Điểm đến

Thành phố lớn nhất Việt Nam có hơn 1 triệu người cao tuổi, già hoá dân số nhanh, tuổi thọ trung bình 76,5 tuổi

Thanh Thanh 24/01/2024 - 14:53

Được biết, tuổi thọ bình quân người dân thành phố này nhiều hơn ba tuổi so với trung bình cả nước.

TP HCM đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, đứng đầu cả nước về kinh tế, dân số và đứng thứ hai về diện tích. Tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số TP HCM đang diễn ra nhanh và dồn dập. Cụ thể, tuổi thọ bình quân người dân TP HCM là 76,5, nhiều hơn ba tuổi so với trung bình cả nước (73,7).

Sở dĩ tốc độ già hóa dân số của TP HCM diễn ra rất nhanh do chịu tác động sâu sắc của mức sinh giảm rất sâu, tỷ lệ tử vong thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao. Cụ thể, hiện TP HCM có hơn 1,3 triệu người trên 60 tuổi, chiếm trên 12% dân số. Tuổi thọ bình quân người Việt nói chung là 73,7, người dân TP HCM là 76,5. Mức sinh tại thành phố thấp nhất nước với 1,27 con/phụ nữ, theo Cục Thống kê năm 2023.

Lãnh đạo ngành y tế nhìn nhận hệ thống chăm sóc sức khỏe tại thành phố vẫn chưa thích ứng già hóa dân số nhanh. Môi trường thân thiện với người cao tuổi, các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được triển khai đồng bộ và mang tính lâu dài.

Hiện, TP HCM có 24 cơ sở bảo trợ và nhà dưỡng lão, cả công lập lẫn tư nhân. Rất ít người cao tuổi được chăm sóc trong các cơ sở tập trung, chỉ hơn 0,5%, trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại thành phố vẫn chưa thích ứng già hóa dân số nhanh. Hình minh hoạ

Hệ thống chăm sóc sức khỏe tại thành phố vẫn chưa thích ứng già hóa dân số nhanh. Hình minh hoạ

Các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh thế hệ con một phổ biến, người cao tuổi ngày càng không có người chăm sóc, con cháu ít ở gần ông bà, ít giao tiếp dẫn đến dễ cô đơn, trầm cảm. Do đó, thành phố cần có những chính sách, chương trình hành động cụ thể, phối hợp nhiều ban ngành đáp ứng theo tình trạng sức khỏe người cao tuổi.

Phát triển mô hình viện dưỡng lão

Liên quan đến vấn đề này, thông tin trên Báo Lao động Thủ đô cho biết, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP.HCM cho rằng, xu hướng phát triển của mô hình viện dưỡng lão ở Việt Nam là xu thế tất yếu. Trong tương lai sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đáp ứng đủ, chất lượng nhu cầu đang ngày càng tăng của người cao tuổi, tạo ra môi trường chăm sóc và sinh hoạt tối ưu cho họ.

Phó Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP.HCM cho rằng, xu hướng phát triển của mô hình viện dưỡng lão ở Việt Nam là xu thế tất yếu. Hình minh hoạ

Phó Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi TP.HCM cho rằng, xu hướng phát triển của mô hình viện dưỡng lão ở Việt Nam là xu thế tất yếu. Hình minh hoạ

Theo bà Lệ, để phát triển mô hình này, cần có chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng, thành lập các cơ sở nuôi dưỡng người cao tuổi như giao đất, miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất.

Điều này nếu thực hiện sẽ giảm bớt rào cản về giá khi người cao tuổi tham gia ở các viện dưỡng lão, bởi hiện giá thu có nơi trên 20 triệu đồng 1 tháng, đa số người cao tuổi rất khó tiếp cận, bà Lệ thông tin thêm.

Một số giải pháp để thích ứng được bà Mỹ Lệ nêu ra như vận động con cháu, xã hội hóa và ngân sách nhà nước hỗ trợ để tất cả người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)vì hiện tỉ lệ người cao tuổi tham gia BHYT mới chỉ chiếm 90%-95%.

Bên cạnh đó, cho người từ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp, hạ độ tuổi hưởng chính sách xuống 75 tuổi thay vì 80 tuổi; đề nghị Nhà nước tăng mức tiền hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện; tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho các cơ sở dưỡng lão hiện hữu và tăng số lượng cơ sở dưỡng lão công lập; tiếp tục có chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nhân lực chuyên môn ngành y, tâm lý học để phục vụ cơ sở dưỡng lão; các bệnh viện cần có khoa lão khoa để theo dõi sức khỏe của người cao tuổi…

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, 99,5% người cao tuổi chủ yếu được chăm sóc ở nhà, một số ít người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa hoặc diện chính sách sẽ được chăm sóc trong các cơ sở tập trung.

Theo Thạc sĩ Thành, để đảm bảo chất lượng chăm sóc người cao tuổi đòi hỏi cần sự trợ giúp, đầu tư lớn hơn nữa từ Nhà nước, cộng đồng và trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi cần được chuyển dần từ gia đình sang xã hội.

Hiện nay, TP.HCM đã triển khai một số hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như thí điểm khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi tại các trạm y tế trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây; lập hồ sơ sức khỏe điện tử xác định mô hình sức khoẻ bệnh tật, chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi nhằm kịp thời phát hiện và quản lý điều trị bệnh

Khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi nhằm kịp thời phát hiện và quản lý điều trị bệnh

Đặc biệt, năm 2024, thành phố sẽ lên kế hoạch khám sức khỏe miễn phí cho tất cả người cao tuổi để xác định mô hình bệnh tật, chủ động can thiệp sớm, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

>> Một thành phố phía Bắc Việt Nam sẽ là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới vào năm 2050

Biến thể Covid-19 khiến nhiều người tử vong ở Thái Lan đã xuất hiện tại TP.HCM

"Bài toán" già hóa lao động của Hàn Quốc

TP HCM đối phó với tình trạng mất an ninh tại các hầm đi bộ

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/thanh-pho-lon-nhat-viet-nam-co-hon-1-trieu-nguoi-cao-tuoi-gia-hoa-dan-so-nhanh-tuoi-tho-trung-binh-765-tuoi-d115363.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thành phố lớn nhất Việt Nam có hơn 1 triệu người cao tuổi, già hoá dân số nhanh, tuổi thọ trung bình 76,5 tuổi
POWERED BY ONECMS & INTECH