Thuê xe hoán cải chở học sinh: Tai họa rình rập
Tại một số khu vực ngoại thành Hà Nội, vấn đề an toàn xe đưa đón học sinh vẫn còn bị bỏ ngỏ. Nhiều nơi, ban phụ huynh đứng ra thuê xe hoán cải, không đủ điều kiện kinh doanh vận tải.
Chở học sinh bằng xe hoán cải
Người dân xã Thượng Vực (Chương Mỹ, Hà Nội) đã quen với hình ảnh chiếc xe Toyota Hiace cũ kỹ, rệu rã mang biển kiểm soát 29B-040.32 trực chờ hàng ngày trước cổng trường Tiểu học Thượng Vực. Mỗi ngày 4 lượt, xe đưa, đón học sinh từ nhà đến trường và ngược lại. Trên xe, chỉ còn ghế lái và hai ghế phụ phía trước nguyên bản. Phía sau, các hàng ghế được chủ phương tiện hoán cải thành 4 hàng ghế sắt, không có tựa lưng. Trên kính dán tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (tem kiểm định) có hạn đến tháng 11/2024. Tuy nhiên, trên xe không thấy phù hiệu xe hợp đồng - loại phù hiệu bắt buộc phải có đối với xe chở học sinh.
Xe đón học sinh trước cổng trường Tiểu học Thượng Vực (Chương Mỹ, Hà Nội). |
Khoảng 16h30 phút ngày 8 và 10/10, trống trường điểm giờ tan lớp, học sinh ùa ra cổng trường. Trên xe không có tài xế, một học sinh trèo qua cửa xe mở chốt cửa chính cho các em còn lại lên xe. Chưa đầy 10 phút, có khoảng hơn 20 học sinh chen nhau lên xe. Cháu đứng, cháu ngồi khiến xe chật ních. Ít phút sau, tài xế mới xuất hiện, nổ máy. Thấy xe đã đầy, tài xế chuẩn bị cho xe chuyển bánh. Chúng tôi tiến đến gần, hỏi đăng ký đi xe cho con, lái xe trả lời: “Ngày xe chạy 4 lượt đưa đi, đón về. Mỗi tháng nhà xe thu 250 nghìn đồng/học sinh, đăng ký với ban phụ huynh”.
Thấy người lạ, những đứa trẻ ngơ ngác kéo cửa sổ thò nửa người ra vẫy. Chiếc xe chuyển bánh băng băng trên trục đường chính toả đi các thôn. Tra cứu trên dữ liệu đăng kiểm, chiếc xe biển kiểm soát 29B-040.32 do một cá nhân tại phường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) đăng ký từ năm 2008. Đây là loại xe khách 16 chỗ, đến ngày 29/11/2024 là hết hạn đăng kiểm.
Tại xã Đại Yên (Chương Mỹ, Hà Nội), hàng ngày, chiếc xe khách biển kiểm soát 29B-315.65 đưa, đón học sinh từ trường Tiểu học Đại Yên về thôn Yên Khê và ngược lại (quãng đường khoảng 2km). Mỗi ngày chiếc xe chạy 8 lượt trên cung đường này vào buổi sáng, trưa và chiều. Khoảng 6h40, chiếc xe đỗ trước cổng trường, cửa mở, có khoảng hơn 20 học sinh bước xuống để vào lớp. Trả xong lượt đầu tiên, chiếc xe nhanh chóng quay lại đón những học sinh khác. Tài xế cho biết mỗi tháng nhà xe sẽ thu 300 nghìn đồng/học sinh và đăng ký thông qua ban phụ huynh.
Bà Hoàng Thị Thêu, Hiệu trưởng trường tiểu học Đại Yên cho biết, nhà trường không ký hợp đồng với hãng xe để đưa đón học sinh. Việc này do hội phụ huynh chủ động thuê xe.
cồng kềnh diễu phố
Tại đường Mạc Thái Tổ (Cầu Giấy) khu vực trước cổng trường liên cấp Nguyễn Siêu. Lúc 6h45 ngày 11/10, xe ô tô 16 chỗ, BKS 29K-039.80 tấp vào cổng trường trả học sinh. Liên tục sau đó, các xe chở học sinh mang BKS 29H-939.08, 29K-032.07, 29H-904.87, 29H- 947.28, 29B- 413.74… loại 16, 29, 45 chỗ nối đuôi nhau dừng, đỗ. Những xe đưa đón học sinh loại lớn này dàn hàng hai khiến hàng dài phương tiện giao thông phía sau không có khoảng trống để lưu thông. Dù mặt đường Mạc Thái Tổ ở khu vực này là đường một chiều nhưng xe của người dân bị ùn lại rất lâu mới có thể vượt qua.
Việc các xe đỗ, đón trả học sinh trong gần 1 tiếng, khiến nhiều người dân bức xúc. “Mặc dù tuyến đường rất nhỏ, chỉ một chiếc xe 45 chỗ đã chiếm một nửa đường. Có lúc đến giờ đưa đón học sinh, hàng chục chiếc xe lớn đến ồ ạt gây ảnh hưởng các phương tiện lưu thông. Tôi đề nghị trường bố trí nơi đón trả học sinh trong phạm vi trường”, Chị Nguyễn Thị Ngọc, quận Cầu Giấy bức xúc.
Khoảng 7h ngày 11/10, đường Nguyễn Xuân Linh và các ngả đường từ đây nối ra Trần Duy Hưng, Hoàng Minh Giám, Lê Văn Lương ách tắc. Chỉ riêng đoạn đường Nguyễn Xuân Linh, vào giờ đưa đón học sinh, các loại xe chen nhau vào tuyến đường này. Đây là khu vực tập trung nhiều trường tư thục của quận Cầu Giấy và Thanh Xuân. Các trường này có nhiều xe đưa đón học sinh. Nhiều xe trên 30 chỗ cồng kềnh chen vào tuyến đường chật hẹp này. Đáng nói, tại khu vực trước cửa Trường THCS Trần Duy Hưng và Trường mầm non Hoa Sen, những xe cồng kềnh này sau khi trả học sinh xuống trường đỗ lại thành hàng dài dưới lòng đường. Vì thế, tình trạng ùn, tắc diễn ra hàng ngày.
Điều 46 Luật Trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ có hiệu lực từ 1/1/2025, quy định về bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ đối với xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh: Xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh; phải trang bị thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe. Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi.
Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
'Quên' đóng bảo hiểm cho học sinh, nhân viên trường đến từng nhà trả lại tiền
Hà Nội siết chặt quy định để học sinh không dùng điện thoại trong giờ học