Đằng sau mức giá 'siêu rẻ' từ Shein và Temu: Người bán vật lộn với lợi nhuận 'mỏng như dao cạo', hàng tồn kho chất đống vẫn phải 'tự xử lý'
Các ứng dụng mua sắm đã mang lại cứu cánh cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, nhưng nó cũng đem tới một sự đánh đổi không hề nhỏ.
Trong những năm gần đây, hàng nghìn nhà máy và nhà cung cấp Trung Quốc đã tham gia chuỗi cung ứng của Shein và Temu, hai "gã khổng lồ'' thương mại điện tử bùng nổ ở Mỹ với các mặt hàng giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc.
Hai nền tảng này cho phép các nhà máy và nhà cung cấp tại Trung Quốc tiếp cận được số lượng lớn người tiêu dùng mới trên toàn thế giới. Được biết, hiện tại, Shein hoạt động ở hơn 150 quốc gia, trong khi Temubán hàng cho hơn 40 quốc gia.
Tuy nhiên, điều này cũng đem lại một sự đánh đổi lớn khi một số nhà cung cấp cho biết họ đang vật lộn với tỷ suất lợi nhuận "mỏng như dao cạo" và áp lực giảm giá mạnh mẽ. Những người khác cho biết họ đang chìm trong hàng tồn kho chưa bán được và đang đặt câu hỏi liệu việc giao dịch với Shein và Temu có bền vững về lâu dài hay không.
Rủi ro đối với nhà cung cấp
Nhà cung cấp đồ điện tử Jason Xie trước đây đã bán các thiết bị như màn hình điện thoại thông minh từ một gian hàng ở chợ điện tử Thâm Quyến cho người mua từ Mỹ, Trung Đông, Đông Nam Á và các nơi khác. Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch, Xie chuyển sang sàn thương mại trực tuyến với lần đầu tiên bán hàng trên các nền tảng bao gồm Amazon, Pinduoduo,...
>> Shein đặt mục tiêu định giá lên tới 90 tỷ USD khi IPO ở Mỹ
Sau vài tháng đăng ký bán hàng trên nền tảng Temu, anh ấy đã đặt câu hỏi về tính bền vững trong cách tiếp cận của nền tảng này. Theo đó, một số mặt hàng của anh thành công vang dội, trong đó có chiếc loa không dây trị giá 12 USD đi kèm đèn ngủ LED.
Tuy nhiên những mặt hàng khác lại thất bại nặng nề. Có thời điểm, Xie và các đồng nghiệp của anh đã chuẩn bị 1.000 dây đeo điện thoại thông minh trị giá 3 USD với nhiều màu sắc khác nhau cùng nhiều mặt hàng tương tự. Tuy nhiên, họ chỉ bán được khoảng hơn chục mặt hàng.
Xie cho biết còn có nhiều vấn đề khác như các nhà cung cấp của Temu phải chịu các chi phí liên quan đến việc trả lại hàng và họ cũng có thể phải đối mặt với hình phạt từ Temu nếu người tiêu dùng gửi khiếu nại trong quá trình trả lại hàng.
Temu cho biết chiến lược giá thấp của họ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và có những nhà sản xuất vượt trội trên nền tảng này.
Ví dụ điển hình như Zhejiang Maibo Industrial, một nhà máy ở Wuyi, miền Đông Trung Quốc, trong nhiều năm đã sản xuất chai nước và cốc uống nước cho các nhà bán lẻ khác. Họ bắt đầu bán sản phẩm dưới thương hiệu riêng của mình trên nền tảng Temu vào tháng 3, đạt tỷ suất lợi nhuận 20%, cao hơn so với 10% khi bán cho các bên khác.
Một nhân viên tại Zhejiang Maibo Industrial, một nhà máy ở Wuyi chuyên sản xuất chai nước và cốc uống nước. Nguồn: WSJ |
Zhang Qingwei, giám đốc điều hành nhà sản xuất quần áo trẻ em Dongguan Michun Clothing, đã cung cấp hàng hóa cho Shein được khoảng hai năm, nhưng trong những tháng gần đây về cơ bản đã ngừng hoạt động với nền tảng này.
Khi nhà máy của Zhang gợi ý sản phẩm, Shein có thể đặt mua một số lượng nhất định, có thể là vài trăm đơn hàng. Nhưng nếu sản phẩm không bán chạy, Shein chỉ lấy một phần nhỏ, để nhà máy của Zhang xử lý nốt phần còn lại chứ không cho ông bán hàng trên các nền tảng khác.
Zhang Qingwei, giám đốc điều hành của Dongguan Michun Clothing, đang kiểm tra hàng tồn kho. Nguồn: WSJ |
Ông nói: "Những kịch bản như vậy đã khiến nhà máy của công ty ngập trong hàng tồn kho của Shein. Rủi ro là quá lớn". Doanh thu từ Shein vào thời kỳ đỉnh cao chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của nhà máy này, nhưng hiện giảm xuống còn khoảng 1%.
