Doanh nghiệp

Thiếu máy bay nghiêm trọng, Vietnam Airlines cân nhắc mua tàu bay từ Trung Quốc

Hoàng Ngân 27/06/2024 11:46

Vietnam Airlines đang có 11 máy bay bị triệu hồi để bảo dưỡng động cơ và dự kiến cuối năm sẽ dừng thêm 6 chiếc.

Vietnam Airlines (HVN) đang đối mặt với tình trạng thiếu máy bay nghiêm trọng do việc bảo dưỡng động cơ và khó khăn trong việc mua máy bay từ Airbus và Boeing.

Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, thị trường hàng không đã qua giai đoạn khó khăn lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. "Khó khăn hiện nay của Vietnam Airlines và các hãng hàng không là việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt máy bay trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch", ông Hà nói.

Hiện nay, có hơn 1.500 máy bay trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi động cơ, trong đó 340 chiếc đã phải dừng hoạt động. Riêng Vietnam Airlines có 11 máy bay bị triệu hồi động cơ và dự kiến cuối năm sẽ dừng thêm 6 chiếc.

Hãng Pratt & Whitney - một trong ba nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu của thế giới dự kiến thu hồi hơn 3.000 động cơ trong năm nay, với thời gian sửa chữa và bảo dưỡng kéo dài đến 200 ngày, dẫn đến tình trạng thiếu máy bay sẽ kéo dài hết năm 2024 và giảm dần vào năm 2025.

Thế giới thiếu hụt tàu bay nghiêm trọng, Vietnam Airlines cân nhắc mua tàu bay từ Trung Quốc
Vietnam Airlines đang đối mặt với tình trạng thiếu máy bay nghiêm trọng - Ảnh minh họa

>> Đề xuất Quốc hội gia hạn thêm 3 lần khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ cho Vietnam Airlines

Để đối phó với tình trạng này, Vietnam Airlines đã làm việc với Pratt & Whitney để đảm bảo cung cấp động cơ dự phòng và lịch sửa chữa sớm nhất. Đồng thời, hãng cũng giảm tần suất khai thác một số chặng không hiệu quả và tăng giờ bay của đội bay từ 15-20%. Vietnam Airlines cũng lùi lịch bán tàu bay để đáp ứng nhu cầu bay, cụ thể là kế hoạch bán 6 tàu A321CEO đã bị hoãn lại.

Vietnam Airlines đang cân nhắc đến việc mua dòng máy bay C919 do Trung Quốc sản xuất. Đây là một trong những giải pháp khả thi trong bối cảnh khó mua máy bay từ Airbus và Boeing, khi mà việc đặt mua từ hai nhà sản xuất này chỉ có thể giao hàng sớm nhất vào năm 2030. Theo Tổng Giám đốc của Vietnam Airlines, việc thuê thêm máy bay trong thời gian tới chưa thuận lợi, đặc biệt là với đội tàu bay A321.

Tình hình tài chính của Vietnam Airlines vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, với khoản lỗ lũy kế đến cuối năm 2023 lên tới 41.000 tỷ đồng, vượt xa vốn điều lệ, và tình trạng âm vốn chủ sở hữu hơn 17.000 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn cũng vượt tài sản ngắn hạn 46.287 tỷ đồng. Dòng tiền năm 2024 dự kiến rất khó khăn do nhiều khoản nợ tái cơ cấu đến hạn thanh toán, đặc biệt là từ tháng 7/2024.

Dự kiến trong năm 2024, Vietnam Airlines sẽ đạt gần 106.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước, và lãi sau thuế hơn 4.233 tỷ đồng. Hãng cũng lên kế hoạch tăng vốn để bổ sung dòng tiền hoạt động và đảm bảo vốn dài hạn, với hai hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, chia sẻ rằng công ty kỳ vọng đến năm 2025 sẽ xóa bỏ tình trạng âm vốn chủ sở hữu, dần xóa lỗ lũy kế và đưa bức tranh tài chính lành mạnh như trước dịch Covid-19. Công ty đã có nhiều giải pháp, trong đó có cả hỗ trợ từ Nhà nước, nhưng các giải pháp nội lực vẫn là quan trọng nhất để đạt được mục tiêu này.

>> 'Đại gia' chip di động lớn thứ hai thế giới hé lộ việc 'bắt tay' với đối tác Việt để tạo ra chip 'Make in Vietnam'

Đề xuất Quốc hội gia hạn thêm 3 lần khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ cho Vietnam Airlines

Vietnam Airlines: Tham vọng đạt 106.000 tỷ doanh thu dù tình trạng thiếu máy bay có thể kéo dài tới năm 2025

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/the-gioi-thieu-hut-tau-bay-nghiem-trong-vietnam-airlines-can-nhac-mua-tau-bay-tu-trung-quoc-240196.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thiếu máy bay nghiêm trọng, Vietnam Airlines cân nhắc mua tàu bay từ Trung Quốc
POWERED BY ONECMS & INTECH