Với liên tiếp các thương vụ mua lại các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam, DB Insurance, công ty bảo hiểm của Hàn Quốc đang cho thấy những tham vọng lớn.
Liên tiếp các thương vụ mua lại
DB Insurance, một công ty bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu của Hàn Quốc, mới đây đã thông báo rằng họ đã ký thỏa thuận mua lại 75% cổ phẩn của Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn-Hà Nội (BSH), công ty chiếm thị phần lớn thứ 9 trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và thương vong (P&C) tại Việt Nam.
BSH, có trụ sở tại Hà Nội, được thành lập vào năm 2008. Tính đến năm 2022, công ty này chiếm 4,5% thị phần, xếp thứ 9 trong số 32 công ty bảo hiểm trong lĩnh vực P&C. Trong khi đó, các hoạt động kinh doanh của DB Group tại Việt Nam được dẫn dắt bởi DB Insurance, một đơn vị bảo hiểm tài sản và thương vong của DB Group. Thương vụ mới nhất này là lần thứ ba công ty của Hàn Quốc thâu tóm các công ty bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam.
Trong năm 2015, DB Insurance đã mua lại 37,32% cổ phần của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), công ty đứng thứ 5 về thị phần trên thị trường bảo hiểm P&C, đưa công ty này lên vị trí thứ 3 về thị phần hiện nay tại Việt Nam.
Ngoài ra, để củng cố nền tảng kinh doanh tại Việt Nam, vào tháng 2 năm nay, công ty đã ký một thỏa thuận mua 75% cổ phần của Bảo hiểm Hàng không Quốc gia Việt Nam (VNI), công ty đứng thứ 10 về thị phần. Và giờ đây, thông qua hợp đồng mới nhất với BSH, công ty Hàn Quốc đã có thể mở rộng khả năng kinh doanh của mình thông qua ba công ty bảo hiểm P&C tại Việt Nam.
Trên thực tế, DB Insurance tiếp tục khám phá các chiến lược tăng trưởng toàn cầu để vượt qua giới hạn tăng trưởng của thị trường bảo hiểm tại Hàn Quốc do suy giảm dân số và bão hòa thị trường. Đặc biệt, xét đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao, dân số trẻ, sự cởi mở với bên ngoài và khả năng tiếp cận với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, công ty xác định Việt Nam là thị trường ưu tiên trong khu vực và quyết định củng cố hơn nữa nền tảng kinh doanh của mình trên thị trường bảo hiểm trong nước.
“Chúng tôi sẽ hoàn tất quá trình mua lại, bao gồm các phê duyệt trong nước và quốc tế, càng sớm càng tốt, và chúng tôi sẽ tích cực theo đuổi việc thiết lập một cơ cấu quản lý ổn định và nâng cao khả năng cạnh tranh kinh doanh dựa trên kinh nghiệm phát triển của PTI”, một quan chức của DB Insurance cho biết.
Thị trường nhiều tiềm năng
Theo báo cáo của các nhà phân tích dữ liệu GlobalData, thị trường bảo hiểm Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8,5%. Con số này dự kiến sẽ chuyển từ 60,15 nghìn tỷ đồng (2,6 tỷ USD) vào năm 2021 lên 90,24 nghìn tỷ đồng (3,5 tỷ USD) vào năm 2026, xét về tổng phí bảo hiểm gốc (GWP).
Trong đó, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam được thống trị bởi 5 công ty chủ chốt, chiếm đến 53,27% doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ vào năm 2021. Dẫn đầu là bảo hiểm Bảo Việt và Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI), xếp ngay sau là Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) hiện là công ty thuộc về DB Insurance.
Có thể nói, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện vẫn có sức hút nhất định đối với dòng vốn ngoại dù lợi nhuận mảng này hầu hết sụt giảm trong năm qua và thị trường không còn khả quan. Nhưng, với bản cập nhật gần đây nhất của Luật Kinh doanh Bảo hiểm, các doanh nghiệp nước ngoài được phép sở hữu toàn bộ hoạt động của họ tại Việt Nam, điều này sẽ giúp họ kiểm soát tốt hơn dòng vốn.
Nhìn chung, với tỷ lệ thâm nhập chỉ là 3,38%, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Điều này cùng với dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, có thể mang đến cho các công ty bảo hiểm cơ hội lớn để tham gia thị trường rất tiềm năng với tăng trưởng có lãi.
10 nhóm đối tượng đặc biệt được chi trả BHYT từ ngân sách Nhà nước, nắm rõ để bảo vệ quyền lợi
Công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội 2 tỷ đồng, nghệ sĩ Quyền Linh nói gì?