Telegram trở thành 'chợ đen' cho tội phạm Đông Nam Á
Các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia ở Đông Nam Á đang tận dụng tối đa Telegram để mở rộng quy mô hoạt động bất hợp pháp một cách chóng mặt, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh khu vực.
Báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc đã ‘đổ thêm dầu vào lửa’ đối với những cãi xung quanh ứng dụng Telegram.
Cụ thể, Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cáo buộc nền tảng này trở thành thị trường chợ đen trực tuyến, nơi các thông tin nhạy cảm như thẻ tín dụng, mật khẩu và lịch sử duyệt web được rao bán công khai. Trước đó, Pháp cũng đã siết chặt quy định đối với Telegram, buộc tội người sáng lập Pavel Durov vì đã cho phép các hoạt động bất hợp pháp diễn ra trên nền tảng.
Các công cụ tội phạm mạng sử dụng ngày càng tinh vi và dễ tiếp cận, với phần mềm deepfake và phần mềm đánh cắp dữ liệu được rao bán công khai. Song song đó, các sàn giao dịch tiền điện tử bất hợp pháp đã trở thành công cụ rửa tiền hiệu quả cho các hoạt động tội phạm mạng. Một quảng cáo bằng tiếng Trung Quốc thu hút sự chú ý khi tuyên bố: "Chúng tôi chuyển 3 triệu USDT bị đánh cắp từ nước ngoài mỗi ngày".
Báo cáo cho thấy, các thị trường dữ liệu ngầm đang chuyển dịch mạnh mẽ sang các nền tảng như Telegram, và các nhà cung cấp công cụ tội phạm đang tích cực nhắm vào các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đặt tại Đông Nam Á.
Đông Nam Á đã trở thành một trong những trung tâm lớn của các hoạt động lừa đảo xuyên quốc gia, với các tổ chức tội phạm, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, hoạt động tại đây. Các cơ sở hoạt động của chúng thường được bảo vệ nghiêm ngặt và tận dụng lao động cưỡng bức. Theo ước tính của UNODC, ngành công nghiệp tội phạm này thu về từ 27,4 đến 36,5 tỷ USD mỗi năm.
Pavel Durov, doanh nhân gốc Nga, đã bị bắt tại Paris vào tháng 8 và bị buộc tội cho phép hoạt động tội phạm trên nền tảng của mình, bao gồm cả việc phát tán hình ảnh tình dục của trẻ em. Động thái này đã khiến dư luận tập trung vào trách nhiệm hình sự của các nhà cung cấp ứng dụng và cũng gây ra cuộc tranh luận về ranh giới giữa tự do ngôn luận và thực thi pháp luật.
Sau khi bị bắt, Durov, hiện đang được bảo lãnh, cho biết ứng dụng sẽ cung cấp địa chỉ IP và số điện thoại của người dùng cho các cơ quan chức năng nếu có yêu cầu pháp lý. Ông cũng nói rằng ứng dụng sẽ loại bỏ một số tính năng đã bị lạm dụng cho hoạt động bất hợp pháp.
Báo cáo cho thấy, lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động tội phạm đã thúc đẩy các tổ chức tội phạm trong khu vực không ngừng đổi mới. Họ tích cực áp dụng các công nghệ mới như phần mềm độc hại, trí tuệ nhân tạo tạo sinh và deepfake vào các hoạt động của mình. Theo ông Benedikt Hofmann, Phó đại diện của UNODC tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nhiều ứng dụng đã trở thành 'thiên đường' cho tội phạm hoạt động, khiến dữ liệu người dùng ngày càng dễ bị lợi dụng vào các vụ lừa đảo và hoạt động bất hợp pháp khác.
UNODC cho biết họ đã xác định được hơn 10 nhà cung cấp dịch vụ phần mềm deepfake "nhắm mục tiêu cụ thể vào các nhóm tội phạm liên quan đến lừa đảo trực tuyến ở Đông Nam Á".
Ở các khu vực khác tại châu Á, cảnh sát Hàn Quốc, quốc gia được cho là bị deepfake khiêu dâm tấn công nhiều nhất, đã mở một cuộc điều tra về Telegram, nhằm xem xét liệu nền tảng này có hỗ trợ tội phạm tình dục trực tuyến hay không.
Tháng trước, hãng tin Reuters cũng báo cáo rằng một tin tặc đã sử dụng chatbot trên Telegram để ăn cắp dữ liệu của công ty bảo hiểm hàng đầu Ấn Độ Star Health, khiến công ty kiện nền tảng này. Bằng cách sử dụng chatbot, tin tặc có thể tải xuống các tài liệu chính sách và yêu cầu bảo hiểm với thông tin bao gồm tên, số điện thoại, địa chỉ, chi tiết thuế, bản sao chứng minh thư, kết quả xét nghiệm và chẩn đoán y tế.
Theo Reuters
>> Ngỡ ngàng: Telegram tiết lộ IP và số điện thoại người dùng cho hàng loạt Chính phủ từ năm 2018