Tiktok bị tuyên phạt 370 triệu USD, công ty mẹ giàu cỡ nào?
Liên tiếp bị điều tra và tuyên phạt nhiều triệu đô, công ty mẹ của Tiktok làm ăn ra sao
Theo Hãng tin Reuters ngày 15-9, Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland (DPC) tuyên phạt mạng xã hội TikTok 345 triệu euro (370 triệu USD, khoảng 8.000 tỉ đồng) vì vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân của trẻ em Liên minh châu Âu (EU). Phản hồi về án phạt trên, một người phát ngôn của TikTok cho biết, công ty này không đồng tình với án phạt trên, đặc biệt là về mức tiền phạt.
Trước đó, TikTok đã bị các cơ quan quản lý quyền riêng tư của Vương quốc Anh phạt 12,7 triệu bảng Anh (15,9 triệu USD) vì nhiều lần vi phạm luật bảo vệ dữ liệu. Được biết, khoản tiền này đã giảm xuống hơn 1 nửa so với mức đề nghị của năm 2022 là 27 triệu bảng (29 triệu USD) và đại điện bên phía Tiktok phản hồi “ Rất vui vì khoản tiền phạt được công bố đã giảm xuống dưới một nửa. Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét quyết định và đang xem xét các bước tiếp theo”
Tình hình tài chính của ByteDance – công ty mẹ của Tiktok
Được đánh giá là kỳ lân công nghệ thành công nhất thế giới, ByteDance đạt lợi nhuận hoạt động gần 6 tỉ USD trong quý 1 năm 2023, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, nhờ mạnh tay cắt giảm chi phí, theo Wall Street Journal.
Là công ty tư nhân, ByteDance luôn bảo vệ chặt chẽ tình hình tài chính và không tiết lộ công khai kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, theo thông tin công ty đã đề nghị mua lại cổ phiếu từ nhân viên hiện hữu với giá 160 USD/cổ phiếu.
Với 1,4 tỉ cổ phiếu đang lưu hành, mức định giá tương ứng của ByteDance đạt 223,5 tỉ USD. Con số này giảm gần 26% so với mức định giá 300 tỉ USD cách đây một năm, theo một tài liệu trước đó của Wall Street Journal.
Chi phí bán hàng của ByteDance trong năm 2022 đạt 37,7 tỷ USD, tăng hơn 37,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các chi phí tiến hành cắt giảm của Bytedance có 14,8 tỷ USD chi phí bán hàng và tiếp thị, giảm so với mức 19,2 tỷ USD vào năm 2021; 8,7 tỷ USD chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển, giảm từ 14,6 tỷ USD một năm trước và 4,5 tỷ USD chi phí chung và chi phí hành chính, giảm so với 8,3 tỷ USD vào năm 2021.
Doanh thu đạt gần 24,5 tỷ USD trong ba tháng đầu năm 2023, tăng gần 34% so với một năm trước đó. Tổng tài sản của công ty ở mức 95,5 tỷ USD vào tháng 3, tăng từ 87,6 tỷ USD vào tháng 12 và tăng từ mức 64,3 tỷ USD vào năm 2021.
Trương Nhất Minh - Cha đẻ của Tiktok
Chỉ xếp sau Mark Zuckerberg trong danh sách những tỷ phú thế giới dưới 40 tuổi, Trương Nhất Minh (sinh năm 1983) là người sáng lập ByteDance, cha đẻ tạo ra Tik Tok (ở Trung Quốc gọi là Douyin).
Trương Nhất Minh và Tim Cook |
Theo Danh sách những người giàu nhất Trung Quốc năm 2023 của Forbes, tỉ phú 40 tuổi Trương Nhất Minh đứng thứ 2 với tài sản 49,5 tỉ USD, chỉ sau ông chủ hãng nước khoáng Nongfu Spring Chung Thiểm Thiểm (62,3 tỉ USD).
Trương Nhất Minh có phong cách lãnh đạo điềm tĩnh, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng lôi cuốn, trẻ nhưng khôn ngoan. ByteDance dần được nhiều người biết đến, nhưng Trương Nhất Minh vẫn ẩn mình trước cộng đồng công nghệ. Trong những lần hiếm hoi xuất hiện, ông luôn khoác lên mình mác kỹ sư máy tính đơn thuần.
Vào tháng 9 năm 2016, ByteDance lần đầu cho ra mắt ứng dụng Douyin. Để tránh việc bị ông lớn Tencent thâu tóm, Trương Nhất Minh nhanh chóng ra mắt một phiên bản quốc tế của Douyin dưới tên gọi TikTok, “mục tiêu nhỏ” lúc đó là đưa ByteDance thành công ty toàn cầu hoá trong vòng ba năm với hơn một nửa người dùng quốc tế.
TikTok thành công vượt qua mọi sự kỳ vọng. Ứng dụng này bước ra khỏi biên giới Trung Quốc và trở thành hiện tượng toàn cầu. Theo báo cáo của Sensor Tower, công ty phân tích ứng dụng di động, đến tháng 4/2020, TikTok đã vượt mặt YouTube, Tinder, Tencent Video… để trở thành ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất thế giới.
Vào tháng 3 năm 2018, Trương Nhất Minh lần đầu được xướng tên trong danh sách tỷ phú của Forbes, với giá trị tài sản ròng được ước tính ở mức 4 tỷ đô la. TikTok của Trương Nhất Minh đi lên một cách chóng mặt, cho tới thời điểm hiện tại, đây là ứng dụng có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.
Dẫu vậy hiện tại họ cũng đang đối mặt với một vài khó khăn. Làn sóng điều tra và tẩy chay TikTok đang diễn ra không chỉ ở Ấn Độ mà còn cả ở Mỹ, Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới.
Kinh doanh "ngược đời" như Chanel: Tăng giá gấp đôi, không bán online vẫn đạt doanh thu kỷ lục