Quốc tế

Thông lệ thăm châu Phi đầu năm của các Ngoại trưởng Trung Quốc

Huy Vũ Theo SCMP 21/02/2024 - 17:17

Khi Ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham đến thăm Ethiopia, Uganda, Kenya và Tanzania vào tháng 1 năm 1991, ông đã khởi động cái mà truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi là “xu hướng không thể ngăn cản”.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tổ chức họp báo, tại Cairo, Ai Cập ngày 14/1/2024. Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tổ chức họp báo, tại Cairo, Ai Cập ngày 14/1/2024. Ảnh: Reuters

Kể từ đó, các ngoại trưởng Trung Quốc đã chọn châu Phi làm điểm dừng chân trong chuyến công du nước ngoài đầu năm, ngay cả sau khi Tiền rời bỏ vai trò này vào năm 1998.

Trong 34 năm liên tiếp, truyền thống này đã được các ngoại trưởng Trung Quốc tuân theo, từ Đường Gia Triền đến Lý Triệu Tinh, Dương Khiết Trì và Tần Cương.

Tháng trước, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị một lần nữa nêu cao truyền thống này khi ông đến thăm Ai Cập, Tunisia, Togo và Bờ Biển Ngà trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm mới.

Các nhà quan sát coi việc bảo tồn truyền thống lâu đời hàng thập kỷ này là một công cụ ngoại giao và là cách Trung Quốc thể hiện rằng châu Phi luôn đứng đầu trong chương trình nghị sự ngoại giao của nước này và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm tới.

Tuy nhiên, sự hiện diện của Trung Quốc với khu vực này không phải lúc nào cũng đậm nét. Thay vào đó, các nhà phân tích cho biết họ đã chuyển từ chủ yếu tập trung vào thương mại sang tập trung vào nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Lina Benabdallah, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Wake Forest, cho biết một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất là “sự liên tục và thành tích của truyền thống”.

"Điều này đã tạo nên một câu chuyện về sự ổn định và liên tục ưu tiên quan hệ Trung Quốc - châu Phi", giáo sư Benabdallah chỉ ra.

Với việc truyền thống này được duy trì tới nay, có vẻ như nền ngoại giao Trung Quốc đang nhận được đền đáp.

Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cho biết rất “vui mừng” khi đất nước của ông là chặng đầu tiên trong chuyến công du châu Phi của Ngoại trưởng Vương Nghị, một động thái mà ông cho rằng thể hiện “tình hữu nghị vững chắc và sâu sắc” giữa hai nước.

Tại Togo, Ngoại trưởng Robert Dussey cho biết chuyến đi của ông Vương có "ý nghĩa đặc biệt" và quốc gia Tây Phi này "đánh giá cao" truyền thống cử ngoại trưởng tới thăm châu Phi vào đầu mỗi năm của Bắc Kinh.

Tổng thống Togo Faure Gnassingbe, trong một cuộc gặp riêng với ông Vương, đã nói: “Người dân châu Phi cần một người bạn như Trung Quốc, người quan tâm đến thực tế của châu Phi, lắng nghe yêu cầu của châu Phi và không bao giờ áp đặt ý chí của mình lên người khác”.

Theo chuyên gia Alessandro Arduino từ trường King's College London (Vương quốc Anh), châu Phi “đã và vẫn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ông Arduino lưu ý rằng các tương tác của Trung Quốc với lục địa này trước đây “có trọng tâm về ý thức hệ hơn”. Giờ đây, cách tiếp cận của Bắc Kinh là “sự pha trộn chiến lược giữa chủ nghĩa thực dụng địa kinh tế và tham vọng dẫn đầu câu chuyện về Phương Nam toàn cầu” của Bắc Kinh.

Trung Quốc trong những năm gần đây đã tìm cách tự coi mình là nhà lãnh đạo của các nước đang phát triển và Phương Nam toàn cầu.

“Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nỗ lực chiến lược để định vị mình không chỉ là một cường quốc kinh tế mà còn là một bên tham gia an ninh trong khu vực, thể hiện rõ qua việc tăng cường đào tạo lực lượng quân sự và cảnh sát cho nhiều quốc gia châu Phi, cũng như các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình", ông Arduino cho biết.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong hơn một thập kỷ, với dữ liệu hải quan năm 2023 cho thấy tổng thương mại đạt 282 tỷ USD.

