Thấy gì từ làn sóng chỉ trích quán quân Đường lên đỉnh Olympia
Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024 khép lại với chiến thắng của Võ Quang Phú Đức (Trường chuyên Quốc học Huế). Tuy nhiên, một số khán giả không công nhận chiến thắng này và cho rằng nam sinh chiến thắng bằng cách sử dụng “mánh khóe”. Nhiều chuyên gia lên tiếng khẳng định nam sinh đã có lối chơi xuất sắc để đoạt ngôi vương.
Người chiến thắng bỗng nhiên bị chỉ trích
Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024 khép lại với chiến thắng của Võ Quang Phú Đức (Trường chuyên Quốc học Huế). Với tổng điểm 220, nam sinh Trường chuyên Quốc học Huế đã đánh bại ba người leo núi khác để giành vòng nguyệt quế.
Điều đáng nói ở chỗ chiến thắng của Phú Đức không được nhiều người công nhận. Cộng đồng mạng lên tiếng chỉ trích nam sinh sử dụng “mánh khóe” để vượt lên đối thủ.
Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2024 khép lại với chiến thắng của Võ Quang Phú Đức. |
Tại vòng cuối, Phú Đức, Nguyên Phú, Trung Kiên, Nhật Minh lần lượt đạt 235, 215, 145 và 85 điểm. Nhật Minh là người thi chính, lựa chọn câu hỏi 30 điểm nhưng trả lời sai, mở ra cơ hội cho các thí sinh còn lại giành điểm.
Phú Đức nhanh chóng chớp lấy cơ hội và giành quyền trả lời. Câu trả lời của Phú Đức không đúng, cậu bị trừ 15 điểm, nhưng vẫn là người có số điểm cao nhất sau 4 vòng thi và trở thành quán quân.
Nhiều khán giả cho rằng Phú Đức bấm chuông để giành chiến thắng chứ không phải đưa ra câu trả lời. Điều này đồng nghĩa với việc Phú Đức giành chiến thắng bằng cách nhấn chuông nhanh hơn đối thủ.
Một số khán giả cũng bày tỏ sự thất vọng khi nam sinh Trường chuyên Quốc học Huế không nhường cơ hội cho bạn cùng chơi trả lời và dùng tiểu xảo.
Chiến thắng cuối cùng của Phú Đức trong Đường lên đỉnh Olympia 2024 bị nhiều khán giả không công nhận. |
“Phú Đức chơi không đẹp câu cuối cùng. Bạn ấy chơi quá tiểu xảo. Dù không biết câu trả lời vẫn cố tình bấm chuông nhanh để bạn đứng thứ 2 không có hội trả lời. Phú Đức có nói đại cũng bị trừ 15 điểm và vô địch”, “Chiến thắng bằng nhanh tay bấm chuông. Nhanh tay bấm chuông dù biết mình không có đáp án đúng chỉ để cướp đi cơ hội trả lời của những người khác và giành chiến thắng là một chiến thắng không đẹp, không quân tử, không cao thượng”… là bình luận của một số khán giả trên các diễn đàn, trang mạng xã hội về Phú Đức.
Bên cạnh đó, một số khán giả mong muốn chương trình đổi luật chơi để đảm bảo công bằng cho các thí sinh.
Tiểu xảo hay chiến thuật?
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định nhìn từ góc độ lý thuyết trò chơi, hành động của Phú Đức là hợp lý và tối ưu trong bối cảnh của cuộc thi. Theo đó, game show nào cũng có luật chơi riêng, việc tính toán để giành chiến thắng là chuyện thường.
Theo luật chơi của Đường lên đỉnh Olympia nhà tổ chức đã thiết lập một hệ thống trong đó việc bấm chuông giành điểm là hoàn toàn hợp lệ. Vì vậy, hành động "cướp điểm" được coi là chiến thuật thể hiện sự thông minh và tỉnh táo của người chơi trong một khoảnh khắc quyết định.
Chuyên gia tâm lý Đặng Thiên Phong cho rằng ở những cuộc thi trí tuệ như Đường lên đỉnh Olympia, áp lực thời gian và sự căng thẳng tột độ có thể dễ dàng làm lung lay tâm lý của bất kỳ ai.
