Thành phố chiếm gần 10% dân số Việt Nam đề xuất thưởng tiền triệu cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi
Mức hỗ trợ này được Thành phố tính toán dựa trên chi phí y tế khi mang thai và sinh con.
Theo báo Dân trí, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa X diễn ra sáng 9/12, ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã trình bày báo cáo về các tờ trình của chính quyền thành phố, trong đó có nội dung liên quan đến chính sách khen thưởng và hỗ trợ tập thể, cá nhân thực hiện hiệu quả công tác dân số trên địa bàn.
Đề xuất mới được đưa ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng dân số tại TPHCM đang chậm lại, với tổng tỷ suất sinh thấp, chỉ đạt mức 1,32 con/phụ nữ.
Theo đề xuất, các xã liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con sẽ được nhận giấy khen từ Chủ tịch UBND cấp huyện, kèm theo mức hỗ trợ 30 triệu đồng. Nếu đạt tiêu chí này trong 5 năm liên tiếp, các xã sẽ được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cùng mức hỗ trợ 60 triệu đồng.
Về chính sách hỗ trợ cá nhân, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi sẽ được nhận hỗ trợ một lần 3 triệu đồng, căn cứ trên chi phí y tế cho việc mang thai và sinh con.
Đối với việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, các xã có 100% ấp đưa nội dung này vào hương ước, quy ước sẽ được khen thưởng bằng giấy khen từ Chủ tịch UBND cấp huyện, cùng khoản hỗ trợ 1 triệu đồng.
Ngoài ra, thành phố cũng dự kiến hỗ trợ phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, hoặc sinh sống tại xã đảo 2 triệu đồng cho các hoạt động tầm soát trước sinh, tầm soát sơ sinh và một số khoản hỗ trợ khác.
Bên cạnh đó, TPHCM còn triển khai nhiều đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ người cao tuổi và đối phó với tình trạng mức sinh thấp. Theo đó, các xã đạt tiêu chí 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ sẽ được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen kèm theo hỗ trợ 30 triệu đồng. Ngoài ra, các cộng tác viên dân số tại ấp hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu trong công tác vận động và theo dõi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng sẽ được nhận giấy khen từ Chủ tịch UBND cấp xã.
Nếu những chính sách này được thông qua, ngân sách của TPHCM dự kiến sẽ chi hơn 198,5 tỷ đồng trong vòng 5 năm.
Năm 2023, mức sinh trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại TPHCM chỉ đạt 1,32 con. Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, tình trạng mức sinh thấp kéo dài đang đặt ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, nguy cơ thiếu hụt lao động và những ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống an sinh xã hội.
Theo UBND TPHCM, các mô hình nhân khẩu học đã chỉ rõ, mức sinh thấp sẽ tác động đáng kể đến cơ cấu dân số của thành phố trong tương lai. Với điều kiện kinh tế tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa và mức độ hội nhập quốc tế ngày càng tăng cao, việc duy trì mức sinh thấp kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lao động mà còn gây áp lực lớn lên các chính sách xã hội.
Hiện nay, TPHCM đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với hơn 1,1 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 12,05% tổng dân số. Tình trạng này là kết quả của mức sinh và mức chết thấp, trong khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng. Điều này đồng nghĩa với việc thời gian sống sau nghỉ hưu kéo dài, gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và trợ cấp lương hưu của thành phố.
Những thách thức này đòi hỏi TPHCM cần có các giải pháp kịp thời và hiệu quả để cân bằng cơ cấu dân số, đảm bảo nguồn lực lao động và duy trì an sinh xã hội trong tương lai.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và dựa vào chỉ số GDP bình quân đầu người, năm 2023, trong số 63 tỉnh thành trong cả nước, TP. Hồ Chí Minh là tỉnh có GDP bình quân đầu người cao thứ hai (sau tỉnh Bình Dương) và cao thứ nhất trong số các thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam với 107 triệu đồng/người/năm. Theo Vietnamnet, đây cũng là địa phương có tổng số dân đông nhất cả nước hiện nay với hơn 9,3 triệu người, chiếm gần 10% dân số cả nước. |
TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số vào năm 2025
TPHCM: Lớp mù dày đặc bao phủ toàn thành phố, cảnh báo bụi ô nhiễm