Chứng khoán

Tập đoàn FLC bị cưỡng chế 822 tỷ đồng tiền thuế trong lúc cựu Chủ tịch hầu tòa

Hải Băng 24/07/2024 - 20:04

Tập đoàn FLC chây ì trả nợ thuế và liên tục bị cưỡng chế bằng nhiều biện pháp. Mới đây, FLC muốn huy động vốn từ các cá nhân, tổ chức để tái khởi động các dự án bất động sản.

Ngày 23/7, Tập đoàn FLC nhận được quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn từ Cục thuế TP. Hà Nội. Lý do, đơn vị này đã không chấp hành nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo các thông báo của Cục thuế TP. Hà Nội, Chi Cục thuế TP. Hạ Long, Chi cục thuế TP. Sầm Sơn - Quảng Xương, Cục thuế tỉnh Quảng Bình.

Số tiền bị cưỡng chế là gần 822 tỷ đồng, thời gian thực cưỡng chế từ 16/7 và có hiệu lực trong vòng 1 năm.

Tập đoàn FLC bị cưỡng chế 822 tỷ đồng tiền thuế trong lúc cựu Chủ tịch hầu tòa
Ảnh minh họa

FLC chây ì trả nợ thuế

Trước đó, ngày 27/5, Chi cục thuế TP. Quy Nhơn có quyết định cưỡng chế thuế FLC bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản với tổng số tiền cưỡng chế 133,5 tỷ đồng.

Ngày 17/6, Chi cục thuế TP. Sầm Sơn - Quảng Xương ra 8 quyết định cưỡng chế thuế hơn 238 tỷ đồng đối với FLC gồm: thuế sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và gần 45 tỷ đồng tiền chậm nộp (quá hạn 90 ngày).

Ngày 24/6, Cục thuế TP Hà Nội cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản FLC với tổng số tiền cưỡng chế hơn 95 tỷ đồng.

Ngày 5/7, FLC nhận được các quyết định cưỡng chế của Chi cục thuế Đak Đoa - Mang Yang số tiền 95 triệu đồng bằng biện pháp phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp mở tại BIDV chi nhánh Gia Lai và Cục thuế tỉnh Bạc Liêu số tiền 13 triệu đồng.

Gần nhất, Cục thuế TP. Hà Nội cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với FLCHomes - công ty vận hành vận hành hệ thống sân golf mang thương hiệu FLC do nợ tiền thuế tại Chi Cục thuế quận Long Biên hơn 97,2 tỷ đồng.

Bí ẩn tình hình tài chính FLC, ông Trịnh Văn Quyết còn 5.000 tỷ đồng tại hệ sinh thái này

Kể từ khi ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt giam vào đầu năm 2022, Tập đoàn FLC đã không công bố báo cáo tài chính các năm 2021, 2022, 2023, quý I/2024. Lý do được đưa ra là chưa thống nhất được với kiểm toán viên. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên tục xử phạt doanh nghiệp về lỗi này với số tiền hàng trăm triệu đồng/lần.

Vào đầu tháng 4, FLC có thông qua chủ trương huy động vốn từ các cá nhân, tổ chức để bổ sung hoạt động kinh doanh. Tập đoàn muốn tái khởi động các dự án bất động sản với mục tiêu mang về 1.361 tỷ đồng doanh số trong năm 2024.

Trong phiên tòa ngày 23/7, ông Trịnh Văn Quyết cho biết khối tài sản cá nhân của mình khoảng 5.000 tỷ đồng nằm tại FLC, FLC Faros và Bamboo Airways. Số tài sản này đang bị cơ quan chức năng phong tỏa và ông muốn bán để khắc phục thiệt hại.

>> Cổ đông chạnh lòng kể chuyện 'đi lệnh' cổ phiếu ROS tại phiên tòa

‘Gà đẻ trứng vàng’ của ACV ‘lăn chốt’ ngày trả cổ tức tỷ lệ 25% bằng tiền

Kẹt hơn 6.700 tỷ đồng trong 1 dự án 'đắp chiếu' 17 năm, công ty thép của Bộ Công Thương lỗ do lãi vay ăn mòn lợi nhuận

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tap-doan-flc-bi-cuong-che-822-ty-dong-tien-thue-trong-luc-cuu-chu-tich-hau-toa-243044.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tập đoàn FLC bị cưỡng chế 822 tỷ đồng tiền thuế trong lúc cựu Chủ tịch hầu tòa
POWERED BY ONECMS & INTECH