Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư: Tăng trưởng bền vững trở thành yêu cầu bắt buộc
Thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các nhà đầu tư.
Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại hội thảo “Phát triển bền vững 2023: Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta”.
Ông khẳng định phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng ngày càng trở thành nhân tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Quốc Phương. |
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững có quan hệ hữu cơ, vừa là quan điểm vừa là mục tiêu xuyên suốt trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, trong đó tăng trưởng xanh là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn sắp tới kinh tế thế giới dự kiến sẽ thay đổi nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi các quốc gia phải chung tay xây dựng và triển khai các biện pháp và huy động nguồn lực để ứng phó.
Đối với Việt Nam, các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển, đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển khoa học, công nghệ còn thấp…
Việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong bối cảnh đó vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
Cũng tại Hội thảo, ông Đào Xuân Lai - Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường của UNDP Việt Nam chia sẻ: nhiều nước trên thế giới, một số liên minh quốc tế, các thể chế tài chính đã cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP 26. Đó là cam kết về tài chính, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chuyển dịch năng lượng. Đồng hành cùng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đã cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050 với lộ trình hành động cụ thể, không chỉ giảm dấu chân carbon mà còn giảm rác thải nhựa.
Đại diện UNDP Việt Nam nhận định: thực hiện mục tiêu Net Zero mang đến nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp. Với cam kết dịch chuyển năng lượng, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng mà Việt Nam còn có thể xuất khẩu điện tái tạo. Trong thời gian qua, UNDP đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí kinh doanh .
“Phát triển bền vững đòi hỏi đầu tư ban đầu tương đối lớn nhưng về lâu dài sẽ giúp tiết kiệm chi phí, kinh doanh bền vững, minh bạch thông tin, đáp ứng nhu cầu của đối tác” - ông Đào Xuân Lai nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Duy Thuận - CEO của tập đoàn Lộc Trời. |
Ông Nguyễn Duy Thuận - CEO của tập đoàn Lộc Trời - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam cho biết doanh nghiệp này đã sớm có hành động thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Lộc Trời hiện đang triển khai trồng lúa trên 2 triệu hecta với khoảng 1 triệu hộ nông dân đang làm việc trong hệ thống quản lý nông nghiệp của tập đoàn. Lộc Trời cũng như người nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long hiểu rằng, mỗi hành động của mình hướng đến phát triển bền vững sẽ đóng góp rất nhiều cho mục tiêu giảm phát thải nhà kính của Việt Nam. Các nhà khoa học tại Viện Nông nghiệp Lộc Trời đã xây dựng chiến lược sản xuất lúa gạo và toàn tập đoàn đã triển khai chiến lược trong các hoạt động hàng ngày.
Điển hình, áp dụng tiêu chuẩn trồng lúa bền vững SRP của thế giới, đa dạng hoá khi luân canh nuôi trồng giữa tôm và lúa giúp tập đoàn có thể sản xuất loại gạo thơm tốt nhất thế giới; ứng dụng công nghệ để tối đa hoá phụ phẩm, giảm thất thoát lãng phí từ cây lúa sau thu hoạch; số hoá hoạt động tập đoàn tiết kiệm chi phí.
Với nhận thức tăng trưởng bền vững trở thành yêu cầu bắt buộc, bà Đoàn Vũ Uyên Duyên - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) cho biết: một nguồn phát thải lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đến từ canh tác chưa chính xác. Canh tác chính xác đòi hỏi cách thức tiếp cận khác với các nguồn tài nguyên. Trong đó, ứng dụng công nghệ cao sẽ giúp tính toán chính xác, như số lượng phân bón với từng loại đất.
Nhận thức được điều đó, TTC AgriS đã sớm đầu tư cho nền tảng công nghệ - yếu tố giúp phát triển nông nghiệp bền vững. Mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp của TTC AgriS mang đến lợi ích chung các bên liên quan như cho phép người nông dân sử dụng ứng dụng, xác định các thời điểm trong quá trình trồng trọt, tiếp cận các nghiên cứu nông học… Nền tảng công nghệ tốn chi phí, nhưng mang lại lợi ích lâu dài, và Uyên Duyên cho biết thêm.