Thực hư chuyện Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng livestream tư vấn đầu tư?
Sau Hoà Phát (HPG), Vingroup (VIC) đến lượt Chủ tịch Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng bị kể xấu sử dụng công nghệ AI mạo danh.
Chiều 20/8/2024, CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) đã cảnh báo về việc các đối tượng lừa đảo đang ngày càng tinh vi khi gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một số tài khoản Zalo mạo danh, sử dụng công nghệ AI để giả mạo hình ảnh lãnh đạo cấp cao tại SSI để livestream tư vấn đầu tư...
Đối tượng lập tài khoản có tên Nguyễn Duy Hưng trên nền tảng Zalo để đưa ra các nhận định, tư vấn. Từ nền tảng Zalo, đối tượng tiếp tục điều hướng vào nhóm kín trên nền tảng Telegram. Tại đây, đối tượng sử dụng công nghệ AI tạo hình ảnh, video giả mạo Chủ tịch SSI tư vấn đầu tư chứng khoán nhằm dụ dỗ nhà đầu tư vào cạm bẫy.
Kẻ xấu lập tài khoản Zalo mạo danh Chủ tịch SSI |
Chứng khoán SSI khẳng định ông Nguyễn Duy Hưng chỉ sở hữu 1 tài khoản tích xanh duy nhất trên nền tảng mạng xã hội Facebook. Trang cá nhân tích xanh của Chủ tịch SSI chỉ sử dụng để bày tỏ các quan điểm cá nhân, không sử dụng để tư vấn đầu tư hoặc tham gia bất cứ hội nhóm nào.
Mọi tài khoản cá nhân không có tích xanh và không phải nền tảng Facebook đều không phải trang cá nhân của ông Nguyễn Duy Hưng. Nhà đầu tư cần tăng cường cảnh giác, tỉnh táo khi thực hiện các thao tác trên môi trường số nhằm phòng tránh các hình thức lừa đảo.
Ứng dụng công nghệ AI mạo danh lãnh đạo các công ty chứng khoán để lừa đảo là một trong những thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ tài chính gần đây. Không chỉ SSI, nhiều CTCK khác như MBS, VNDIRECT hay các quỹ đầu tư cũng liên tục khuyến cáo về tình trạng này.
Trước đó, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) cũng lên tiếng cảnh báo về việc nhiều cá nhân, tổ chức đã mạo danh Hòa Phát để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng nhiều thủ đoạn như mời tuyển dụng, kêu gọi đầu tư vào dự án.
Thậm chí, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo chữ ký của Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long để "ký tươi, đóng dấu đỏ" làm thành thông báo của công ty.
Hòa Phát khẳng định không kêu gọi đầu tư vào bất kỳ một dự án nào của tập đoàn. Đồng thời, công ty đã nhiều lần cảnh báo trên website và các kênh truyền thông của tập đoàn, thực hiện lập vi bằng và phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý.
Ngay sau đó, Tập đoàn Vingroup - CTCP (HoSE: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng lên tiếng khi bị một số đối tượng cá nhân, tổ chức giả mạo, lập website gần giống hệ sinh thái Vingroup để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng nhiều thủ đoạn như mời tuyển dụng, kêu gọi đầu tư vào dự án.
Theo thống kê của Vingroup, có hơn 17 website mạo danh tập đoàn này, trong đó có những trang web có tên gần giống dễ gây nhầm lẫn như vingroup.ink, vingroupventures.top, vingroupventures.site…
>> Đèo Cả: Gói thầu thuộc dự án đầu tư công trọng điểm tại TPHCM sẽ về đích sớm 7 tháng
TTC Land (SCR) khởi kiện công ty con của Xây dựng Hòa Bình (HBC) đòi lại mặt bằng
Doanh nghiệp nhóm VN30 chốt lịch trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 60%