'Sức ép' xanh lên tín dụng: Cần bệ đỡ từ thuế, phí và tài chính
Với mức tăng trưởng ấn tượng 22%/năm, tín dụng xanh được kỳ vọng là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, 65% doanh nghiệp đang mòn mỏi với bài toán vốn. Hành động khẩn trương từ Nhà nước sẽ tạo ra một "bệ đỡ" tài chính vững chắc, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh không thể trì hoãn.
65% doanh nghiệp 'mòn mỏi' với vốn xanh
Khoảng 8 năm trở lại đây, một cuộc "trỗi dậy" mạnh mẽ đã diễn ra trên thị trường tín dụng Việt Nam khi số lượng tổ chức rót vốn xanh tăng vọt hơn gấp ba lần, từ 15 lên 50. Không chỉ vậy, dòng chảy tín dụng xanh còn ghi nhận tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân ấn tượng, đạt 22%/năm trong giai đoạn 2017-2024.
Tuy nhiên, một nghịch lý nhức nhối đang cản trở doanh nghiệp trên con đường xanh hóa: dù Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình tài chính xanh đầy hứa hẹn như GEF, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, các khoản vay từ ADB, WB và các hợp phần tín dụng xanh tại một số ngân hàng thương mại, nhưng thực tế cho thấy, nguồn vốn này vẫn "quay lưng" đối với phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thống kê cho thấy, có tới 65% doanh nghiệp đang "vật lộn" trong việc tìm kiếm nguồn tài chính để hiện thực hóa các dự án xanh, cho thấy một khoảng trống lớn giữa chủ trương và thực tiễn.
Chia sẻ từ thực tế "nếm trải" quá trình tìm kiếm vốn xanh, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long thẳng thắn bày tỏ: việc tiếp cận không hề dễ dàng, thậm chí được xem là một mục tiêu quá xa vời. Ông Thắng chỉ rõ một nút thắt quan trọng: sự thiếu vắng các tiêu chí xanh cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực đã gây ra không ít trở ngại trong quá trình doanh nghiệp "gõ cửa" ngân hàng để tìm kiếm nguồn vốn ưu đãi.
Dẫn chứng từ chính thực tế hoạt động của nhà máy xử lý chất thải và sản xuất nông nghiệp tuần hoàn đã có hơn 10 năm tuổi, ông Thắng cho biết dù đã tốn nhiều công sức chuẩn bị hồ sơ khi làm việc với nhiều ngân hàng, doanh nghiệp của ông vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn tín dụng xanh. Điều này cho thấy, dù ý tưởng và mô hình kinh doanh có tính bền vững, việc thiếu một "bộ lọc" tiêu chuẩn rõ ràng đang khiến doanh nghiệp "lực bất tòng tâm".
![]() |
Thực tế cho thấy, nguồn vốn xanh vẫn "quay lưng" đối với phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. |
>>>Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình: Không có đất thì làm sao chúng tôi làm nhà ở xã hội?
Dù tín dụng xanh được xem là chìa khóa cho tăng trưởng bền vững, thực tế tiếp cận của doanh nghiệp vẫn gian nan do thiếu tiêu chí cụ thể. Ông Lê Quang Thắng chỉ rõ nghịch lý này từ trải nghiệm 10 năm của doanh nghiệp mình, đồng thời kiến nghị Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách đặc thù để tín dụng xanh thực sự thúc đẩy kinh tế xanh của đất nước.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm thực tế, ông Nguyễn Thái Việt Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Saty Holding, nhấn mạnh rằng Saty Holding hiện đang tiên phong triển khai mô hình nông nghiệp bền vững tại Hợp tác xã Tân Điền, Tiền Giang, chuyên trồng lúa gạo. Quá trình này cũng khiến công ty ông cần một nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, chính sách tín dụng xanh vẫn đang được các ngân hàng thương mại phê duyệt theo công thức cũ, tức là phải có tài sản thế chấp, hợp đồng kinh doanh…
"Để thực hiện mô hình này, chúng tôi cần nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại vẫn áp dụng những quy tắc vay vốn truyền thống khi xét duyệt tín dụng xanh, như yêu cầu tài sản thế chấp và hợp đồng kinh doanh. Điều này gây ra không ít trở ngại cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp bền vững", ông Huy chia sẻ.
Ngân hàng: Thay vì thu 3 đồng, thì tín dụng xanh chỉ được 2,5 đồng
Ở góc độ ngân hàng, dù rất muốn thúc đẩy tín dụng xanh, song cũng ở "thế khó" khi họ lại vướng phải "ma trận" tiêu chí. Sự thiếu vắng một danh mục phân loại xanh và bộ tiêu chí xác định dự án xanh thống nhất cho từng lĩnh vực, từng ngành kinh tế của Việt Nam đã dẫn đến tình trạng "mỗi nơi một phách". Kết quả là, một dự án được ngân hàng này gắn mác xanh chưa chắc đã lọt qua "cửa" của ngân hàng khác, tạo ra sự thiếu nhất quán và gây khó khăn cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.
Vấn đề tài sản bảo đảm tiếp tục là rào cản lớn, khiến ngân hàng khó thẩm định. Phó tổng giám đốc Agribank Phùng Thị Bình cho biết, doanh nghiệp nông nghiệp thường thuê đất trả tiền hằng năm hoặc sử dụng đất công, không đủ điều kiện thế chấp. Nghiêm trọng hơn, các tài sản phục vụ sản xuất trên đất như nhà kính, nhà lưới lại không được công nhận quyền sở hữu, đẩy ngân hàng vào thế khó khi không thể định giá để làm tài sản đảm bảo.