Trung Quốc đã chi trả cho các dự án lớn ở châu Phi, với hầu hết các nước trong khu vực đều tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng hàng đầu của Bắc Kinh.

Về mặt an ninh, Trung Quốc ngày càng tham gia nhiều hơn vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, cướp biển và các biện pháp khác nhờ đầu tư rộng rãi vào khu vực.

Nước này cũng đã tìm cách mở rộng dấu ấn quân sự của mình. Năm 2017, Trung Quốc mở căn cứ hải quân nước ngoài đầu tiên ở Djibouti và tiến hành các cuộc tập trận với nhiều quốc gia châu Phi kể từ đó.

Mandira Bagwandeen, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, cho biết mối quan hệ của Trung Quốc với lục địa này đã phát triển thành “mối quan hệ nhiều mặt và năng động” kể từ chuyến công du của Ngoại trưởng Tiền Kỳ Tham năm 1991.

Bà Bagwandeen lưu ý rằng mối quan hệ ban đầu được xây dựng dựa trên việc đảm bảo và duy trì một liên minh chính trị trong bối cảnh Trung Quốc cộng đồng quốc tế xa lánh vào thập niên 1980.

Nhờ trữ lượng dầu mỏ và các khoáng sản dồi dào, châu Phi sau đó trở thành nhà cung cấp tài nguyên quan trọng cho nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc vào đầu những năm 2000, sau khi Trung Quốc đưa ra chính sách "Đi ra ngoài" để thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài.

“Các mối quan hệ chính trị vẫn rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế đã phát triển ngày càng mạnh mẽ trong những năm qua”, bà Bagwandeen nói. “Châu Phi không chỉ là nhà cung cấp tài nguyên đơn giản cho Trung Quốc mà còn là khu vực có tầm quan trọng chiến lược”.

Trong khi lợi ích tài nguyên sẽ vẫn là trụ cột trong các cam kết của Trung Quốc với khu vực, bà Bagwandeen cho biết lợi ích của Bắc Kinh trong việc đóng một vai trò trong quá trình công nghiệp hóa của châu Phi đã bổ sung thêm một góc độ kinh tế chiến lược mới cho mối quan hệ.

Bà cho biết việc nâng cấp quan hệ với châu Phi lên “đối tác chiến lược toàn diện” vào năm 2015 cho thấy mong muốn của Bắc Kinh tăng cường quan hệ với khu vực trên mọi mặt, từ chính trị, kinh tế đến an ninh.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý tương tự rằng Trung Quốc cần “hỗ trợ ngoại giao” trên trường quốc tế khi bắt đầu truyền thống thu hút châu Phi vào năm 1991. Vào thời điểm đó, Trung Quốc cũng cần thị trường cho hàng hóa và nguyên liệu thô cho năng lực sản xuất của mình.

Mặc dù mức độ nhu cầu của Trung Quốc có thể thay đổi một chút, nhưng bà Benabdallah cho rằng khó có khả năng Bắc Kinh sẽ rời bỏ châu Phi, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt với Washington và châu Âu về ảnh hưởng ở châu Phi.

“Tôi không nghĩ chúng ta sẽ thấy truyền thống này sớm biến mất vì phía Trung Quốc nhận ra rằng nó được các bên châu Phi đánh giá rất cao. Như vậy, những chuyến thăm này là một tài sản quan trọng trong hộp công cụ ngoại giao trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở châu Phi”, bà Bagwandeen chỉ ra.

>> Xe container nằm hàng dài chờ xuất hàng sang Trung Quốc

Tỷ lệ kết hôn của thanh niên Trung Quốc tăng trở lại

Xe container nằm hàng dài chờ xuất hàng sang Trung Quốc

Tỉnh cửa ngõ vùng Tây Bắc, là điểm tiếp nối của hành lang kinh tế Trung Quốc – Việt Nam sẽ có thêm 33 cụm công nghiệp

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/thong-le-tham-chau-phi-dau-nam-cua-cac-ngoai-truong-trung-quoc-post143749.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thông lệ thăm châu Phi đầu năm của các Ngoại trưởng Trung Quốc
POWERED BY ONECMS & INTECH