Tập đoàn Trung Quốc ngỏ ý muốn làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm đối với các dự án quan trọng của Việt Nam như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến metro...
Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà diễn ra vào chiều 28/8, ông Wang Hai Huai - Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC) đánh giá Việt Nam hiện đang có nhiều điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, kinh doanh nhờ mức độ hội nhập sâu rộng, hành lang pháp lý cùng môi trường đầu tư cải thiện.
Theo ông Wang, Tập đoàn CCCC hiện đang theo sát các dự án giao thông trọng điểm của Việt Nam như: Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các dự án hạ tầng kết nối giữa Trung Quốc - Việt Nam; các tuyến metro tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP. HCM.
>> Đề án siêu cảng 129.000 tỷ lớn nhất Việt Nam có diễn biến mới
Tập đoàn đến từ quốc gia lớn mạnh này cũng bày tỏ sẵn sàng thực hiện các dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi với những công nghệ tiên tiến nhất.
Tập đoàn CCCC bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1996. Sau 30 năm hoạt động, tập đoàn này đã thực hiện hơn 30 dự án với tổng giá trị hợp đồng hơn 3 tỷ USD tại Việt Nam, trong đó gồm các dự án về cảng biển, điện gió, các KCN.
Trước mong muốn từ phía Tập đoàn CCCC đến từ Trung Quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao những công trình hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, năng lượng, năng lượng tái tạo mà CCCC đã thực hiện.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đề xuất tập đoàn này có hợp tác thiết thực, hiệu quả trong các lĩnh vực hạ tầng, xây dựng giao thông, nông nghiệp; điều này góp phần thực hiện các thỏa thuận cấp cao giữa 2 Đảng, Nhà nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị CCCC chủ động nghiên cứu và tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng ưu tiên của Việt Nam như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đường sắt Hà Nội - Hải Phòng - Lạng Sơn, Hà Nội - Móng Cái - Lào Cai cùng nhiều dự án hạ tầng kết nối giữa Việt Nam với các tỉnh của Trung Quốc và một số quốc gia khác.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây đều là những công trình ưu tiên và càng được triển khai sớm càng tốt; đồng thời đề nghị CCCC sớm tiếp cận các đối tác Việt Nam; nghiên cứu các quy định pháp luật của 2 bên để hợp tác hiệu quả, từ thiết kế, lựa chọn công nghệ đến quản lý, vận hành và khai thác...
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, điều này sẽ mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển hạ tầng của Việt Nam cũng như tăng cường mối quan hệ giữa CCCC với các đối tác Việt Nam.
Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam có chiều dài trên 1.500m, dự kiến sẽ được triển khai vào giai đoạn năm 2026-2027 với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 69 tỷ USD (nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hạng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư khoảng 72 tỷ USD).
Theo Bộ GTVT, với kịch bản này, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được làm mới hoàn toàn với 60% cầu, 10% hầm và 30% chạy trên nền đất.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc và tăng lên 5.000km vào năm 2030.
Hạ tầng đường sắt, đặc biệt là Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải đa phương thức, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
>> Cầu dây văng nghìn tỷ vượt sông ở Nam Định sắp thành hình