Thu ngân sách từ đấu giá đất tại đô thị đặc biệt của Việt Nam tăng gấp đôi
Trong 11 tháng của năm 2024, TP. Hà Nội đã thu được gần 18.600 tỷ đồng từ đấu giá đất, tăng gấp đôi so với các năm trước.
Ngày 21/12, tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024, Sở TN&MT cho biết chỉ tiêu thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất tại TP là hơn 24.200 tỷ đồng.
Cụ thể, hết tháng 11 của năm 2024, toàn TP đã thu về gần 18.000 tỷ đồng, đạt khoảng 74% kế hoạch và ước hoàn thành chỉ tiêu đến hết năm. Con số này đã tăng gần gấp đôi so với các năm trước (trung bình gần 10.000 tỷ đồng mỗi năm).
Theo Sở TN&MT, việc tổ chức tốt công tác đấu giá đất đã giúp đảm bảo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo hiệu quả cho việc tiếp cận và sử dụng đất đai.
Mặc dù vậy, TP. Hà Nội thừa nhận việc đấu giá đất trên địa bàn vẫn còn một số hạn chế. Một trong số đó là tình trạng giá khởi điểm thấp do được tính theo bảng giá đất tại Điều 159 Luật Đất đai 2024. Có nhiều nơi bảng giá đất thấp hơn so với giá thị trường, không có khả năng bù đắp được chi phí giải phóng mặt bằng hay đầu tư hạ tầng.
Trước tình trạng này, UBND các quận, huyện đã quy định đấu giá nhiều vòng bắt buộc với các bước giá cục thể nhằm đảm bảo mức giá sau các vòng sát với thị trường.
Mặc dù vậy, luật chỉ cấm hành vi dìm giá chứ chưa có chế tài với hành vi thông đồng "thổi giá".
Từ đó xuất hiện tình trạng người tham gia trả giá cao để trúng lô đất nhưng sau đó bỏ cọc hoặc trả với mức cao bất thường rồi bỏ ngang khiến phiên đấu giá thất bại. Mục đích của nhóm này để "làm giá" và gây nhiễu loạn thị trường.
Sở TN&MT cũng nhận định hiện nay chưa có quy định cá nhân trúng đấu giá phải hoàn thành xây dựng nhà ở trong thời gian nhất định do đó dẫn đến tình trạng bỏ hoang đất, lãng phí nguồn lực đất đai.
Trong khi đó, nhiều quận, huyện áp lực thu ngân sách nên vẫn bắt buộc tổ chức đấu giá đất.
Trước thực trạng này, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành bảng giá đất điều chỉnh, có hiệu lực từ ngày 20/12 đến hết năm 2025.
Theo đó, quy định giá đất có mức cao nhất là hơn 695 triệu đồng/m2 đối với các thửa mặt đường tại loạt phố thuộc quận Hoàn Kiếm, mức này cao gấp 3,7 lần mức giá tại bảng giá đất cũ.
Tại quận Ba Đình, con đường có giá đất cao nhất là Phan Đình Phùng, với mức hơn 450 triệu đồng/m2, gấp 3,4 lần so với hiện hành. Một số tuyến phố khác như Trần Phú và Độc Lập cũng ghi nhận giá đất vượt ngưỡng 400 triệu đồng/m2.
Theo bảng giá đất mới, giá đất thương mại dịch vụ được điều chỉnh tăng từ 50% đến 100% so với trước đây. Đối với đất trồng lúa, cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản, mức tăng khoảng 15%.
Hà Nội cũng đặt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ việc đấu giá đất. Thành phố yêu cầu hạn chế đấu giá đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, thay vào đó ưu tiên tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án nhà ở. Các khu đất có giá khởi điểm thấp sẽ không được đấu giá mà chuyển sang phục vụ tái định cư.
Để tăng cường minh bạch, Công an thành phố được giao nhiệm vụ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện và xử lý vi phạm trong công tác đấu giá đất. Điển hình là vụ việc tại huyện Sóc Sơn, khi 5 người tham gia đấu giá đã đẩy mức giá lên tới 30 tỷ đồng/m2 nhằm cản trở lô đất được trúng đấu giá thành công.
SởTN&MT cho biết, hiện nay thành phố cơ bản đã kiểm soát chặt chẽ công tác đấu giá đất, đảm bảo tính công bằng và hiệu quả.
Năm nay, lần đầu tiên Hà Nội đạt mốc thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước, dẫn đầu cả nước. Trong đó, nguồn thu từ nhà và đất tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 48.590 tỷ đồng, vượt dự toán 14%. Đặc biệt, thu từ sử dụng đất đóng góp gần 75%, tương đương 36.100 tỷ đồng, tăng 40,5% so với năm ngoái.
Những con số này phản ánh sự phục hồi tích cực của thị trường bất động sản Hà Nội. Năm ngoái, các khoản thu từ nhà đất không đạt kế hoạch do thị trường địa ốc rơi vào tình trạng trầm lắng.
Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ. Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên.
Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.
Hoàn thành dự án trùng tu di tích ‘Thiên hạ đệ nhất hùng quan’
Công bố lộ trình triển khai và chuẩn bị đầu tư tuyến cao tốc Mộc Châu - Sơn La - Điện Biên