Vĩ mô

Thủ tướng: Xử lý hơn 2.200 dự án tồn đọng, 'đã có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, phải đau đớn'

Luân Dũng 23/05/2025 11:59

Thủ tướng cho biết, theo thống kê các địa phương gửi, có hơn 2.200 dự án tồn đọng. Nếu tháo gỡ những dự án này sẽ giải phóng được hơn 230 tỷ USD, bằng 50% tổng GDP của cả nước. Thủ tướng cho rằng, tình hình thay đổi thì cơ chế, chính sách cũng phải thay đổi. Đây là “căn bệnh” và đã có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, phải đau đớn, chịu mất máu, mất tiền.

Đã có bệnh thì phải chữa

Tại phiên thảo luận ở tổ ngày 23/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập đến chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Thủ tướng cho biết, đầu Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã có báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có thống kê những dự án tồn đọng, kéo dài nhiều nhiệm kỳ gây lãng phí, điển hình là các dự án điện gió, điện mặt trời.

Thủ tướng: Xử lý hơn 2.200 dự án tồn đọng, 'đã có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, phải đau đớn' ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Chúng ta phải chấp nhận đau đớn, mất mát và coi đó là học phí". Ảnh: Như Ý

Theo Thủ tướng, chính sách của ta không tốt, dẫn đến tiêu cực, ồ ạt xây dựng các dự án điện gió, điện mặt trời không đúng quy hoạch, nên phải xử lý.

Thủ tướng thông tin, theo thống kê các địa phương gửi, có hơn 2.200 dự án tồn đọng. Nếu tháo gỡ những dự án này sẽ giải phóng được hơn 230 tỷ USD, bằng 50% tổng GDP của cả nước.

“Chúng tôi đang xây dựng chính sách, không hợp thức hóa sai nhưng phải có cách xử lý về thể chế, tổ chức”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, ai làm sai phải xử lý, với thể chế chưa phù hợp phải tháo gỡ.

Thủ tướng cho rằng, tình hình thay đổi thì cơ chế, chính sách cũng phải thay đổi. Đây là “căn bệnh” và đã có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, phải đau đớn, chịu mất máu, mất tiền.

Khi giải quyết bất cập, Thủ tướng cho rằng, không thể thu về 100% mà phải chấp nhận mất mát. “Chúng ta phải chấp nhận đau đớn, mất mát và coi đó là học phí. Việc này cho chúng ta bài học mới, kinh nghiệm mới, không thể không làm, mà đã làm phải có thiệt thòi”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, khi giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng mới có thể khai thác hết tiềm năng. Bên cạnh đó, đất đai lâm trường, nông trường cũng là vấn đề nhức nhối.

Làm sao khắc phục tối ưu nhất

Thủ tướng nói, trước đây việc quản lý, thành lập nông lâm trường rất cần thiết trong quá trình phát triển, nhưng khi tiến hành lại buông lỏng quản lý, không có chính sách kịp thời, linh hoạt và hiệu quả.

Vì thế, bây giờ phải đi giải quyết hậu quả cả pháp lý và thực tiễn, cũng lại phải chấp nhận đau đớn, mất mát. Nếu không chấp nhận thì không giải quyết dứt điểm được.

Thủ tướng: Xử lý hơn 2.200 dự án tồn đọng, 'đã có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, phải đau đớn' ảnh 2
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, ngày 23/5. Ảnh: Như Ý

“Chúng ta phải chịu đau đớn, mất mát, đưa ra cơ chế chính sách giải quyết dứt điểm. Khi đã đổ vỡ rồi không thể hàn gắn nguyên si như ban đầu, nhưng phải làm sao khắc phục tối ưu nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái từ thụ động sang chủ động tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Qua đó, cần giảm thủ tục hành chính, tạo không gian phát triển, tạo điều kiện kết nối thuận lợi.

“Chính quyền địa phương thay vì tiền kiểm, cấp phép thì hậu kiểm, tiến hành kiểm tra, giám sát, kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính rườm rà, bỏ cơ chế xin – cho”, Thủ tướng bày tỏ, đồng thời lưu ý, đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực.

“Quốc hội phân cấp, phân quyền cho Chính phủ, Chính phủ lại phân xuống cho bộ, ngành, địa phương, chúng tôi chẳng giữ làm gì vì nếu giữ khư khư nguồn lực thì không làm được gì, cái gì cũng phải đi xin”, Thủ tướng bày tỏ.

Tại phiên thảo luận ở tổ, Thủ tướng cho biết, vấn đề xuất khẩu cũng đang chững lại bởi chính sách mới. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần phải bình tĩnh, phải đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tích cực đàm phán với Mỹ. Chúng ta không đối đầu mà kiên trì đối thoại, thuyết phục, lắng nghe, không hoảng hốt, sẵn sàng giải quyết vấn đề các đối tác quan tâm, trong đó có Mỹ. “Tinh thần là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng cho hay.

>> Thủ tướng: Quyết tâm không đổi mục tiêu với các dự án trọng điểm GTVT

Dự khởi công cầu Tứ Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hoàn thành trong 24 tháng

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ đón chính thức Thủ tướng Thái Lan thăm Việt Nam

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/thu-tuong-xu-ly-hon-2200-du-an-ton-dong-da-co-benh-thi-phai-chua-phai-mo-xe-phai-dau-don-post1744774.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Thủ tướng: Xử lý hơn 2.200 dự án tồn đọng, 'đã có bệnh thì phải chữa, phải mổ xẻ, phải đau đớn'
    POWERED BY ONECMS & INTECH