Việc một số nhóm cổ phiếu tăng nóng - giảm sâu và lại tăng mạnh trong thời gian gần đây (đặc biệt là nhóm đầu cơ và dòng bất động sản) đã khiến nhà đầu tư đang nắm giữ hoang mang trong các quyết định mua bán.
Kết phiên 9/2/2022, thị trường bất ngờ ghi nhận sắc tím tại nhóm cổ phiếu đầu cơ dòng bất động sản khi nhóm này quay ngoắt 180 độ từ gam màu đỏ và "xanh sàn" (thời điểm nửa đầu phiên sáng) sang xanh lá và tím khi đóng cửa.
Cụ thể, sau những nhịp điều chỉnh mạnh, "nằm sàn" hai phiên liền trước, cổ phiếu L14 hôm nay bất ngờ leo nhanh từ mức giá đỏ 280.000 đồng lên giá trần 338.500 đồng khi kết phiên.
Ấn tượng hơn, các mã CEO, DRH và DIG từ vùng giá gây hoang mang cho các nhà đầu tư đã đảo chiều tăng trần sau khi về đáy phiên đã khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi bất ngờ. Những mã khác như QCG, HDC, SCR, CII cũng hồi phục nhanh từ vùng giá thấp để tăng hết biên độ trước khi thu hẹp đà tăng lúc kết phiên.
Việc những nhóm cổ phiếu tăng nóng - điều chỉnh mạnh và hồi trở lại trong thời gian này không khỏi khiến nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ đặt ra nhiều nghi ngại. Câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu đà tăng có thể kéo dài bao lâu và có thể duy trì tăng đến mức nào? Những nhà đầu tư chẳng may kẹp hàng khi đu nhầm đỉnh giá có cơ hội thu hồi được vốn?
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư nên gạt bỏ trạng thái đang thua lỗ hoặc đang có lãi để nhìn nhận rõ các vấn đề.
Thứ nhất, các doanh trên có quỹ đất sạch như thế nào? Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi theo hướng "tát nước theo mưa", cách thức định giá đơn giản chỉ là nhân quỹ đất với giá thị trường để ra vốn hóa doanh nghiệp trong khi quỹ đất đó còn nhiều vấn đề về mặt pháp lý.
Thứ hai là cần xem xét lại năng lực triển khai dự án của doanh nghiệp như thế nào? Quỹ đất lớn là một phần nhưng để tạo ra dòng tiền thì nó lại là xoay quanh vấn đề triển khai dự án. Nếu năng lực triển khai dự án không tốt, dự án tồn đọng nhiều năm và không tạo ra giá trị thặng dư cho cổ đông thì sẽ không phải là khoản đầu tư tốt.
Cuối cùng là cần xem khả năng bán hàng, hấp thụ của thị trường như thế nào. Nếu không bám vào nhu cầu thực mà chỉ đơn giản mua đi bán lại hưởng chênh lệch giá thì sẽ khó bền vững.
Sau khi trả lời được 3 câu hỏi trên, nếu doanh nghiệp chưa có vấn đề gì ở các khâu trên thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ. Ngược lại, nếu không đáp ứng thì ông Khoa khuyên nhà đầu tư nên tranh thủ các nhịp hồi phục để bán, tránh bị kẹp vốn lâu dài - có khi tới hàng năm và vài năm.