Xã hội

'Thiên hạ đệ nhất hùng quan' vừa được 'khoác áo mới' hơn 42 tỷ đồng sẽ do hai tỉnh miền Trung luân phiên khai thác

Đại Dương 11/09/2024 - 17:24

Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất phương án luân phiên quản lý và khai thác di tích này theo hình thức quản lý trực tiếp 3 năm/lần.

Di tích Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, thuộc địa giới hành chính của cả tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Từ cuối năm 2021, hai địa phương đã phối hợp thực hiện dự án trùng tu và tôn tạo di tích này với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng. Sau hơn hai năm trùng tu, công trình Hải Vân Quan đã chính thức mở cửa đón khách tham quan miễn phí từ ngày 1/8.

'Thiên hạ đệ nhất hùng quan' vừa được 'khoác áo mới' hơn 42 tỷ đồng sẽ do hai tỉnh miền Trung luân phiên khai thác - ảnh 1
Hải Vân Quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân mây ngàn gió lộng, là ranh giới hành chính giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Ảnh: Internet

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc mở cửa miễn phí tham quan Hải Vân Quan sẽ kéo dài cho đến khi Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng thống nhất được mức giá vé phù hợp. Trong thời gian này, các bên sẽ lắng nghe ý kiến từ cộng đồng để hoàn thiện phương án vận hành, đồng thời hoàn thiện các dịch vụ và cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo an toàn cho du khách.

Trong giai đoạn đầu phục vụ du khách, khu di tích Hải Vân Quan đã được trang bị hệ thống lan can, kính bảo vệ, bảng chỉ dẫn và thùng rác nhỏ dọc theo lối đi. Bên trong nhà trú sở, các bảng thông tin và hình ảnh về di tích đã được hoàn thành, cung cấp bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu lịch sử công trình của du khách.

Tuy nhiên, khu di tích Hải Vân Quan vẫn còn thiếu một số hạ tầng cần thiết, bao gồm: bãi đỗ xe, điểm bán vé, cửa hàng lưu niệm cũng như khu vực làm việc cho hướng dẫn viên và nhân viên bảo vệ.

Đại diện Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, hai địa phương đã thành lập một tổ bảo vệ gồm 8 người, trong đó một nửa là người Đà Nẵng và nửa còn lại là người Huế. Tổ bảo vệ này sẽ chia thành hai ca trực, làm việc 24/24 giờ tại Hải Vân Quan.

'Thiên hạ đệ nhất hùng quan' vừa được 'khoác áo mới' hơn 42 tỷ đồng sẽ do hai tỉnh miền Trung luân phiên khai thác - ảnh 2
Hải Vân Quan nhìn từ phía Đà Nẵng về Huế. Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế

Trong thời gian tới, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thành lập một ban quản lý để thực hiện công tác quản lý và khai thác di tích Hải Vân Quan. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách, ban quản lý sẽ gắn mã QR tại từng hạng mục di tích. Bên cạnh đó, hai địa phương cũng sẽ nghiên cứu tổ chức các triển lãm, trưng bày, hoạt động liên quan đến Hải Vân Quan nhằm lan tỏa giá trị của danh thắng đặc biệt này.

Mới đây, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng cũng đã tổ chức một buổi làm việc để thống nhất phương án quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan. Mục tiêu là đảm bảo sự quản lý và khai thác hiệu quả, tối ưu và bền vững cho di tích này.

Tại buổi làm việc, hai bên đã thống nhất phương án luân phiên quản lý và khai thác di tích Hải Vân Quan, theo hình thức quản lý trực tiếp 3 năm/lần. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện quản lý, trong khi thành phố Đà Nẵng sẽ giao UBND quận Liên Chiểu phụ trách.

Dự kiến, lễ khánh thành công trình tu bổ và tôn tạo di tích Hải Vân Quan sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12. Giá vé tham quan được đề xuất từ 50.000 đến 70.000 đồng/vé. Các bên sẽ cùng xây dựng phương án quản lý và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng để xem xét và thông qua.

Hải Vân Quan được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), tọa lạc trên đỉnh đèo Hải Vân, là đồn lũy quân sự trấn thủ trên đỉnh. Vì địa thế đắc địa, Hải Vân Quan được mệnh danh là "yết hầu" của Kinh đô Huế. Ngoài ra, với cảnh quan vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, công trình này cũng được gọi là "Thiên hạ đệ nhất hùng quan". Công trình chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và cũng là thắng cảnh nổi tiếng thu hút sự quan tâm của du khách.

>> Một phần của 'thiên hạ đệ nhất hùng quan' sắp trở thành vùng du lịch trọng điểm miền Trung, đạt chuẩn quốc tế

Đề xuất công nhận tòa tháp hơn nghìn năm tuổi ở Nha Trang là Di tích Quốc gia đặc biệt

Đô thị đặc biệt nhất Việt Nam đầu tư hơn 200 tỷ đồng cải tạo cụm di tích quốc gia

Theo Thị Trường Tài Chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/thien-ha-de-nhat-hung-quan-vua-duoc-khoac-ao-moi-hon-42-ty-dong-se-do-hai-tinh-mien-trung-luan-phien-khai-thac-126714.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Thiên hạ đệ nhất hùng quan' vừa được 'khoác áo mới' hơn 42 tỷ đồng sẽ do hai tỉnh miền Trung luân phiên khai thác
    POWERED BY ONECMS & INTECH