Cuộc chiến giá "sống còn"
Hãng bán lẻ thời trang Shein do Trung Quốc thành lập, hiện có trụ sở tại Singapore, đã trở nên nổi tiếng tại Mỹ, trở thành "ông trùm" thời trang nhanh trong suốt 8 năm qua.
Tập đoàn thương mại điện tử PDD Holdings đã cho ra mắt Temu cách đây hơn một năm, điều này nhanh chóng gây áp lực lên Shein. Trong phần lớn thời gian của năm 2023, Temu là ứng dụng thương mại điện tử phổ biến thứ hai ở Mỹ sau Amazon, được đo lường bởi lượng người dùng hàng tháng theo ước tính của SimilarWeb.
Người dùng hoạt động hàng tháng hai nền tảng Temu và Shein tại Mỹ. Nguồn: WSJ |
Đến tháng 7 vừa qua, doanh số bán hàng của Temu ở Mỹ đã lớn hơn Shein, dữ liệu từ Earnest Analytics cho thấy. Trong những tháng gần đây, Shein đã vượt ra ngoài lĩnh vực thời trang để chuyển sang mô hình sàn thương mại điện tử, cho phép bên thứ ba chào bán đa dạng nhiều loại hàng hóa, đưa nó vào thế cạnh tranh trực tiếp với Temu.
Tại Mỹ, Shein và Temu vận chuyển khoảng một triệu gói hàng mỗi ngày, theo nhà tư vấn vận chuyển bưu kiện ShipMatrix. Shein cho biết họ có khoảng 5.400 nhà cung cấp, chủ yếu ở Trung Quốc. Temu không tiết lộ có bao nhiêu nhà cung cấp nhưng cũng cho biết hầu hết đến từ quốc gia này.
Theo WSJ, sáu người bán cho biết họ đã ngừng kinh doanh với Temu vì chính sách giá nghiêm ngặt của công ty này. Temu thường đặt mức giá thấp nhất mà tất cả các nhà cung cấp đưa ra làm chuẩn, khiến người bán có tỷ suất lợi nhuận rất nhỏ. Trong khi Shein cho phép các nhà cung cấp định giá trong một phạm vi nhất định.
Một người bán trên Temu nói rằng nếu anh không giảm giá để phù hợp với giá do các nhà cung cấp khác đặt ra, nền tảng sẽ không cho phép cập nhật hàng tồn kho, khiến anh không thể kinh doanh với nền tảng này. Người bán cho biết anh đã quyết định ngừng bán hàng trên Temu.
Những người khác lại cho rằng Temu đã giúp họ tăng lợi nhuận.
Huang Yilun ở thành phố Huệ Châu, đã sản xuất đồ trang trí Giáng sinh để xuất khẩu trong gần một thập kỷ. Với khao khát tìm kiếm kênh bán hàng mới sau khi đại dịch phá hủy hoạt động kinh doanh, ông bắt đầu bán hàng trên Temu vào tháng 6. Trong số 10 mẫu ông gửi đến, Temu nhận hai mẫu và yêu cầu giảm giá thêm 20% cho một mẫu. Mặc dù vậy, ông cho biết mình vẫn kiếm được lợi nhuận tốt hơn trước.
Dù hoạt động kinh doanh đã bắt đầu khởi sắc nhưng người bán này cho biết ông đang gặp khó khăn trong việc thuê công nhân, bởi mức lương nhân công ngày càng tăng cao. Trong khi đó, Temu đang yêu cầu giảm giá nhiều hơn cho một số mặt hàng.
Huang nói: “Temu là một nền tảng hấp dẫn đối với tôi, nhưng áp lực đã bắt đầu gia tăng".
Kể từ khi Temu ra mắt, nhiều nền tảng khác, bao gồm cả TikTok, Tập đoàn Alibaba, Tập đoàn Tencent cũng thúc đẩy đường đua thương mại điện tử. Khi thị trường trở nên đông đúc, người bán đang thử nghiệm xem nền tảng nào có thể mang lại cho họ doanh thu và lợi nhuận tốt nhất.
Bai Yu có trụ sở tại Thâm Quyến chuyển sang lĩnh vực thương mại điện tử sau khi bị một trường dạy kèm tư nhân cho nghỉ việc vào năm 2021. Vài tháng sau khi cô mở cửa hàng trên Amazon chuyên bán bộ sạc pin cho xe chơi golf cho thị trường Mỹ, Temu đã gọi điện.
Cô bắt đầu bán vài trăm bộ sạc pin xe golf mỗi tháng trên Temu, nhiều hơn số lượng cô bán trên Amazon. Mặc dù, giá bán của cô trên Temu thường thấp hoặc chỉ bằng một nửa giá của mặt hàng cùng loại trên Amazon. Ngay sau đó, Temu yêu cầu Yu giảm giá hơn nữa để phù hợp với những người bán khác.
“Tôi cảm thấy như mình bị đẩy về phía trước và không có lựa chọn nào khác", Yu nói về việc buộc phải giảm giá của mình.
Amazon, Walmart và Target chạy đua giao hàng trước cuộc chiến với đối thủ Shein và Temu
Shopee, TikTok Shop và những 'gã khổng lồ quốc tế': Trận đấu kịch tính sàn thương mại điện tử