Thành phố tắc đường nhất thế giới thu phí tắc nghẽn giao thông, cao nhất 550.000 đồng/lượt
Thành phố New York đã trở thành địa phương đầu tiên tại Mỹ áp dụng chương trình thu phí tắc nghẽn giao thông, với mục tiêu giảm lượng xe cộ và cải thiện chất lượng không khí đô thị.
Ngày 5/1, thành phố New York đã chính thức triển khai khu vực thu phí tắc nghẽn giao thông, trở thành thành phố đầu tiên tại Mỹ áp dụng biện pháp này nhằm giảm ùn tắc - ô nhiễm không khí và huy động hàng tỷ USD cho việc cải thiện hạ tầng giao thông đô thị.
Kế hoạch gây tranh cãi này từng bị trì hoãn nhiều năm do vấp phải các thách thức pháp lý và sự phản đối, bao gồm áp lực từ chính quyền nhiệm kỳ trước của ông Donald Trump.
Khu vực giảm tắc nghẽn (CRZ) bao gồm các khu vực Hạ Manhattan và Trung tâm Manhattan, nơi các phương tiện phải trả phí để hạn chế giao thông dày đặc và giảm ô nhiễm không khí. Đây được xem là một bước tiến quan trọng nhằm cải thiện chất lượng không khí và giảm tình trạng tắc nghẽn tại thành phố đông dân nhất nước Mỹ.
Mức phí được áp dụng dao động từ 2,25 - 21,6 USD mỗi lượt, tùy thuộc vào loại xe, thời gian trong ngày, và các điều kiện giảm giá hoặc miễn trừ đặc biệt. Cụ thể, vào giờ cao điểm, xe tải nhỏ phải trả 14,40 USD, trong khi xe lớn hơn bị áp mức phí tối đa 21,60 USD (tương đương gần 550.000 đồng). Đối với ngoài giờ cao điểm, mức phí thấp nhất là 2,25 USD vào ban đêm từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng các ngày trong tuần, và từ 9 giờ tối đến 9 giờ sáng vào cuối tuần.
Theo Cơ quan Quản lý Giao thông Vận tải Đô thị New York (MTA), khu vực giảm tắc nghẽn – kéo dài từ Công viên Trung tâm đến mũi phía Nam Manhattan – đã chính thức đi vào hoạt động hoàn toàn vào sáng 5/1.
Chương trình này dự kiến cắt giảm khoảng 10% lượng xe di chuyển vào khu vực mỗi ngày, đồng thời mang lại khoảng 15 tỷ USD cho các dự án cải thiện giao thông công cộng, góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống vận tải và chất lượng cuộc sống tại New York.
Tại một sự kiện đánh dấu sự ra mắt của chương trình thu phí tắc nghẽn giao thông, Chủ tịch Cơ quan Quản lý Giao thông Vận tải Đô thị (MTA) Janno Lieber phát biểu: "Chúng tôi đã làm việc suốt 5 năm qua, nhưng chỉ cần đứng ở trung tâm thành phố trong năm phút, bạn sẽ hiểu chúng tôi cần giải quyết vấn đề giao thông. Bây giờ, New York đang cho thế giới thấy rằng chúng tôi hành động trước những thách thức của mình".
Chương trình từng bị Thống đốc New York Kathy Hochul tạm hoãn do lo ngại việc tăng phí có thể gây bất lợi cho các ứng cử viên Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, khi người dân đang chật vật đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao.
Trong khi đó, bang New Jersey đã tìm cách ngăn chặn thực thi biện pháp này bằng một vụ kiện tại Tòa án liên bang, yêu cầu bồi thường hàng chục triệu USD vì cho rằng lưu lượng giao thông tăng ở khu vực phía bên kia sông Hudson sẽ gây tác hại đến môi trường. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại. Dù vậy, thẩm phán yêu cầu Cục Quản lý Đường bộ Liên bang phải đưa ra ý kiến chính thức về kế hoạch.
Kế hoạch thu phí tắc nghẽn vẫn đối mặt với tương lai không chắc chắn. Các thành viên Đảng Cộng hòa đã kêu gọi Tổng thống đắc cử Donald Trump thu hồi sự chấp thuận từ Liên bang, đồng thời thúc đẩy một dự luật mới nhằm chặn chương trình.
Theo nền tảng giám sát giao thông Inrix, New York hiện là thành phố tắc nghẽn nhất thế giới, với mỗi người lái xe mất trung bình 101 giờ mỗi năm trong cảnh kẹt xe, gây thiệt hại lên đến 9,1 tỷ USD cho nền kinh tế địa phương.
Theo New York Times
>> Hãng hàng không Mỹ nhận án phạt kỷ lục do thường xuyên trễ giờ, hủy chuyến
FBI phá âm mưu tấn công khủng bố lãnh sự quán Israel ở New York
Ùn tắc giao thông ở Hà Nội là do ‘thả rông’ phương tiện cá nhân?