Quốc tế

The Economist: Chúng ta đã 'ảo tưởng' về sức mạnh của làm việc từ xa

Quỳnh Vân 22/12/2023 06:41

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra làm việc tại nhà có vẻ như không hiệu quả hơn là bao so với làm việc ở trên văn phòng.

Từ Zoom trở lại phòng họp, quá trình di cư ngược đang diễn ra một cách từ từ.

Các công ty tài chính ở Phố Wall được biết đến là một trong những bên nghiêm khắc nhất trong việc yêu cầu nhân viên đến văn phòng làm việc. Nhưng gần đây, ngay cả những “ông lớn” công nghệ như Apple, Google, Meta cũng đã yêu cầu nhân viên phải có mặt tại văn phòng ít nhất 3 ngày một tuần.

Trước đây, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, một loạt nghiên cứu đã được đưa ra để chứng minh rằng làm việc từ xa thường hiệu quả hơn làm việc cực nhọc ở văn phòng. Thật không may, hầu hết những nghiên cứu mới đây lại chứng minh điều ngược lại: tới văn phòng, dù có nhược điểm, vẫn rất cần thiết.

Câu chuyện bắt nguồn từ một bài báo nghiên cứu do 2 nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Harvard thực hiện, được xuất bản năm 2020 và thu hút được nhiều sự chú ý. Bài nghiên cứu chỉ ra số lượng cuộc gọi mà các nhân viên của một nhà bán lẻ trực tuyến có thể xử lý mỗi giờ đã tăng 8% khi chuyển từ văn phòng về nhà.

Tuy nhiên, tháng 5 vừa qua, các tác giả đã công bố phiên bản sửa đổi, giảm mức tăng xuống chỉ còn 4%. Họ không sai, nhưng nhờ nhận được dữ liệu chính xác hơn, bao gồm cả lịch làm việc chi tiết, các tác giả phát hiện những nhân viên này không những trả lời ít cuộc gọi hơn khi ở nhà mà chất lượng tương tác của họ cũng bị ảnh hưởng.

Ngay sau đó các nghiên cứu khác cũng đưa ra nhận định tương tự. Hai giáo sư từ Viện Công nghệ Massachusetts cùng một tiến sĩ Đại học California đã phân công ngẫu nhiên các nhân viên nhập dữ liệu ở Ấn Độ làm việc tại nhà hoặc văn phòng. Kết quả là những người làm việc tại nhà có năng suất thấp hơn 18% so với các đồng nghiệp ở văn phòng.

Trong một nghiên cứu về kỹ sư phần mềm được công bố vào tháng 4, các tiến sĩ của Harvard quan sát thấy rằng tương tác giữa các đồng nghiệp giảm mạnh sau khi chuyển sang làm việc từ xa. Tiến sĩ Atkin, Schoar và Shinde ghi nhận sự suy giảm tương đối trong việc học hỏi của người lao động tại nhà. So với họ, những người làm việc ở văn phòng tiếp thu các kỹ năng một cách nhanh chóng hơn.

The Economist: Chúng ta đã 'ảo tưởng' về sức mạnh của làm việc từ xa
Làm việc tại nhà tuy thoải mái nhưng chưa chắc đã đem lại năng suất cao hơn. Nguồn: The Economist

Nguyên nhân của quan điểm cho rằng làm việc từ xa giúp tăng năng suất có thể bắt nguồn từ một thử nghiệm gần một thập kỷ trước đại dịch, được tiến sĩ Nicholas Bloom ở Stanford và những người khác thực hiện vào năm 2013.

Theo báo cáo, nhân viên tổng đài của một công ty du lịch trực tuyến Trung Quốc hiện có tên là Trip.com chứng kiến hiệu suất của họ tăng lên 13% khi làm việc từ xa, một con số vẫn tiếp tục xuất hiện trên báo chí ngày nay.

Nhưng có 2 vấn đề lớn bị bỏ qua. Thứ nhất, hơn 2/3 hiệu suất được cải thiện đến từ việc nhân viên làm nhiều giờ hơn. Thứ hai, công ty Trung Quốc này cuối cùng phải tạm dừng làm việc từ xa vì nhiều nhân viên gặp khó khăn trong việc thăng tiến.

Vào năm 2022, tiến sĩ Bloom trở lại Trip.com, lần này là để điều tra ảnh hưởng của chế độ làm việc linh hoạt (Hybrid working). Kết quả của thí nghiệm này còn kém ấn tượng hơn khi nó không có tác động đáng kể đến năng suất, mặc dù nhân viên phải làm việc lâu hơn và khối lượng công việc cũng tăng lên.

Có lẽ ưu điểm lớn nhất của làm việc tại nhà là khiến nhân viên thoải mái và vui vẻ hơn. Thời gian di chuyển ít đi, họ cũng dễ dàng sắp xếp việc đưa đón con trẻ đến trường hay lên lịch hẹn với bác sĩ, chưa kể đến việc nghỉ ngơi hoặc chạy bộ vào buổi sáng.

Và một số công việc, đặc biệt là những công việc đòi hỏi sự tập trung liên tục trong thời gian dài, thường có thể được thực hiện suôn sẻ từ nhà hơn là trong văn phòng mở.

Tất cả điều này giải thích tại sao nhiều người lao động lại trở nên sợ đến văn phòng.

Ngoài ra, một số cuộc khảo sát cho thấy nhiều nhân viên sẵn sàng chấp nhận cắt giảm lương để được làm việc từ xa. Điều này có thể là một thỏa thuận tốt đối với các nhà quản lý doanh nghiệp.

Vì vậy, với nhiều người, tương lai công việc sẽ vẫn là sự kết hợp giữa làm việc từ xa và tại văn phòng. Tuy nhiên, sự cân bằng của tuần làm việc có thể nghiêng về phía văn phòng, do năng suất tốt hơn nằm ở hướng đó.

>> 10 công việc đang ‘khát nhân lực’ hiện nay: Cho phép ‘ngồi nhà’ làm online, không cần chấm công vẫn có mức lương lên tới 2,4 tỷ đồng/năm

Công việc cực “khát nhân lực” trong vài năm tới: Mức lương lên đến 2 tỷ đồng/năm mà không cần bằng cấp

10 công việc sẽ cực ‘khát nhân lực’ trong 5 năm tới: Mức lương lên tới 2,7 tỷ đồng/năm, mở ra nhiều cơ hội việc làm không thể bỏ lỡ

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/the-economist-chung-ta-da-ao-tuong-ve-suc-manh-cua-lam-viec-tu-xa-216312.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    The Economist: Chúng ta đã 'ảo tưởng' về sức mạnh của làm việc từ xa
    POWERED BY ONECMS & INTECH