'Thần đồng' Toán học 16 tuổi đỗ thủ khoa đại học nhưng rồi bị đuổi khỏi trường, 60 tuổi cô độc không vợ con, phải sống dựa vào trợ cấp 1,3 triệu đồng/tháng
Từng là thủ khoa đại học nhưng sau này ông phải sống phụ thuộc vào tiền trợ cấp của chính phủ.
Lưu Hán Thanh sinh năm 1964 tại một ngôi làng nhỏ nghèo khó ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Dù gia đình không dư dả, cha mẹ Lưu Hán Thanh luôn tin vào tài năng xuất chúng của con trai và sẵn sàng hy sinh mọi thứ để ông được học hành đầy đủ.
Ngay từ khi còn nhỏ, Lưu Hán Thanh đã say mê toán học đến mức vượt xa những kiến thức được dạy trong trường. Năm 11 tuổi, ông tự học và nắm vững những khái niệm toán học mà người lớn cũng phải nể phục.
Đến năm 1980, khi mới 16 tuổi, Lưu xuất sắc hoàn thành chương trình phổ thông và bước vào kỳ thi đại học. Với năng lực vượt trội, ông trúng tuyển vào Đại học Công nghiệp Cáp Nhĩ Tân, chuyên ngành khoa học vật liệu với vị trí thủ khoa. Thành tích của Lưu trở thành niềm tự hào lớn lao, không chỉ của gia đình mà còn của cả ngôi làng nhỏ nơi ông lớn lên.
Mọi người đều tin rằng Lưu Hán Thanh sẽ có một tương lai rực rỡ, nhưng những năm tháng đại học của ông lại không diễn ra như mong đợi. Bước ngoặt xảy ra vào năm thứ ba, khi Lưu tình cờ biết đến Giả thuyết Goldbach – một bài toán kinh điển của nhà toán học nổi tiếng Christian Goldbach. Sự đam mê toán học bùng cháy mãnh liệt, khiến Lưu quyết định gác lại toàn bộ các môn học chuyên ngành để dồn tâm sức nghiên cứu bài toán này.
Từ đó, cuộc sống của Lưu gần như chỉ xoay quanh thư viện. Ông tự đặt ra lịch trình khắc nghiệt, chỉ ngủ hai tiếng mỗi ngày và dành toàn bộ thời gian còn lại để đào sâu vào các con số. Nhà trường nhận thấy niềm đam mê cháy bỏng của Lưu nên đã tạo điều kiện cho ông làm việc tại khoa Toán, đồng thời yêu cầu các giảng viên theo dõi tiến trình nghiên cứu của cậu sinh viên đầy tham vọng.
Tuy nhiên, các giảng viên nhanh chóng nhận ra rằng phương pháp suy luận của Lưu có nhiều lỗ hổng và thiếu cơ sở ngay từ bước khởi đầu. Bất chấp những cảnh báo và góp ý từ họ, Lưu vẫn cố chấp với cách tiếp cận riêng, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên.
Thành tích học tập của Lưu Hán Thanh trong các môn chuyên ngành ngày càng sa sút nghiêm trọng. Trưởng khoa và cố vấn học tập nhiều lần thúc giục ông tập trung trở lại vào các môn chính nhưng mọi lời khuyên đều vô ích. Cuối cùng, Lưu không thể đáp ứng yêu cầu của chương trình học và buộc phải thôi học trước khi tốt nghiệp.
"Hán Thanh rất thông minh, thành tích hai năm đầu đại học rất xuất sắc. Nhưng từ khi bị ám ảnh bởi toán học, cậu ấy đã hoàn toàn bỏ qua các môn học chuyên môn", trưởng khoa nói khi mời cha Lưu đến trường thông báo kết quả.
Năm 1985, khi các bạn cùng khóa lần lượt được phân công làm việc tại Bộ Công nghiệp Hàng không Vũ trụ hoặc các doanh nghiệp lớn, Lưu Hán Thanh lặng lẽ trở về quê nhà.
Trở lại làng quê, Lưu không tìm việc làm cũng không phụ giúp cha mẹ ngoài đồng ruộng. Thay vào đó, ông tiếp tục vùi mình vào nghiên cứu Giả thuyết Goldbach. Lúc đầu, cha mẹ Lưu ủng hộ và đặt niềm tin tuyệt đối vào con trai, hy vọng một ngày ông sẽ làm nên chuyện lớn. Nhưng năm tháng trôi qua, sức khỏe của họ dần suy giảm còn những nỗ lực của Lưu vẫn không mang lại kết quả, khiến niềm tin ấy ngày một lung lay.
Trong suốt 30 năm, Lưu Hán Thanh chỉ viết được duy nhất một bài báo khoa học. Một người bạn đã giúp ông đăng bài lên mạng xã hội quốc tế, hy vọng nhận được ý kiến đóng góp từ các chuyên gia. Tuy nhiên, phản hồi từ một Tiến sĩ toán học người Phần Lan là "bài báo có quá nhiều sai sót và không đạt tiêu chuẩn của một công trình khoa học".
Đến năm 2007, sức khỏe của Lưu Hán Thanh ngày càng sa sút nghiêm trọng, không còn đủ sức thức trắng đêm để nghiên cứu như trước. Một năm sau, vào năm 2008, một trường học trong thị trấn ngỏ lời mời ông làm giáo viên tiểu học. Nhưng Lưu đã từ chối với lý do sức khỏe không cho phép vì căn bệnh ngày càng trở nặng.
Hiện tại, Lưu sống cô độc không vợ không con trong một ngôi nhà cũ kỹ và đổ nát, bên trong chỉ còn lại một bóng đèn le lói trong bếp, không có bất kỳ món đồ nào giá trị. Cuộc sống của ông phụ thuộc hoàn toàn vào khoản trợ cấp sinh hoạt 400 tệ mỗi tháng (khoảng 1,3 triệu đồng), đủ để cầm cự qua ngày. Thi thoảng ông làm ruộng để có thu nhập.
Ngôi nhà của Lưu Hán Thanh. Ảnh: Internet
Cuộc sống của Lưu Hán Thanh dường như giậm chân tại chỗ suốt nhiều năm, thậm chí ngày càng nhuốm màu u ám hơn. Từng là niềm hy vọng lớn lao, giờ đây cha mẹ Lưu Hán Thanh đành cam chịu sự thật rằng con mình sẽ không bao giờ thay đổi. Họ lặng lẽ chấp nhận gánh vác cuộc đời của Lưu, như một trách nhiệm kéo dài đến khi sức cùng lực kiệt.