Chiến thắng của Phú Đức được cho là do bấm chuông nhanh. |
"Nhưng Phú Đức đã chứng minh mình không chỉ thông minh về kiến thức mà còn cả về cách nắm bắt thời điểm và đưa ra những quyết định táo bạo. Câu hỏi cuối cùng không phải là cơ hội để Đức chứng minh khả năng của mình qua câu trả lời đúng/sai, mà là cơ hội để cậu kiểm soát cuộc chơi, bảo vệ vị trí của mình, đảm bảo chiến thắng chung cuộc", chuyên gia tâm lý Đặng Thiên Phong nêu.
Ở vòng thi quyết định cuối cùng, mọi động thái đều ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chung cuộc. Khi giành quyền trả lời, Phú Đức đã đặt trọng tâm vào việc giữ vững thế cục, không để đối thủ lật ngược tình thế. Đây là sự tỉnh táo trong tâm lý và là điều không phải ai cũng có thể làm được dưới áp lực thi đấu đè nặng như vậy.
Phú Đức khá điềm tĩnh trong ngày chung kết. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng. |
"Tôi nhìn thấy sự quyết đoán và tính toán đầy khôn ngoan trong lựa chọn của Phú Đức. Cậu ấy đã dám đưa ra quyết định khó khăn, không sợ bị phán xét và hơn hết, chiến thắng chung cuộc đã chứng minh cho chiến thuật của cậu là đúng đắn", chuyên gia tâm lý Đặng Thiên Phong nhận định.
Vị chuyên gia này nêu quan điểm nhà vô địch không chỉ là người giỏi nhất trong việc trả lời các câu hỏi, mà còn là người biết cách làm chủ cuộc chơi, đưa ra những quyết định táo bạo và chính xác vào thời điểm then chốt. Và Phú Đức đã làm được điều đó.
Rõ ràng trong một cuộc chơi, không người chơi nào muốn thắng cuộc nhờ được nhường. Và cũng không thể yêu cầu sự công bằng trong các chương trình mang tính chiến đấu cao như thế này. Mục tiêu xuyên suốt chương trình là tìm ra người chiến thắng, người chơi vì thế cần tìm cách để nâng cao điểm số của mình một cách nhanh chóng và thông minh nhất.
Phú Đức cũng lên tiếng khẳng định việc lựa chọn giành chuông là chiến thuật cậu rút ra được từ cuộc thi ở quý III. Sau khi giành chiến thắng, Phú Đức đã xin lỗi cộng đồng chuyên toán khi tính sai đáp án cuối cùng.
Quý quân Đường lên đỉnh Olympia 2021 Nguyễn Việt Thái nhấn mạnh fair-play là chơi theo đúng luật và tinh thần của cuộc thi. |
Quý quân Đường lên đỉnh Olympia 2021 Nguyễn Việt Thái nhấn mạnh fair-play không có nghĩa là phải nhường cơ hội cho người khác, mà là chơi theo đúng luật và tinh thần của cuộc thi.
"Luật chơi đã được thiết kế để khuyến khích nâng cao tính chiến thuật, và việc Phú Đức tận dụng các quy tắc này là một phần của trò chơi. Một trong những điểm mạnh của chương trình suốt những năm qua là sự kết hợp giữa kiến thức và chiến thuật. Qua mỗi mùa luật chơi được cải tiến, những chiến thuật mới liên tục được tạo ra khiến cho người chiến thắng xứng đáng không còn chỉ là người biết nhiều nhất mà còn là người sử dụng đấu pháp hợp lý nhất", Nguyễn Việt Thái nêu.
Sự lên án theo số đông
Một số chuyên gia cho rằng phản ứng trái chiều và tấn công tinh thần Phú Đức sau trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia không phải là một điều hiếm gặp trong bối cảnh xã hội hiện nay. Bởi trên mạng xã hội, cảm xúc tiêu cực thường lan truyền nhanh hơn cảm xúc tích cực.
"Điều này liên quan đến cơ chế tâm lý gọi là hiệu ứng bầy đàn hoặc hiệu ứng đám đông. Tâm lý của nhiều người bị ảnh hưởng bởi đám đông và áp lực xã hội, khiến họ cảm thấy rằng chỉ trích hoặc tấn công người khác là cách để thể hiện quyền lực, sự vượt trội hoặc sự đồng thuận với số đông", chuyên gia Đặng Thiên Phong nêu.
Mạng xã hội mang đến cho người dùng cảm giác “an toàn” nên họ sẵn sàng ẩn sau màn hình và bộc lộ những cảm xúc tiêu cực và không phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Điều này khiến nhiều người dễ dàng buông những lời chỉ trích, thậm chí là tấn công tinh thần người khác, không cần suy nghĩ về hậu quả của hành động mình.