Thu hồi đầu số của SPT, mất 15,3 tỷ đồng vì bị lừa cài ứng dụng giả mạo

28-01-2024 09:06|Hải Phong

Cục Viễn thông thu hồi đầu số của SPT; Mất 15,3 tỷ đồng vì bị lừa cài ứng dụng dịch vụ công giả mạo;... là những thông tin công nghệ trong nước nổi bật tuần qua.

Thu hồi đầu số của SPT

Ngày 25/1/2024, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) thông báo thu hồi kho số viễn thông đã phân bổ cho Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) do không nộp phí sử dụng kho số viễn thông.

spt dau so 355.jpg
Cục Viễn thông đã phân bổ kho số viễn thông cho Công ty SPT để kinh doanh dịch vụ viễn thông gồm số điện thoại cố định, số 1800, 1900, nhưng Công ty SPT không thực hiện việc nộp phí sử dụng kho số.

Cục Viễn thông đã phân bổ kho số viễn thông cho Công ty SPT để kinh doanh dịch vụ viễn thông gồm số điện thoại cố định, số 1800, 1900, nhưng Công ty SPT không thực hiện việc nộp phí sử dụng kho số viễn thông cho Nhà nước trong thời gian dài gây ảnh hướng lớn đến công tác quản lý Nhà nước.

Căn cứ điểm c Khoản 2 Điều 50 Luật Viễn thông quy định việc thu hồi kho số viễn thông trong trường hợp tổ chức, cá nhân đã được phân bổ nhưng không nộp phí sử dụng kho số viễn thông, Cục Viễn thông sẽ tiến hành thu hồi kho số viễn thông đã phân bổ cho Công ty SPT trước ngày 31/3/2024.

Để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người sử dụng dịch vụ viễn thông liên quan tới dịch vụ viễn thông do Công ty SPT cung cấp, Cục Viễn thông thông báo tới các khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông có gắn với kho số viễn thông (số thuê bao điện thoại cố định, số 1800, 1900…) do Công ty SPT cung cấp được biết và chuẩn bị phương án thay thế nhằm tránh thiệt hại do việc doanh nghiệp bị thu hồi kho số viễn thông gây ra.

SPT được thành lập năm 1995 với số vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Năm 1996, SPT bắt đầu cung cấp dịch vụ bưu chính với thương hiệu Saigon Post, năm 1997 cung cấp dịch vụ Internet thương hiệu SaigonNet.

SPT cũng là đơn vị sở hữu mạng S-Fone và được phân bổ đầu số 095. Được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất vào tháng 4/2002. 

S-Fone bắt đầu cung cấp dịch vụ từ 1/7/2003 và là nhà cung cấp dịch vụ thoại qua CDMA đầu tiên tại Việt Nam. 

Mất 15,3 tỷ đồng vì bị lừa cài ứng dụng dịch vụ công giả mạo

Tối 17/1, Công an TP Hà Nội cho biết, trong tháng 1/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ.

toi pham cong nghe ngan hang 4333 1436.jpg
Trong tháng 1/2024, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã tiếp nhận đơn trình báo của 6 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt gần 20,6 tỷ.

Trong đó, người bị chiếm đoạt nhiều nhất 15,3 tỷ đồng và người bị chiếm đoạt ít nhất là 252 triệu đồng.

Theo công an, có nhiều nạn nhân bị các đối tượng giả mạo cán bộ công an, yêu cầu hỗ trợ cài đặt dịch vụ công giả mạo chứa mã độc chiếm quyền điều khiển điện thoại của bị hại, sau đó thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán để chiếm đoạt.

Các đối tượng sẽ dẫn dắt người dân cài đặt ứng dụng giả mạo về điện thoại hoặc truy cập vào đường link cài đặt ứng dụng giả mạo gần giống với cổng dịch vụ công.

Mã độc sẽ song song được tải về điện thoại, cho phép đối tượng truy cập vào thiết bị để hoạt động truy cập dữ liệu, chụp ảnh màn hình, đọc tin nhắn, đặc biệt là quyền trợ năng để chiếm quyền điều khiển điện thoại.

Chiếm được quyền điều khiển điện thoại, các đối tượng lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng và mã OTP giao dịch, thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản. 

