Hôm nay, Việt Nam bắt đầu khai quật khảo cổ tại Di sản văn hóa thế giới nổi tiếng
Công tác khai quật diễn ra từ ngày 16/5 đến ngày 24/12/2025.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã ký quyết định cho phép khai quật khảo cổ tại Nền nhà Pháo binh (CT04) thuộc Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Hoạt động khai quật do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thực hiện, với diện tích 580m², diễn ra trong thời gian từ hôm nay, ngày 16/5 đến ngày 24/12/2025. Chủ trì công tác khai quật là ông Hà Văn Cẩn, Viện Khảo cổ học.
Trước khi tiến hành khai quật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội để được phép phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc tư liệu hóa đầy đủ, thu thập, sắp xếp và lưu trữ trong quá trình hạ giải công trình (CT04) nhằm lưu giữ hồ sơ đầy đủ, tạo điều kiện cho việc nghiên cứu trong tương lai.
Trong quá trình khai quật, các đơn vị được cấp phép có trách nhiệm bảo vệ địa tầng của di tích và thực hiện tuyên truyền về việc bảo vệ di sản văn hóa. Các đơn vị cũng được yêu cầu không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Các hiện vật được phát hiện trong quá trình khai quật sẽ do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội giữ gìn, bảo quản. Đơn vị này cũng phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Bên cạnh CT04, khu vực Nền nhà Cục Tác chiến (CT17) cũng được đề cập trong kế hoạch khảo cổ. Tuy nhiên, việc cấp phép khai quật tại đây sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét sau, khi nội dung hạ giải công trình CT17 phù hợp với Quy hoạch chi tiết Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (tỷ lệ 1/500) sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh, bổ sung.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học có trách nhiệm nộp báo cáo sơ bộ cùng đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực khai quật trong thời gian chậm nhất một tháng. Báo cáo khoa học cần được hoàn thiện và gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong vòng một năm. Trước khi công bố kết quả khai quật, cơ quan được cấp phép phải trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Trước đó, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Di sản văn hóa đề nghị cấp phép khai quật khảo cổ tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trong năm 2025. Hai địa điểm được đề xuất khai quật bao gồm hố khai quật số 1 (H1) nằm toàn bộ tại Nền nhà Pháo binh (CT04), vị trí trung tâm nền điện Kính Thiên hiện nay và hố khai quật số 2 (H2) tại nền nhà Cục Tác chiến.
Hoạt động khảo cổ này nhằm mục tiêu tăng cường hiểu biết về khu di sản và xác định lịch sử cốt lõi nền điện Kính Thiên, tiếp tục củng cố cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, phục dựng không gian chính điện.
Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di tích đầu tiên của Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010 nhờ tính toàn vẹn, tính xác thực và những giá trị nổi bật toàn cầu. Đây không chỉ là một di sản của đất nước và dân tộc Việt Nam mà còn là tài sản của thế giới. Vì vậy, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản này luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và thành phố Hà Nội.