972, quê quán tại Hải Dương, công tác trong ngành dầu khí từ năm 1994, bắt đầu công việc tại PV Gas. Lãnh đạo PVI đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Phó Tổng giám đốc kiêm Uỷ viên HĐTV PV Gas, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PV Power, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Tại PVI, từ ngày 29/3/2019 đến ngày 16/1/2020, ông Hòa nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Từ 2020, ông làm Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT và bắt đầu kiêm vị trí Tổng Giám đốc từ năm 2021 tới nay đồng thời là người đại diện phần vốn góp của PVN tại doanh nghiệp này. Với việc nắm gần 82 triệu cổ phiếu, PVN đang nắm giữ 35% vốn tại PVI.
>> Kiểm soát "hưng phấn" trên thị trường, thận trọng các "bẫy Bulltrap" đầu tháng 4
PVI Holdings hoạt động theo mô hình mẹ - con trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, tái bảo hiểm và quản lý tài sản.
Năm 2023, doanh thu thuần của PVI đạt 6.709 tỷ đồng, tăng 3%; lợi nhuận sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 15%, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Trên thị trường, kết phiên giao dịch ngày 5/3, cổ phiếu PVI đạt 47.400 đồng/cp.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* VIE: Cục thuế TP. Hà Nội mới ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuế và hóa đơn đối với CTCP Công nghệ Viễn thông Viteco. Tổng cộng số tiền bị phạt và truy thu là gần 345 triệu đồng.
* MAC: CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng hải vừa thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, dự kiến vào cuối tháng 4. Danh sách cổ đông tham dự đại hội chốt ngày 22/3.
* ITA: Ngày 4/3, HĐQT CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo thông qua việc gia hạn ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024, chậm nhất trước ngày 30/6.
* LCG: HĐQT CTCP Lizen thông qua chủ trương đầu tư dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT, thay thế cho dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị.
* VOS: Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM nhắc nhở CTCP Vận tải Biển Việt Nam về việc chậm công bố thông tin nghị quyết HĐQT phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 và phương án phân phối lợi nhuận năm 2022.
* DGC: Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ 2024, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch gần như đi ngang so với năm trước. Doanh nghiệp sẽ giữ lại hơn 5.600 tỷ đồng lợi nhuận sau khi đã hoàn tất chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2023.
* L14: CTCP Licogi 14 đã quyết định thời gian tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 cũng như kế hoạch kinh doanh sơ bộ năm 2024. Thời gian dự kiến tổ chức đại hội là 26/4. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông tham dự là 27/3.
* AGM: CTCP Xuất nhập khẩu An Giang - Angimex thông qua chuyển nhượng tối đa toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Golden Paddy. Bên nhận chuyển nhượng chính là công ty mẹ của Golden Paddy.
* NT2: CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 thông qua việc tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền tỷ lệ 7%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 14/3. Ngày thực hiện chi trả dự kiến từ 29/3.
VN-Index
Kết phiên giao dịch ngày 5/3, VN-Index tăng 8,57 điểm (+0,68%) lên 1.269,98 điểm, HNX-Index giảm 0,03 điểm (-0,01%) xuống 237,35 điểm, UpCOM-Index tăng 0,65 điểm (+0,71%), lên 91,78 điểm.
Theo Chứng khoán VietCap, VN-Index vẫn có khả năng tiếp tục đà tăng để hướng lên kháng cự mạnh tại 1.285-1.290 điểm. Dòng tiền vẫn dịch chuyển luân phiên giữa các phân khúc vốn hóa và các nhóm ngành.
Tuy nhiên, khi tiến vào vùng kháng cự, lực bán chốt lời có thể gia tăng mạnh hơn, kết hợp với trạng thái quá mua mạnh của thị trường có thể tạo ra một xung lực điều chỉnh giảm cho VN-Index.
Theo Chứng khoán SHS, VN-Index trong ngắn hạn có thể tiếp tục tăng điểm hướng tới kháng cự mạnh 1.300 điểm.
Do diễn biến tích lũy trước đó chưa đủ tin cậy nên những biến động bất thường có thể xảy ra trong những phiên sắp tới. VN-Index sau khi kết thúc đà hưng phấn sẽ điều chỉnh trở lại trong kênh 1.150-1.250 điểm
>> "Cú đạp" phiên ATC sẽ mở màn cho nhịp thoát hàng của nhà đầu tư nhỏ lẻ phiên 7/4?