Việt Nam ghi tên vào cuộc đua phát triển AI 

Tờ Nikkei Asia nhận định, Việt Nam đã ghi tên vào cuộc đua phát triển các chương trình trí tuệ nhân tạo tổng quát phục vụ cho ngôn ngữ và văn hóa địa phương ở châu Á, với ViGTP - chương trình AI phát triển bởi VinBigData (VBD).

viet nam ghi ten vao cuoc dua phat trien ai tong quat tai chau a.png
VinGroup đã chọn phát triển phiên bản độc lập, với dữ liệu của Việt Nam để tạo ra AI có độ chính xác cao hơn đối thủ nước ngoài.

Thị trường toàn cầu về AI tổng hợp đang mở rộng 42% mỗi năm, theo ước tính từ Bloomberg Intelligence, dự kiến sẽ đạt 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2032, gấp khoảng 32 lần quy mô 40 tỷ USD của năm 2022.

Dẫn đầu là các công ty công nghệ của Mỹ, như OpenAI, Google và Amazon - những gã khổng lồ công nghệ có nguồn vốn và nhân lực dồi dào.

Vũ Hà Văn, giáo sư toán học tại Đại học Yale, đang giữ vai trò giám đốc khoa học VBD cho biết: Bất chấp sự cạnh tranh sâu sắc, VinGroup đã chọn phát triển phiên bản độc lập, với dữ liệu của Việt Nam để tạo ra AI có độ chính xác cao hơn đối thủ nước ngoài.

Đến nay, các chương trình AI tạo sinh chủ yếu đào tạo trên dữ liệu tiếng Anh. Điều đó có nghĩa là có tương đối ít dữ liệu từ Việt Nam, làm giảm độ chính xác của các chương trình đó khi nói đến văn hóa, lịch sử và luật pháp địa phương.

Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của ViGPT được cho bao gồm 1,6 tỷ tham số, tương đương vài phần trăm kích thước của GPT-4 của OpenAI.

Nhiều thông số hơn thường tương đương với trí thông minh cao hơn. Nhưng theo bài đánh giá AI tổng quát tuỳ chỉnh đối với thị trường Việt Nam, ViGPT vượt trội hơn nhiều đối thủ nước ngoài và đạt được số điểm chỉ đứng sau ChatGPT.

Giả mạo cơ quan chức năng chiếm 9% tổng số cuộc tấn công lừa đảo

Trong báo cáo mới công bố, chuyên gia Viettel Cyber Security chỉ ra rằng, năm vừa qua ghi nhận sự nổi lên của các cuộc tấn công giả mạo cơ quan chức năng tại Việt Nam, chiếm 9% trong tổng số các cuộc tấn công lừa đảo, giả mạo.

cuoc goi lua dao 1 490.jpg
‘Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện lừa đảo” là một trong những hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến trên không gian mạng Việt Nam. (Ảnh minh họa: Internet)

Cụ thể, thống kê từ hệ thống Viettel Threat Intelligence, trong năm 2023, đã phát hiện gần 5.900 tên miền lừa đảo, con số gấp 1,3 lần so với năm 2022 và gấp 6,2 lần so với năm 2020. 

Báo cáo mới công bố của Viettel Cyber Security cũng cho thấy, xét theo lĩnh vực, nhóm ngành tài chính - ngân hàng vẫn tiếp tục là mục tiêu hàng đầu các cuộc tấn công lừa đảo, giả mạo, chiếm tới 54% trong tỷ lệ tấn công lừa đảo, giả mạo. Tiếp đó là ngành bán lẻ - thương mại điện tử với 16%. 

Đáng chú ý, năm 2023 cũng ghi nhận sự nổi lên của các cuộc tấn công giả mạo cơ quan chức năng tại Việt Nam, chiếm 9% trong tổng số các cuộc tấn công lừa đảo, giả mạo.

Các chuyên gia dự báo, trong bối cảnh tình trạng mua bán dữ liệu cá nhân ở Việt Nam vẫn tràn lan, năm 2024, các vụ lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng vẫn có xu hướng gia tăng. Vì thế, người dân cần nâng cao cảnh giác hơn nữa để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo; thường xuyên cập nhật và nắm bắt thông tin về vấn đề an toàn không gian mạng.

Cơn sốt vé concert Anh trai vượt ngàn chông gai: Giá 'chợ đen' cao gấp 4 lần, người hâm mộ chật vật 'săn' sát ngày diễn

Từ vụ Mr Pips Phó Đức Nam lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng, công an cảnh báo gì?

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/thu-hoi-dau-so-cua-spt-mat-15-3-ty-dong-vi-bi-lua-cai-ung-dung-gia-mao-2244587.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thu hồi đầu số của SPT, mất 15,3 tỷ đồng vì bị lừa cài ứng dụng giả mạo
    POWERED BY ONECMS & INTECH