Thông tin mới nhất về 2 dự án bảo dưỡng tại sân bay hơn 16 tỷ USD lớn nhất Việt Nam
Theo lộ trình đầu tư giai đoạn 1, sân bay sẽ có 4 xưởng bảo dưỡng máy bay, gồm hangar số 1, 2, 3 và 4, trong đó Vietnam Airlines đã đề xuất đầu tư cả 4 hangar.
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt thông tin dự án cùng bảng theo dõi tiến độ lựa chọn nhà đầu tư cho hai dự án xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng máy bay số 5 và số 6 thuộc Dự án thành phần 4 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, dự án bao gồm việc xây dựng công trình dịch vụ bảo dưỡng máy bay với hệ thống thiết bị hiện đại, đáp ứng khả năng bảo dưỡng đồng thời 1 máy bay thân rộng (đến code E) và 2 máy bay thân hẹp, cùng nhà điều hành, các hạng mục phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tiến độ thực hiện dự kiến khoảng 12 tháng kể từ ngày hợp đồng dự án có hiệu lực, với thời hạn khai thác kéo dài đến hết ngày 31/12/2050.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam làm bên mời thầu và dự kiến tổ chức lựa chọn nhà đầu tư vào quý I/2025.
Theo lộ trình đầu tư giai đoạn 1, sân bay Long Thành sẽ có 4 xưởng bảo dưỡng máy bay, gồm hangar số 1, 2, 3 và 4, trong đó Vietnam Airlines đã đề xuất đầu tư cả 4 hangar. Hiện tại, hãng đã giành quyền đầu tư hangar số 1 và số 4, đồng thời tiếp tục xúc tiến để tham gia đấu thầu hai hangar còn lại.
>> Cao tốc hơn 19.000 tỷ đồng, nối TP. HCM với tỉnh có 16 cửa khẩu dự kiến khởi công trong năm nay
Ở diễn biến khác, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải bổ sung thêm hai dự án hangar số 5 và số 6 nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận cho các hãng hàng không nội địa.Dự kiến mỗi hangar có diện tích 38.135m2, đáp ứng khả năng bảo dưỡng đồng thời 1 máy bay thân rộng và 2 máy bay thân hẹp.
Việc bổ sung này nhằm đảm bảo tính cạnh tranh bình đẳng, giúp các nhà đầu tư khác có cơ hội cung cấp dịch vụ bảo dưỡng máy bay, đặc biệt đối với các hãng hàng không sở hữu đội bay quy mô lớn.
Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đang sở hữu tổng cộng 199 máy bay, trong đó Vietnam Airlines dẫn đầu với 95 máy bay, tiếp theo là Vietjet Air với 92 máy bay.Tuy nhiên, Vietnam Airlines hiện là hãng duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ thống hangar bảo dưỡng thông qua công ty thành viên Vaeco, trong khi Vietjet Air phải đưa máy bay ra nước ngoài bảo dưỡng với chi phí cao.Để giải quyết vấn đề này, Vietjet đã gửi kiến nghị lên Bộ Giao thông vận tải xin được chỉ định làm nhà đầu tư hangar số 5 và số 6 tại sân bay Long Thành.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026 với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 2 triển khai từ năm 2028-2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm.
Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
>> Siêu dự án 85.000 tỷ sẽ đưa Hòa Phát lọt top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới