Với diện tích khoảng 4km2, đây được ví như "thành phố bát quái lớn nhất thế giới".
Tân Cương (Trung Quốc) có một thành phố vô cùng kỳ lạ, mặc dù diện tích khá nhỏ nhưng được ví là mê cung có kết cấu đặc biệt. Đó là thành phố Tekes, hay tên gọi phiên âm theo tiếng Trung là Đặc Khắc Tư.
Với diện tích khoảng 4km2, đây được ví như "thành phố bát quái lớn nhất thế giới". Từ quảng trường bát quái ở trung tâm, thành phố Tekes có tám con đường chính gồm Càn, Khôn, Tốn, Chấn, Khảm, Ly, Cấn, Đoái, mở rộng ra khắp mọi hướng. 8 con phố này kết nối với 4 tuyến đường vành đai lớn, mở rộng dần từ vùng trung tâm tới ngoại ô thành phố.
Thành phố Tekes nhìn từ trên cao |
Theo trang Oddity Central (Anh), “bát quái” là khái niệm phức tạp của Đạo giáo, được hiểu là 8 biểu tượng đặc trưng của vũ trụ - gồm thiên văn, địa lý, giải phẫu học, võ thuật, y học và các lĩnh vực khác. Thuật ngữ này cũng đóng vai trò quan trọng trong phong thủy và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của con người.
Đây cũng là một công cụ thiết yếu trong đa số các trường phái phong thủy, được sử dụng để chọn hướng tốt cho một căn phòng hoặc một địa điểm. Nhưng hiếm khi người ta dùng bát quái để quy hoạch một thành phố. Tekes, khu vực 150.000 dân ở khu tự trị Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc, đã trở thành ngoại lệ đầu tiên.
Toàn thành phố được xây 3 vành đai vàng. Vành đai thứ nhất là quảng trường lớn, vành đai thứ 2 là các tòa nhà dịch vụ công cộng và cửa hàng, vành đai thứ 3 chính là nhà ở của cư dân.
Thành phố bát quái được thiết kế theo dạng, cứ khoảng 360m thì lại đặt một cung tròn. Từ trung tâm hướng ra ngoài sẽ có bốn đường tròn. Ở trong cung tròn đầu tiên có 8 cung đường, vòng 2 chia thành 16 tuyến đường, vòng thứ 3 chia thành 32 ngả, vòng thứ 4 chia thành 64 ngả.
Thành phố bát quái được thiết kế theo dạng, cứ khoảng 360m thì lại đặt một cung tròn |
Toàn bộ các hệ thống này tạo ra đúng chuẩn bát quái 64 thẻ. Bởi vậy, dù lần đầu tiên tới đây, dù không biết đường, du khách cũng không lo bị đi lạc.
Thành phố không có đèn giao thông
Năm 1996, chính quyền địa phương đã tháo bỏ toàn bộ hệ thống đèn giao thông ở Tekes. Như vậy, đây là thành phố đầu tiên và duy nhất ở Trung Quốc không có đèn giao thông. Các chuyên gia hoạch định phân tích, nhờ sở hữu các đường liên tiếp và tương thông nên thành phố không xảy ra hiện tượng tắc nghẽn giao thông, dù vào giờ cao điểm.
Tuy nhiên, CCTV cho biết do người dân ở Tekes ngày càng sử dụng nhiều phương tiện cá nhân, nên cũng khó duy trì tình trạng không tắc đường. Vì vậy, tại một số điểm giao cắt, gần như phải luôn có cảnh sát giao thông điều hướng để đảm bảo việc đi lại được thông suốt. Ngoài ra, dù không có cột đèn giao thông cố định nhưng vào những giờ cao điểm, Tekes cũng có những cột đèn giao thông di động được đặt ở những điểm đông đúc để tránh tắc đường.
Năm 1996, chính quyền địa phương đã tháo bỏ toàn bộ hệ thống đèn giao thông ở Tekes |
Nhìn từ trên cao, có thể thấy trung tâm là một quảng trường và tỏa ra 8 đường phố chính, mỗi con đường dài 1,2km dẫn tới các hướng khác nhau nên nước lũ dù đến từ hướng nào cũng sẽ rút nhanh. Do đó, thành phố cho dù xảy ra mưa lớn đột ngột cũng không sợ bị ngập úng. Điều này được kiểm chứng qua những vụ mưa lũ từng diễn ra trước đó.
Ví dụ như vào tháng 3/2001, khu vực Turk Bakas cách thành phố này chừng 16,5km xảy ra lũ quét, làm hỏng nhiều công trình lớn, nhưng riêng thành phố này lại không bị ảnh hưởng gì.
Tekes được đưa vào danh sách thành phố lịch sử và văn hóa của Tân Cương, sau đó được nhà nước Trung Quốc công nhận là thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia năm 2007.