Temu đứng số 1 về lượt tải trên iOS, Mỹ tức tốc tăng cường giám sát
Temu dẫn đầu bảng xếp hạng tải xuống ứng dụng tại Mỹ, đồng thời đối mặt với làn sóng siết chặt giám sát và quy định thuế.
Ứng dụng thương mại điện tử Temu, thuộc sở hữu của tập đoàn PDD Holdings (Trung Quốc), tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu trong danh sách các ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất trên iOS tại Mỹ năm thứ hai liên tiếp. Thành công này nhấn mạnh sự thống trị ngày càng gia tăng của các ứng dụng Trung Quốc tại thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Ngoài Temu, TikTok của ByteDance đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng, bất chấp những nghi vấn về tương lai hoạt động tại Mỹ, trong khi đối thủ Shein, gã khổng lồ thời trang nhanh, xếp ở vị trí thứ 12. Theo StatCounter, iOS của Apple hiện chiếm hơn 56% thị phần điện thoại di động tại Mỹ, khiến những thành tích này càng đáng chú ý.
Temu gia nhập thị trường Mỹ vào năm 2022 với chiến lược cung cấp hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, tạo sức ép đáng kể lên Amazon. Tuy nhiên, thành công của Temu cũng kéo theo sự giám sát ngày càng chặt chẽ từ các nhà chức trách Mỹ, đặc biệt khi chính quyền Trump sắp tới có thể áp dụng chính sách thuế mạnh tay hơn.
Tháng 9 vừa qua, chính quyền Tổng thống Biden đề xuất siết chặt điều khoản “de minimis” - cho phép các lô hàng dưới 800 USD được miễn thuế nhập khẩu. Đây là ưu đãi mà Temu và Shein tận dụng để cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Nếu chính sách này thay đổi, giá hàng hóa có thể tăng, làm giảm sức cạnh tranh của các công ty Trung Quốc.
Tổng thống đắc cử của Mỹ, ông Donald Trump đã luôn nhấn mạnh việc hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu từ chiến dịch tranh cử đến trước thềm lễ nhậm chức vào tháng 1. Ông đề xuất mức thuế cao từ 60% đến 100% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, dù chưa rõ liệu những cam kết này có được thực hiện.
Không chỉ tại Mỹ, Temu còn gặp khó khăn ở các thị trường khác. Indonesia đã áp thuế chống bán phá giá và cấm hoạt động của Temu, trong khi Thái Lan tăng cường giám sát hàng nhập khẩu giá rẻ. Việt Nam thậm chí đã cấm ứng dụng này chỉ hai tháng sau khi Temu mở văn phòng tại đây.
Theo dự báo từ Nomura, việc siết chặt quy định “de minimis” tại Mỹ có thể làm giảm 1,3% tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc, đồng thời kéo tăng trưởng GDP của nước này xuống 0,2%. Trong báo cáo mới nhất, Nomura nhận định các thay đổi liên quan đến quy định này sẽ là ưu tiên thương mại hàng đầu dưới chính quyền Trump, chỉ sau việc tăng thuế quan.
“Sự giám sát ngày càng tăng của Mỹ là tín hiệu tiêu cực đối với hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc vào năm 2025,” báo cáo nhấn mạnh.
Thành công của Temu không chỉ phản ánh sức hấp dẫn của các ứng dụng Trung Quốc mà còn đặt ra nhiều thách thức lớn, đặc biệt khi đối mặt với làn sóng siết chặt từ cả Mỹ và các quốc gia khác.
Theo CNBC
Temu sa lầy với chính sách hoàn tiền 'hào phóng nhất thế giới'
Vừa bị ngăn hoạt động ở Việt Nam, Temu nhận thêm cú sốc lớn ở quê nhà