Tiềm năng của 'Amazon thu nhỏ', 'cánh tay nối dài' ra thế giới cho 'đầu tàu' kinh tế của Việt Nam
Chủ tịch Phan Văn Mãi từng nhận định, khu vực này có vị trí đặc biệt quan trọng, là mặt tiền biển, cửa ngõ nối thành phố ra thế giới.
Huyện Cần Giờ của TP. HCM được xem là "lá phổi xanh" của thành phố, "Amazon thu nhỏ" bởi rừng ngập mặn đã phủ kín toàn bộ huyện và được Tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam. Chỉ cách trung tâm thành phố hơn 50km, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ hay Rừng Sác Cần Giờ chính là địa điểm tham quan lý tưởng và “chữa lành” cho những du khách muốn đắm mình vào thiên nhiên và rời xa sự ồn ào nơi phố thị.
Đây là nơi sinh sống của khoảng 2.000 cá thể chim thuộc 33 loài, trong đó có 26 loài định cư và 07 loài di cư; Khu bảo tồn dơi (Đầm Dơi) tại tiểu khu 15a là nơi trú ngụ của hơn 500 cá thể dơi, chủ yếu là loài Dơi ngựa (Pteropus lylei); Khu bảo tồn khỉ (Khu Đảo Khỉ), với đàn Khỉ đuôi dài (Maccaca fascicularis) đã phát triển trên 1.000 con.
Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ, “lá phổi xanh” với chức năng bảo vệ TP. HCM và các đô thị xung quanh. Ảnh Internet
Cần Giờ là huyện lớn nhất và là địa phương duy nhất có biển, tạo sinh khí trong lành cho TP. HCM cần phải bảo tồn và gìn giữ. Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi từng nhận định, Cần Giờ có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ với một đô thị lớn như TP. HCM mà cả vùng và quốc gia, là mặt tiền biển, cửa ngõ nối thành phố ra thế giới.
Theo ông Mãi, nếu đầu tư phù hợp, Cần Giờ sẽ đại diện TP. HCM kết nối với các địa phương trong hành lang ven biển và nối ra với thế giới. Trong xu hướng phát triển sắp tới, hành lang này ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn, thậm chí quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của TP. HCM - khu đô thị lớn nhất và cũng là "đầu tàu" kinh tế của cả nước.
>> 'Kinh đô' xứ dừa làm dự án KCN hơn 3.500 tỷ, hàng nghìn hộ dân ủng hộ giao đất
Chính vì vậy, trong quy hoạch phát triển của TP. HCM giai đoạn 2023-2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Để biến mục tiêu đó thành sự thật, Cần Giờ đang tập hợp quỹ đất để triển khai hàng loạt dự án mang tầm cỡ quốc tế.
Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ. Dự án này được quy hoạch với quy mô 2.870ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm. Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ sẽ được xây dựng tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, chia làm 5 phân khu chức năng A, B, C, D, E, dân số hơn 228.000 người.
Phối cảnh khu đô thị lấn biển Cần Giờ trong tương lai. Ảnh Internet
Cùng với dự án khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, TP. HCM đang nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng vốn gần 129.000 tỷ đồng (hơn 5,4 tỷ USD), đặt tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Dự án có quy mô 7,2km cầu cảng, nhu cầu sử dụng đất khoảng 571ha. Cảng có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000DWT.
Siêu cảng Quốc tế Cần Giờ được TP. HCM kì vọng sẽ hỗ trợ hệ thống cảng biển trên địa bàn thành phố, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước khác cũng như đột phá phát triển kinh tế biển. Để kết nối hai siêu dự án trên, dự án cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ) sẽ được thành phố ưu tiên triển khai, phấn đấu khởi công dịp 30/4/2025.
Cầu Cảng Cần Giờ dự kiến với tổng số vốn 12.725 tỷ đồng. Ảnh Internet
Tổng chiều dài cầu Cần Giờ dự kiến 7,3km (gồm cả đường dẫn). Tổng diện tích đất ảnh hưởng bởi dự án gần 33ha. Tổng mức đầu tư cầu Cần Giờ khoảng 12.725 tỷ đồng. Cầu Cần Giờ dự kiến hoàn thành năm 2028 thay thế cho phà Bình Khánh kết nối khu Nam TP. HCM với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực. Qua đó, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
'Siêu' cảng Cần Giờ 5,4 tỷ USD vẫn chờ được 'gỡ khó' để thành hiện thực
Lấy đất làm siêu cảng Cần Giờ: Sẽ trồng rừng thay thế, gấp 3 lần diện tích xây cảng