Bất động sản

Thành phố đông dân nhất Việt Nam sắp có tuyến đường ven sông dài 176km

Việt Hoàng 18/07/2025 - 20:00

Tuyến đường này là trục cảnh quan ven sông, kết nối các khu đô thị, cảng thủy nội địa như An Sơn, An Tây…, hình thành hành lang phát triển đô thị mới kết hợp giữa giao thông, không gian xanh, dịch vụ và thương mại ven sông.

Theo Báo Thanh Niên, Sở Xây dựng TP. HCM cho biết tuyến đường ven sông Sài Gòn hiện nay được quy hoạch với hai hướng tuyến. Trong đó, tuyến số 1 là trục chính đô thị theo hướng Bắc - Nam nằm trên địa bàn TP. HCM.

Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, trục ven sông Sài Gòn - Huỳnh Tấn Phát có quy mô từ 4-8 làn xe, tổng chiều dài 78,2km, kéo dài từ ranh giới tỉnh Tây Ninh đến xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ cũ).

Hiện TP. HCM đang triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng đoạn từ cầu Ba Son đến cầu Sài Gòn với chiều dài 1,95km, mặt cắt rộng 31-33m, dự kiến sử dụng vốn ngân sách thành phố.

Ven sông Sài Gòn. Nguồn ảnh: Báo Lao Động
Ven sông Sài Gòn. Nguồn ảnh: Báo Lao Động

Mục tiêu của tuyến đường này là hình thành một trục giao thông mới dọc theo hành lang Bắc - Nam, nối liền từ phía Bắc qua khu trung tâm TP. HCM đến phía Nam qua cầu Cần Giờ, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm.

Tuyến đường cũng góp phần chia sẻ áp lực giao thông cho các trục cửa ngõ Bắc - Nam hiện hữu.

Đồng thời, nó còn kết nối với các tuyến Vành đai 2, 3, 4, cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, TP. HCM - Chơn Thành, cùng với các trục ngang liên kết Bình Dương (cũ) qua cầu Phú Long, cầu Phú Cường, cầu Bến Súc… Tất cả tạo nên một hướng kết nối mới, góp phần giảm tải đáng kể cho Quốc lộ 13.

Sở Xây dựng TP. HCM đánh giá tuyến đường ven sông Sài Gòn không chỉ mở ra một trục giao thông chiến lược mà còn tạo điều kiện phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, đồng thời tạo điểm nhấn cảnh quan sông nước, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Việc khai thác quỹ đất dọc tuyến sau khi hoàn thành cũng hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, phục vụ tái đầu tư và phát triển địa phương.

>> Đề xuất ‘lên đời’ tuyến đường sở hữu cung đèo tử thần của Việt Nam sau 20 năm khai thác

Trong khi đó, tuyến số 2 thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương cũ có tổng chiều dài khoảng 98,2km, nền đường rộng 32m. Đây là một trong những tuyến hạ tầng trọng điểm mà TP. HCM định hướng đầu tư trong giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn sau 2030.

Tuyến số 2 chạy dọc theo sông Sài Gòn, từ huyện Dầu Tiếng (cũ) đến TP. Thủ Đức (cũ), đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải áp lực cho Quốc lộ 13 - vốn thường xuyên quá tải và ùn tắc.

Ngoài chức năng giao thông, tuyến đường này còn là trục cảnh quan ven sông, kết nối các khu đô thị, cảng thủy nội địa như An Sơn, An Tây…, hình thành hành lang phát triển đô thị mới kết hợp giữa giao thông, không gian xanh, dịch vụ và thương mại ven sông.

Đồng thời, tuyến đường cũng giữ vai trò liên kết chiến lược với các tuyến Vành đai 3, 4 và hệ thống logistics đường thủy, tạo tiền đề mở rộng không gian đô thị về phía Đông và Đông Bắc TP. HCM, hướng đến một đô thị sinh thái, hiện đại và bền vững.

Với việc sáp nhập địa giới với hai địa phương lân cận là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM chính thức trở thành thành phố có dân số đông nhất Việt Nam, với khoảng 14 triệu người và diện tích 6.772,59km2. Đây chỉ là sự mở rộng đơn thuần về quy mô, mà còn là bước đi chiến lược để hình thành một “siêu đô thị” đa trung tâm, liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ và cảng biển.

>> Đồng Tháp sắp khởi công tuyến đường ven biển gần 6.000 tỷ

Tuyến đường ven con sông nội địa dài nhất Việt Nam sẽ nhường đất cho biệt thự cổ 100 năm tuổi

Hà Nội sắp có thêm 2 tuyến đường sắt trên cao, nâng tầm giao thông công cộng Thủ đô

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/thanh-pho-dong-dan-nhat-viet-nam-sap-co-tuyen-duong-ven-song-dai-176km-202250718145625095.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thành phố đông dân nhất Việt Nam sắp có tuyến đường ven sông dài 176km
    POWERED BY ONECMS & INTECH