Đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% để thúc đẩy phục hồi kinh tế, tuy nhiên điều này đầy thách thức khi tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm đạt mức thấp.
Doanh nghiệp khó khăn nhưng ngân hàng vẫn sinh lời từ hoạt động cho vay cao
Tính đến ngày 23/4/2024, dư nợ tín dụng tăng 1,6% so với cuối năm 2023. Trong khi cùng kỳ năm ngoái mức tăng là 2,66%.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), tín dụng có dấu hiệu "đông cứng" khi tăng trưởng tín dụng quý I/2024 thấp nhất trong 10 năm qua dù lãi suất cho vay đã hạ rất thấp.
Theo VEPR, do hiệu suất kinh doanh giảm, các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, dẫn đến tín dụng ảm đạm. Đây là vấn đề đáng báo động, cần cấp bách giải quyết.
Doanh nghiệp khó khăn nhưng Ngân hàng vẫn sinh lời từ hoạt động cho vay cao. |
Về vấn đề này theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện Trưởng Viện VEPR cho rằng, cần nhanh chóng thực hiện những biện pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước một cách mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Nếu hoạt động của doanh nghiệp và đầu tư tư nhân ảm đạm, khả năng phục hồi của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu về năng suất cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Việt nói.
Ngoài ra, các chuyên gia của VEPR cũng nêu nghịch lý rằng trong khi doanh nghiệp và người dân khó khăn thì ngân hàng vẫn duy trì mức sinh lời cao từ cho vay.
“Từ khi COVID-19 xảy ra, chính sách tiền tệ được nhanh chóng nới lỏng, lãi suất được hạ thấp nhằm hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, các ngân hàng giảm lãi suất huy động nhanh hơn so với lãi suất cho vay khiến cho NIM (mức sinh lời của hoạt động cho vay) tăng”, VEPR nêu và đề nghị mổ xẻ sâu hơn vấn đề lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng tăng trưởng tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm chủ yếu do tính chất mùa vụ. Nhu cầu tín dụng sẽ tăng lại ở các quý sau khi vào mùa kinh doanh cao điểm. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay lãi suất đang ở mức thấp.
“Tín dụng có thể sẽ cải thiện dần trong các tháng tới, nhưng mục tiêu tăng trưởng 15% năm nay có thể khó đạt. Lý do là kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao vì họ chưa mặn mà vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, chưa cao; sức mua của thị trường vẫn đang rất yếu và người dân bị ảnh hưởng thu nhập nên họ cũng chưa sẵn sàng vay mua nhà”, ông Huân nêu.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Bình Dương) cho rằng trong khi Việt Nam giảm lãi suất, thì nhiều quốc gia trên thế giới lại tăng lãi suất nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô, tránh lạm phát.
“Việt Nam giảm lãi suất xuống mức cực kỳ thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng lại thấp, thậm chí âm trong tháng đầu năm. Điều này cần được đánh giá kỹ lưỡng và nhanh chóng có phương án giải quyết vì ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông An nêu.
>>NHNN bơm gần 25.000 tỷ qua kênh OMO phiên 22/5, lãi suất đồng loạt tăng cao
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% là rất thách thức
Theo FiinGroup, Việt Nam đã chứng kiến sự suy giảm đáng kể trong tăng trưởng tín dụng nguyên nhân do sự chậm lại trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là những ngành gắn liền với sản xuất xuất khẩu.
Tăng trưởng tín dụng diễn ra chậm chạp trong suốt 11 tháng đầu năm 2023 trước khi bùng nổ đột ngột khoảng 550.000 tỷ đồng, tương đương 4,2% được thêm vào trong tháng cuối cùng, chủ yếu đến từ các ngành bất động sản và xây dựng.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% là rất thách thức. |
Đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% để thúc đẩy phục hồi kinh tế, tuy nhiên điều này đầy thách thức khi tăng trưởng tín dụng đạt mức tối thiểu 0,26% trong quý đầu tiên. Mặc dù vậy, sự phục hồi sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm nhờ chính sách tiền tệ toàn cầu được nới lỏng; lãi suất thấp hơn, tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn và nhu cầu tiêu dùng được cải thiện, góp phần vào triển vọng tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2023.
Về cơ cấu lợi nhuận, gần 80% thu nhập của các ngân hàng vẫn phụ thuộc vào tín dụng, do đó cùng với xu hướng tăng trưởng tín dụng chậm, tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng chỉ tăng nhẹ khoảng 4% so với năm 2022. Hơn nữa, thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu nhập từ phí dịch vụ đã chịu ảnh hưởng đáng kể do một loạt các sự kiện bất lợi trong ngành bảo hiểm, dẫn đến sự sụt giảm doanh thu từ bancassurance của nhiều ngân hàng.
Mặc dù đối mặt với các thách thức của COVID-19, các ngân hàng Việt Nam vẫn luôn có lợi nhuận, ghi nhận NIM (biên lãi ròng) ấn tượng trong giai đoạn đại dịch tác động. Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh ở mức 3,82% vào năm 2022, biên lãi ròng của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống chỉ còn 3,43% vào năm 2023, do tăng trưởng thu nhập lãi ròng chậm chạp và sự giảm sút trong tiền gửi thanh toán không kỳ hạn (CASA).
Trong năm 2024, các ngân hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp, được hỗ trợ bởi dồi dào thanh khoản và chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong nửa đầu năm, giúp giảm chi phí huy động vốn.
Về chất lượng tài sản, năm 2023, nhiều ngân hàng thương mại chứng kiến sự gia tăng các khoản nợ xấu (NPL) khi khả năng trả nợ của người vay giảm sút do các thách thức kinh tế. Các khoản NPL trên bảng cân đối kế toán chủ yếu liên quan đến các khoản vay bất động sản. Việc hình thành NPL vẫn ở mức cao và chưa đạt đỉnh, làm gia tăng áp lực dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng, đòi hỏi cần gia hạn Thông tư 02.
Năm 2023, các ngân hàng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ròng, chỉ đạt 3,6% so với cùng kỳ, chủ yếu do sự suy giảm trong biên lãi ròng (NIM) và tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng do gia tăng các khoản nợ xấu.
Nhìn về tương lai, FiinGroup cho rằng các ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng trưởng lợi nhuận bằng cách tận dụng sự hồi phục của thu nhập tín dụng, đồng thời nỗ lực cải thiện công tác thu hồi nợ và điều chỉnh chiến lược thu phí.
Mặc dù tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giảm đối với hầu hết các ngân hàng từ năm 2022 đến tháng 6/2023 do chất lượng tài sản suy giảm, các ngân hàng Việt Nam vẫn duy trì CAR trên mức tối thiểu theo yêu cầu của Basel II.
‘Cuộc đua’ tăng trưởng tín dụng nhóm ngân hàng 2024: Lợi thế từ bước đệm 2023 vững chắc
Thủ tướng ra công văn chỉ đạo quyết liệt các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024