Tài chính quốc tế

Thị trường thép và nhôm biến động tức thì sau tuyên bố của Tổng thống Trump

Bình Giang 10/02/2025 15:50

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo chí, rằng ông sẽ áp mức thuế 25% với tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, ngay lập tức gây sức ép lên cổ phiếu của các nhà sản xuất châu Á trong sáng nay (10/2), vì bước đi này đe dọa làm gián đoạn dòng chảy thương mại.

Thị trường thép và nhôm biến động tức thì sau tuyên bố của Tổng thống Trump ảnh 1
Một công nhân làm việc tại nhà máy thép Mandi Gobindgarh ở bang Punjab, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)

Mức thuế mới mà ông Trump đưa ra, bên cạnh các mức thuế hiện hành, khiến nhiều nhà sản xuất thép tại châu Á cảnh báo về tác động đến giá cả, lợi nhuận và khối lượng, từ đó gây thêm sức ép lên lạm phát và hoạt động kinh tế.

Theo số liệu của chính phủ và Viện Sắt thép Mỹ, Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam là những nước bán thép nhiều nhất vào Mỹ. Canada là nước cung cấp nhôm nhiều nhất cho Mỹ.

Bộ Công nghiệp Hàn Quốc đã họp khẩn với các nhà sản xuất thép tại Seoul để bàn bạc về cách giảm thiểu tác động của mức thuế mà Mỹ có thể sắp áp dụng.

"Chúng tôi lo ngại sự thay đổi tiềm tàng này sẽ làm tăng giá xuất khẩu và giảm khối lượng hạn ngạch 70%”, một quản lý của Hyundai Steel cho biết, ngụ ý nhắc đến hạn ngạch thép miễn thuế hằng năm của Hàn Quốc là 70% khối lượng xuất khẩu sang Mỹ. Hai bên ký thỏa thuận này từ thời chính quyền Trump đầu tiên.

Hyundai Steel đang cung cấp thép cho các nhà máy ô tô của Hyundai và Kia tại Mỹ. Trước đây, Hyundai Steel cho biết đang cân nhắc xây dựng một nhà máy thép mới tại Mỹ để giảm bớt tác động từ việc ông Trump có thể tăng thuế.

Sau khi ông Trump đưa ra thông tin sẽ tăng thuế, cổ phiếu của Hyundai Steel giảm tới 2,9% trong phiên giao dịch sáng nay. Cổ phiếu của các nhà sản xuất thép khác của Hàn Quốc cũng giảm.

"Những tác động tiêu cực từ thay đổi về thuế quan là không thể tránh khỏi", một lãnh đạo của Dongkuk Steel cho biết.

Chu Xinli, một nhà phân tích tại hãng quản lý đầu tư China Futures, nhận định nhu cầu của thị trường Mỹ sẽ giảm khi giá tăng và dòng hàng chậm lại. Thép đang được Mỹ nhập khẩu để phục vụ ngành chế tạo ô tô, sản xuất thiết bị gia dụng và xây dựng.

"Những mặt hàng đó sẽ được chuyển hướng đến các quốc gia và khu vực khác, như Liên minh châu Âu (EU) và các nước châu Á, nơi sẽ chứng kiến ​ thay đổi trong mô hình giao dịch thép toàn cầu", ông Chu nhận định.

"Tôi cho rằng các nhà sản xuất Mỹ sẽ phải chịu giá cao hơn từ mức thuế 25% này. Họ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, với khoảng 40%-45% nhôm và 12%-15% thép", Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao tại ngân hàng ANZ ở Sydney cho biết.

Trong phiên giao dịch sáng nay, giá quặng sắt tương lai giảm khi đe dọa về thuế quan kích hoạt tâm lý tránh rủi ro, dù đã có bằng chứng về nhu cầu phục hồi ở thị trường Trung Quốc. Ngược lại, giá nhôm tăng nhẹ vì nguồn cung có thể thắt chặt.

"Một trong những tác động của nguy cơ tăng thuế là hoạt động kinh tế toàn cầu suy giảm", Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại Capital.com ở Melbourne nhận định.

Một số quốc gia đang đưa ra lý lẽ để thuyết phục ông Trump không tăng thuế.

Bộ trưởng Thương mại Úc cho biết xuất khẩu thép và nhôm của nước này sang Mỹ giúp tạo ra "việc làm trả lương cao cho người Mỹ" và đóng góp bảo đảm lợi ích quốc phòng chung.

Charu Chanana, chiến lược gia trưởng về đầu tư tại hãng Saxo ở Singapore, cho rằng nhu cầu chậm hơn sẽ làm giảm tác động của thuế quan lên lạm phát. Tuy nhiên, "mối quan ngại lớn hơn là sự bất ổn và chuyển dịch sang thế giới bảo hộ hơn", bà cho biết.

Theo Reuters

>>Việt Nam xuất khẩu thép sang Mỹ đạt 1,2 tỷ USD, đối diện thách thức lớn khi ông Trump áp thuế 25%

Ông Trump quyết áp thuế 25% với thép và nhôm nhập khẩu, dọa đáp trả mọi quốc gia

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/thi-truong-thep-va-nhom-bien-dong-tuc-thi-sau-tuyen-bo-cua-tong-thong-trump-post1715744.tpo
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thị trường thép và nhôm biến động tức thì sau tuyên bố của Tổng thống Trump
    POWERED BY ONECMS & INTECH