Chứng khoán

Tập đoàn Hòa Phát và Formosa gặp khó, sản lượng xuất khẩu HRC giảm 42%

Hải Băng 14/08/2024 - 11:39

Sản xuất và tiêu thụ thép các loại tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên mặt hàng thép cuộn cán nóng (HRC) lại sụt giảm do đối mặt với sức ép từ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 7/2024, sản xuất thép thành phẩm các loại trong nước đạt 2,527 triệu tấn, tăng 2,59% so với tháng 6/2024 và tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tất cả các mặt hàng đều ghi nhận tăng trưởng, ngoại trừ thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 5,43% so với tháng trước và giảm 5,1% so với cùng kỳ.

Về tiêu thụ, bán hàng thép thành phẩm đạt 2,464 triệu tấn, tăng 4,22% so với tháng 6/2024 và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sản lượng bán hàng HRC giảm 9,3% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm các loại đạt hơn 681.000 tấn, tăng 2,84% so với tháng trước nhưng giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng HRC, sản lượng xuất khẩu giảm 42,1% so với tháng 6/2024.

Giá HRC bình quân trong tháng 7/2024 là 520 USD/tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 3,6% so với tháng trước.

Tập đoàn Hòa Phát và Formosa gặp khó, sản lượng xuất khẩu HRC giảm 42%
Nguồn: VCBS Research (cập nhật đến tháng 5/2024)

Tại Việt Nam, chỉ 2 doanh nghiệp có năng lực sản xuất HRC là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Formosa Hà Tĩnh. Doanh số HRC tăng mạnh trong năm 2023 và bắt đầu cho thấy sự sụt giảm từ đầu năm 2024.

Hiện tại, ngành thép Việt Nam và thế giới đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực khi kinh tế suy thoái và cục diện chiến tranh thương mại đang diễn ra gay gắt. Các nước đang dựng các rào cản thương mại để bảo vệ thị trường nội địa của họ như: Thái Lan (thuế 310,74%), Malaysia (thuế từ 7,81% - 23,845%), Thổ Nhĩ Kỳ (19,64% - 25%), Hoa Kỳ (16,24%)…

Đặc biệt, ngày 8/8 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu cuộc điều tra chống bán phá giá đối với HRC từ Việt Nam. Nhóm này cũng chỉ đích danh 2 doanh nghiệp Việt Nam là Hòa Phát và Formosa. Ở thời điểm cuối tháng 7, EU đang là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 2 của Việt Nam (chiếm 25% tỷ trọng), xếp sau ASEAN (26% tỷ trọng).

Tập đoàn Hòa Phát và Formosa gặp khó, sản lượng xuất khẩu HRC giảm 42%
Hòa Phát và Formosa đối mặt khó khăn trong tiêu thụ HRC tại thị trường nội địa và xuất khẩu

Về phía Hòa Phát, trong quý II/2024, Tập đoàn ghi nhận doanh thu 39.936 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 3.320 tỷ đồng. Sản lượng thép xây dựng đạt 1.270.000 triệu tấn, tăng 33% so với quý trước nhưng tiêu thụ HRC biến động ngược lại với mức giảm 10% từ 805.000 tấn xuống 724.000 tấn.

Hòa Phát thừa nhận khó khăn trong tiêu thụ HRC tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Lượng HRC nhập khẩu giá thấp tràn vào thị trường Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh, đạt 6 triệu tấn (tăng gấp rưỡi cùng kỳ 2023 và vượt mức tăng trưởng toàn thị trường) gây nên sức ép lớn tại thị trường nội địa. Cùng với đó giá HRC tại thị trường Việt Nam tuy có tăng lên một nhịp ngắn trong tháng 2/2024 nhưng đã giảm liên tục từ tháng 3-6/2024. Thị trường xuất khẩu cũng có nhiều thử thách đến từ tình trạng dư thừa HRC cũng như việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu.

Tiêu thụ thép xây dựng đang là động lực giúp tăng trưởng doanh thu của Hòa Phát, bù đắp lại sự sụt giảm doanh thu của mặt hàng HRC.

>> Liên minh châu Âu chính thức 'tuyên chiến' với thép HRC Việt Nam, Tập đoàn Hòa Phát và Formosa vào 'tầm ngắm'

Quỹ ngoại Singapore đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu REE với mức cao hơn 18% giá thị trường

Thị trường 14/8: Cổ phiếu trụ chống đỡ chỉ số trước thềm đáo hạn phái sinh

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tap-doan-hoa-phat-va-formosa-gap-kho-san-luong-xuat-khau-hrc-giam-42-245311.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tập đoàn Hòa Phát và Formosa gặp khó, sản lượng xuất khẩu HRC giảm 42%
POWERED BY ONECMS & INTECH