Thăm cung điện ở Việt Nam mang đậm dấu ấn hai vị vua cuối cùng của triều Nguyễn vừa được phục dựng hết 124 tỷ đồng, từng được mệnh danh 'Đệ nhất cảnh' của đất Thần kinh
Công trình này cũng là nơi vua Bảo Đại gặp Phái đoàn Chính phủ lâm thời bàn việc thoái vị.
Điện Kiến Trung trong ký ức
Điện Kiến Trung nằm trong Tử Cấm Thành, được vua Khải Định cho xây dựng từ năm 1921 đến 1923. Đây là nơi ở chính của nhà vua trong Tử Cấm Thành và cũng là một công trình kiến trúc độc đáo góp phần tạo nên dấu ấn đặc trưng của Đại nội Huế.
Trước khi điện Kiến Trung được xây dựng, tại vị trí này, vào năm 1827, vua Minh Mạng đã cho xây dựng lầu Minh Viễn – một tòa lầu gỗ ba tầng được sử dụng làm nơi ngắm cảnh và hóng mát của nhà vua. Lầu Minh Viễn từng được vua Thiệu Trị ca ngợi là "Đệ nhất cảnh trong Thần kinh nhị thập cảnh" (một trong 20 thắng cảnh của Kinh đô Huế). Tuy nhiên, đến thời vua Tự Đức, công trình này đã bị tháo dỡ vào năm 1876. Đến năm 1913, lầu Du Cửu được xây dựng tại đây dưới thời vua Duy Tân, và khi vua Khải Định lên ngôi vào năm 1916, lầu này được đổi tên thành lầu Kiến Trung.
Điện Kiến Trung ban đầu được dùng làm nơi làm việc của vua, sau đó được sửa sang và tân trang để trở thành nơi sinh hoạt cùng gia đình. Cùng với điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành và cung Khôn Thái, điện Kiến Trung là một trong năm công trình độc đáo của Tử Cấm Thành – Đại nội Huế thời Nguyễn. Đáng tiếc, ngôi điện này đã bị phá hủy hoàn toàn trong chiến tranh vào năm 1947.Dù chỉ tồn tại hơn 20 năm, nhưng từ phần nền cũ, điện Kiến Trung đã được phục dựng, tái hiện lại hình ảnh cung điện bề thế, nguy nga và rực rỡ.
So với hầu hết các công trình khác trong Hoàng thành Huế được xây dựng vào thế kỷ 19 theo phong cách đặc trưng của Việt Nam, điện Kiến Trung, được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, mang sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc châu Âu và Á Đông. Tọa lạc trên trục thần đạo, chạy qua trung tâm của Tử Cấm thành, bên ngoài điện nổi bật với các phù điêu được đắp nổi tinh xảo. Kiến trúc của điện hòa quyện giữa phong cách Pháp, Phục hưng Ý, và một chút cổ điển của Việt Nam. Đặc biệt, mặt tiền của điện sử dụng gốm sứ nhiều màu, một nghệ thuật đặc trưng của cung đình Huế.
Trước điện là một khu vườn cảnh nổi bật với ba cầu thang đắp rồng dẫn lên thềm điện. Mặt tầng chính của điện được trổ 13 cửa hiên; gian giữa có 5 cửa, hai gian bên mỗi gian có 3 cửa, và hai góc điện mỗi bên có hai cửa nhô ra. Mái ngói trên cùng được trang trí lan can khảm sành sứ, với các họa tiết mang phong cách Việt Nam.
Sau khi vua Khải Định qua đời, điện Kiến Trung đã được tu sửa với nhiều tiện nghi mang phong cách phương Tây, bao gồm cả buồng tắm hiện đại. Đây cũng là nơi sinh sống của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương.
Điện Kiến Trung giữa nhịp chảy hiện đại
Năm 2019, tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt ngân sách gần 124 tỷ đồng (khoảng 5,5 triệu USD) để phục dựng điện Kiến Trung trên nền móng cũ. Công trình vĩ đại này hoàn thành và mở cửa đón du khách đúng vào dịp Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn.
Điện Kiến Trung là công trình đầu tiên được phục dựng nguyên vẹn sau 30 năm kể từ khi quần thể di tích Kinh thành Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phục dựng từ một đống hoang tàn đổ nát sau 72 năm, điện Kiến Trung hiện nay là một biểu tượng sống động của lịch sử và văn hóa Huế.
Bắt đầu khôi phục từ tháng 2/2019, sau 5 năm, điện Kiến Trung đã tái hiện vẻ đẹp nguy nga và rạng rỡ, thu hút mọi du khách yêu lịch sử, văn hóa và du lịch khi đến với Huế. Nằm tại số 32 đường Đặng Thái Thân, phường Phú Hậu, TP. Huế, công trình này gây ấn tượng mạnh mẽ ngay từ cái nhìn đầu tiên với màu sắc rực rỡ và kiến trúc bề thế. Dù đứng ở bất kỳ góc nào, chỉ cần “giơ nhẹ” điện thoại hoặc máy ảnh là bạn có thể chụp được những bức hình tuyệt đẹp.
Bên trong tòa điện, các vật dụng sinh hoạt bằng gốm sứ được trưng bày tinh xảo trong các tủ kính. Ngoài ra, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều hiện vật giá trị như kiệu rước vua, kỷ vật của vua Khải Định và vua Bảo Đại, cùng các bộ bàn ghế và gốm sứ có nguồn gốc từ phương Tây.
Sau 72 năm, điện Kiến Trung đã được “đánh thức” và trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đến Huế. Công trình này không chỉ là biểu tượng của quá khứ, mà còn tạo động lực phát triển du lịch cho thành phố di sản của Việt Nam.
>> Tỉnh sắp lên thành phố trực thuộc Trung ương ra mắt dịch vụ thực tế ảo cho khách tham quan