Tính bất ổn của chính sách quy hoạch cũng làm tăng thêm rủi ro. Việc quy hoạch thường xuyên thay đổi khiến ngân hàng khó đánh giá chính xác hiệu quả của dự án, đặc biệt là khi chưa có chính sách rõ ràng về đầu ra cho các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện rác.
"Dù đã nhiều lần kiến nghị, đến nay quy định vẫn chưa được điều chỉnh phù hợp", bà Bình nói.
Một trong những thách thức nữa là chi phí đầu tư ban đầu cao, trong khi khả năng tiếp cận nguồn vốn dài hạn với lãi suất ưu đãi vẫn còn rất hạn chế. Chia sẻ mới đây, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MBBank, cho hay trong những năm qua, MB ưu tiên lớn nhất đối với tín dụng xanh, với tỷ lệ cho vay các dự án xanh chiếm khoảng 8%.
Khi được hỏi về việc liệu tín dụng cho các lĩnh vực xanh với lãi suất thấp hơn so với các lĩnh vực khác thì có ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh hay không. Bởi lẽ thay vì cho vay 1.000 tỷ được NIM tới 4-5% thì nay chỉ được 2%, tức là đã mất đi 2-3%. Ông Ánh cho rằng, việc đầu tiên cần xác định rõ tín dụng xanh đối với MB là trách nhiệm xã hội trước, sau đó khi làm tốt thì uy tín và vị thế sẽ thay đổi, lúc này sẽ có thuận lợi về huy động vốn trong nước và quốc tế, cùng các dịch vụ đi kèm với tín dụng xanh. Từ đó, xem xét nên cân bằng một phần hoặc cân bằng được hết các “thiệt hại”.
“Thay vì thu được 3 đồng, thì tín dụng xanh chỉ thu được 2,5 đồng, việc này MB cũng phải cân bằng”, CEO của MB nói thêm.
![]() |
Các công cụ tài chính hấp dẫn như lãi suất ưu đãi là yếu tố then chốt để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình này. |
Cần có cơ chế và động lực đủ mạnh
Đáng chú ý, rào cản kiến thức và năng lực đang "trói chân" doanh nghiệp trong cuộc đua chuyển đổi xanh. Theo khảo sát của Ban Phát triển kinh tế tư nhân trên 2.734 doanh nghiệp, có tới 46,8% thừa nhận thiếu nhân sự chuyên môn về giảm phát thải và chuyển đổi xanh, đồng thời "mò mẫm" trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp do đây là một lĩnh vực còn quá mới mẻ và đặc thù. Đáng chú ý, tại TP. Hồ Chí Minh, chỉ vỏn vẹn 12% doanh nghiệp có đội ngũ chuyên trách về ESG, một thiếu hụt nghiêm trọng đang cản trở việc hiện thực hóa các chiến lược phát triển bền vững.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng, sự hỗ trợ và can thiệp của nhà nước vào thị trường hiện nay còn thấp, khiến các doanh nghiệp chưa thấy đủ sức hấp dẫn của trái phiếu xanh và tín dụng xanh để tham gia thị trường.
Ông Lực giải thích rằng việc chuyển đổi dây chuyền và hệ thống sản xuất từ "nâu" sang "xanh" đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn, làm giảm động lực chuyển đổi của doanh nghiệp nếu họ phải vay vốn với lãi suất thông thường. Do đó, theo ông, các công cụ tài chính hấp dẫn như lãi suất ưu đãi là yếu tố then chốt để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình này.
Dẫn chứng tại Trung Quốc, ông Lực cho rằng, họ đã đi trước chúng ta 5 năm và đang có 3 điểm rất đáng học hỏi. Thứ nhất, họ quy định rất rõ, nếu như lĩnh vực tư nhân đầu tư vào tăng trưởng xanh sẽ được giảm lãi suất. Thứ hai, họ đã thành lập quỹ phát triển xanh quốc gia để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ để chuyển đổi xanh, đặc biệt là mạnh tay giảm thuế, phí. Thứ ba, Trung Quốc khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm sẵn sàng đầu tư vào các lĩnh vực mới liên quan đến bảo vệ môi trường.
Do đó, để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia vào chuyển đổi xanh, TS. Lực nhấn mạnh: "Chúng ta cần tạo ra những động lực mạnh mẽ hơn, đặc biệt là về thuế, phí và tài chính."
Ông Lực cho biết thêm, Việt Nam có tiềm năng thu hút 15,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư quốc tế, nhưng hiện tại vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này do thiếu các danh mục, dự án, chương trình và địa phương cụ thể để họ đầu tư. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật kịp thời danh mục phân loại xanh, cho rằng đây là yếu tố then chốt để khơi thông dòng vốn đầu tư vào các dự án xanh.
Vấn đề thực thi chính sách và cụ thể hóa vẫn là 2 điểm yếu lớn nhất. Các doanh nghiệp quốc tế sẵn sàng đầu tư các dự án trị giá 1-2 tỷ USD vào Việt Nam, nhưng sự thiếu hụt các danh mục dự án cụ thể đang cản trở dòng vốn đầu tư này.
"Về vấn đề thẩm định và tư vấn danh mục xanh, tôi cho rằng nên thuê các đơn vị tư vấn độc lập. Cơ quan Nhà nước khó có thể "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Chúng ta nên xây dựng một cơ chế thẩm định rõ ràng, bao gồm đơn vị tư vấn định giá đất và hội đồng thẩm định", ông Lực đề xuất.
Phó Thống đốc: Dư nợ tín dụng xanh chiếm 4,6% tổng dư nợ tín dụng, còn nhiều dư địa phát triển
Ngân hàng Nhà nước mở rộng gói tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ cho nông, lâm, thủy sản