Tiến sĩ Việt từng từ chối mức lương 100 lượng vàng về nước làm công chức
Ông nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng.
Mức lương cao, môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến... là những yếu tố mà nhiều người cân nhắc khi lựa chọn công việc. Tuy nhiên, vẫn có những con người tài năng sẵn sàng từ bỏ mức lương hấp dẫn ở nước ngoài để trở về quê hương, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, là một ví dụ điển hình.
Ông Nguyễn Đức Kiên sinh năm 1960 ở Ninh Bình, trong một gia đình có truyền thống về giáo dục. Cha ông là Giáo sư tại Bệnh viện Hữu nghị (Hà Nội), từng là nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại CHLB Đức; mẹ ông là giảng viên bộ môn Mắt tại Trường Đại học Y Hà Nội.
Tiếp nối truyền thống gia đình, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Tự động hóa tại Trường Đại học Giao thông Vận tải, ông Kiên đã có thời gian làm giảng viên tại trường.
Năm 1984, ông chuyển về Bộ Giao thông Vận tải cùng với thầy của mình là Giáo sư, Tiến sĩ Lã Ngọc Khuê. Đây là bước ngoặt trong sự nghiệp của ông. Thời gian làm việc ở Bộ của ông Kiên kéo dài trong 6 năm.
Năm 1991, ông Kiên nhận học bổng cao học tại CHLB Đức, chuyên ngành quy hoạch giao thông. Đức là quốc gia có ảnh hưởng lớn đến ông, bởi nơi đây cũng là nơi cha ông từng làm nghiên cứu sinh.
Sau khi hoàn thành chương trình cao học, ông tiếp tục làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ về kinh tế vĩ mô quy hoạch vùng. Kết thúc chương trình, ông ở lại làm việc và lúc về nước, mức lương của ông được trả tương đương 100 cây vàng thời đó.
Nói về lý do trở về, ông Kiên từng chia sẻ với báo chí, khi về nước chơi vào năm 1997, ông đã ghé thăm các thủ trưởng cũ và nhận được lời khuyên: "Trong 6-7 năm cậu đi thì đất nước khác lắm rồi, đổi mới rồi. Cậu về sẽ đóng góp được nhiều cho đất nước và đúng sở trường".
Vậy là cuối năm 1997, ông trở về và làm chuyên viên tại Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương. Ở tuổi 37, ông là người trẻ nhất trong vụ. Chỉ sau 6 năm, ông đã được bổ nhiệm làm Vụ trưởng.
Tháng 1/2007, khi Ban Kinh tế Trung ương được hợp nhất vào Văn phòng Trung ương Đảng, ông Kiên cùng 4 vị Vụ trưởng khác được chuyển sang Quốc hội và ứng cử tại các địa phương. Ông đã ứng cử tại Sóc Trăng.
Đầu năm 2008, ông Nguyễn Đức Kiên được bổ nhiệm làm Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Sau đó, ông được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Năm 2011, ông tiếp tục trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011-2016) và được bầu làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội. Ông tiếp tục trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV vào tháng 5/2016.
Trong quá trình làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Kiên được biết đến với những phát biểu thẳng thắn mà theo ông là dựa trên "khoa học, kết quả nghiên cứu chứ không phát biểu theo cảm tính".
Đơn cử như vào cuối năm 2014, ông Kiên từng làm nóng hội trường thảo luận tình hình kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015 vào năm 2014 khi đưa ra chất vấn về nợ công.
Cụ thể, ông cho rằng: "Ngưỡng nợ công bằng 65% GDP theo báo cáo của Bộ Tài chính là mức đề ra trong Chiến lược nợ công của Thủ tướng Chính phủ quy định đến năm 2020 chứ không phải đến năm 2015. Có phải chúng ta đã tiêu hết tiền của 6 năm về sau không?".
Hay ở trường hợp năm 2015, khi các ý kiến đều đổ dồn ủng hộ việc phát hành trái phiếu quốc tế 3 tỷ USD để tái cơ cấu danh mục nợ của Chính phủ thì ông Kiên bằng những phân tích của mình đã chốt hạ "nếu cộng thêm biến đổi tỷ giá đó thì chưa chắc đã rẻ".
Đến cuối năm 2019, ông Kiên được Thủ tướng bổ nhiệm là Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, thay cho ông Vũ Viết Ngoạn trước đó.
Tháng 12/2023, ông Nguyễn Đức Kiên nghỉ hưu theo chế độ.
Theo Quyết định 1120/QĐ-TTg thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Tổ Tư vấn kinh tế có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.
Bên cạnh đó, phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế; trên cơ sở đó tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Đồng thời, tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động thất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.
Tham gia ý kiến các báo cáo, đề án lớn về kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.